Thursday, October 23, 2014

Biểu tình Hồng Kông bế tắc, nước ngoài bị tố can thiệp

(Baodatviet) - Trong khi phong trào biểu tình chưa đạt được kết quả nào khả quan thì trưởng đặc khu Hồng Kông nói có chứng cứ bên ngoài bên ngoài can thiệp biểu tình.

Ngày 22/10, khoảng 200 người biểu tình Hồng Kông (Trung Quốc) đã tuần hành đến nhà của ông Lương Chấn Anh, trưởng đặc khu hành chính nhằm hối thúc cải cách chế độ bầu cử.
Những người biểu tình kêu gọi ông Lương từ chức. Nhiều người trong số đó còn tức giận trước những phát biểu của ông Lương Chấn Anh trong tuần này rằng, chế độ dân chủ nhiều đại diện hơn là không thể chấp nhận được do điều này sẽ dẫn tới việc những người nghèo hơn lại có nhiều tiếng nói hơn trong các hoạt động chính trị.
Trong khi đó, những người biểu tình khác tiếp tục phong tỏa các đường phố chính tại thành phố, nơi họ đã cắm trại gần một tháng nhằm phản đối một kế hoạch của chính quyền trung ương, theo đó sẽ tạo cơ hội cho người dân Hồng Kông đi bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo của họ trong năm 2017 song chủ yếu hạn chế trong số các ứng cử viên trung thành với Bắc Kinh.
Người dân Hong Kong tụ tập nghe cuộc đối thoại với chính quyền chiều tối 21/10
Người dân Hong Kong tụ tập nghe cuộc đối thoại với chính quyền chiều tối 21/10
Người biểu tình ở Hồng Kông đang rất thất vọng khi cuộc đàm phán giữa các thủ lĩnh biểu tình và nhà chức trách không đạt kết quả nào. Các thủ lĩnh sinh viên vẫn chưa quyết định có tiếp tục đối thoại với chính phủ hay không.
Trong khi cuộc biểu tình đòi dân chủ của người dân Hồng Kông đã bước sang tuần thứ 4 mà chưa đạt được kết quả mong đợi, trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố "có chứng cứ bên ngoài can thiệp biểu tình".
Ông Lương tuyên bố sẽ cân nhắc tiết lộ bằng chứng này vào một thời điểm thích hợp.
Phát biểu trước phiên họp Hội đồng Điều hành Hồng Kông hôm 21/10, ông Lương nói rằng Hồng Kông là một thành phố cởi mở, với một môi trường quốc tế phức tạp, và ông tin xã hội Hồng Kông có biết đến sự hiện diện của các thế lực bên ngoài.
Trước đó, phát biểu tại Mátxcơva ngày 11/10, Phó thủ tướng Uông Dương cho biết phương Tây ủng hộ những người biểu tình thực hiện một “cuộc cách mạng màu”- như những người đã làm sụp đổ Đông Âu – và phản ứng tốt nhất giữa Nga và Trung Quốc là cải thiện mối quan hệ đối tác chiến lược.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có nhiều lựa chọn khác nhau để giải quyết bất ổn ở Hồng Kông. Một là cách chức đặc khu trưởng Hồng Kông, Lương Chấn Anh và bổ nhiệm một lãnh đạo nổi tiếng hơn mới có thể thiết lập một mối quan hệ tốt với các sinh viên và dân chúng, chấm dứt biểu tình.
Bắc Kinh cho rằng Lương Chấn Anh cũng  giống như bất kì lãnh đạo tỉnh hay thành phố nào khác. Sự vâng lời là tiêu chí đầu tiên, năng lực và hiệu quả là thứ hai. Khi ông thất bại trong việc thuyết phục đại đa số người dân Hồng Kông cũng như không thể ngăn chặn hoặc giảm bớt các cuộc biểu tình, tức là năng lực của ông kém.
Đây cũng là lý do dẫn đến sự từ chức của cựu trưởng đặc khu Hồng Kông  Đổng Kiến Hoa vào tháng ba năm 2005.  Khi Hồng Kông chấn động bởi làn sóng biểu tình quy mô lớn phản đối việc chính quyền định thông qua một dự luật chống lật đổ có tên gọi là Điều 23. Tháng 12/2004, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã chỉ trích Đổng Kiến Hoa năng lực quản lý kém. Bằng cách loại bỏ Đổng và thu hồi các dự luật của Điều 23, Bắc Kinh đã chấm dứt các cuộc biểu tình, ngăn chặn cuộc khủng hoảng.
Bởi thế, ông Lương Chấn Anh có lý do để lo lắng và phải tìm ra cách xử lý các cuộc biểu tình triệt để.
An Nhiên

No comments:

Post a Comment