Thursday, September 25, 2014

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp nhất từ 1980

HÀ NỘI  (NV) .- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp nhất kể từ thập niên 1980 đến nay theo một bản phúc trình của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB).

 
Một sạp bán đồ chơi Trung quốc tại chợ Đông Kinh, tỉnh Lạng Sơn, giáp giới với Trung Quốc. Hàng Trung quốc rẻ tiền, đủ loại, bán tràn ngập từ quê đến tỉnh cả nước Việt Nam, lấn át hàng hóa nội địa. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Hồi Tháng Tư vừa qua, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay khoảng 5.6% nhưng trong bản phúc trình mới nhất nói rằng Việt Nam chỉ hy vọng đạt được khoảng 5.5% tăng trưởng. Trong chiều hướng này, ADB chỉ dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5.7% cho năm 2015.

Cách đây hai tuần lễ, trong một bản tường trình khác, ADB nhận thấy nền kinh tế Việt Nam “không sáng tạo bằng Lào”. Trong 24 nền kinh tế được ADB nghiên cứu, Việt Nam chỉ xếp thứ 16, bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học.

Một trong những con số chứng minh cho thống kê tăng trưởng kinh tế giảm xuống là tỉ lệ số doanh nghiệp các loại sập tiệm hay đóng cửa đã tăng thêm 13% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng thời kỳ này của năm ngoái, dựa theo các con số của cơ quan thống kê, bộ Công thương CSVN.

Nhà cầm quyền trung ương Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm nay tới 5.8%, nhưng với những khó khăn tín dụng làm doanh gia phải bó tay và sức tiêu thụ trong nước giảm sút, con số này khó lòng đạt tới.

“Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế tùy thuộc tín dụng ngân hàng.” kinh tế gia Alan Phạm của  tập đoàn VinaCapital Group, tổ chức điều hành khối lượng đầu tư tài chính lớn nhất tại Việt Nam, phát biểu với báo tài chính Bloomberg. “Tăng trưởng tín dụng đã tăng chậm vì khả năng thu hút doanh nghiệp chậm chạp và các ngân hàng ngần ngại cho vay mới vì sợ vướng phải nợ xấu.”

Trong những năm gần đây, một số tập đoàn kỹ nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, LG, Nokia đổ hàng tỉ đô la lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam như các kế hoạch muốn thoát ra khỏi Trung Quốc. Giải ngân đầu tư ngoại quốc tăng 3.2%, tính đến tháng 9 này trong khi Nam Hàn, Hongkong và Nhật Bản là những nhà đầu tư ngoại quốc đầu tư nhiều nhất, theo thống kê của nhà nước.

Dù đầu tư ngoại quốc gia tăng, tăng trưởng tín dụng trong nước lại giảm xuống. Tính tới hết tháng 8-2014, chỉ tăng được 5.82% trong khi cùng thời gian này năm ngoái, dù èo uột, cũng tăng trưởng được 6.44%. Nhà cầm quyền Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 12% đến 14% hầu kích thích nền kinh tế trong nước tiến lên khi ông thủ tướng liên tiếp thúc hối ngân hàng nhà nước và các ngân hàng cố cho vay nhiều hơn và với lãi suất thấp hơn.

Theo lời ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói trên tờ Thanh Niên, có một sự không tin cậy giữa các ngân hàng với doanh nghiệp nên đã dẫn tới tình trạng tăng trưởng tín dụng chậm. Dù vậy, ông này dự tính sẽ đưa ra thí điểm cho một số doanh nghiệp vay không cần thế chấp, theo tờ Thanh Niên.

Cho dù có một giải pháp như thế được đưa ra, theo nhận xét của ông Eugenia Fabon Victorino, một chuyên gia kinh tế làm việc cho ngân hàng Úc-Tân Tây Lan ở Singapore thì “các vụ cho vay tiền ở Việt Nam hầu hết đều cho các xí nghiệp quốc doanh. Họ hớt hết các tín dụng cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tư nhân”.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Đỗ Thị Hiền, chủ một xí nghiệp may xuất khẩu ở Hà Nội cho hay bà “gõ cửa tới 4 ngân hàng mà không được họ cho vay đồng nào”. Vừa nói bà chỉ vào dãy máy may bỏ không cho bụi bám. (TN)

09-25-2014 4:31:27 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment