Thursday, September 25, 2014

PICS:Thái Bình Dương nhỏ bé trước phương tiện trinh sát Mỹ

(Baodatviet) - Dù đã triển khai hàng loạt phương tiện để giám sát Thái Bình Dương, nhưng Mỹ vẫn quyết định triển khai thêm 4 chiếc UAV MQ-8B để thực hiện nhiệm vụ này.


Hải quân Mỹ cho biết, 4 chiếc MQ-8B sẽ có mặt trên tàu USS Fort Worth - một trong số những tàu tác chiến tuần duyên (LCS) mới, tốc độ cao của Mỹ - khi nó rời San Diego để tới Thái Bình Dương trong năm nay.


Trực thăng không người lái MQ-8B hoạt động hoàn toàn tự động và có thể bay qua các vùng nguy hiểm, cho phép thủy thủ trên tàu có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra tại khu vực đó trong thời gian thực.


MQ-8B trang bị một động cơ công suất 420 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 213km/h, bán kính chiến đấu hơn 200km, thời gian hoạt động liên tục 8 tiếng. Ngoài khả năng trinh sát cực đỉnh, những chiếc trực thăng không người lái MQ-8B còn có khả năng phóng rocket.


Sự hiện diện của các trực thăng trinh sát này chắc chắn cũng gây ra sự quan tâm đặc biệt tại một khu vực nơi các camera và thiết bị giám sát trên máy bay, tàu chiến đang gia tăng nhanh chóng.


Mỹ đã vận hành các máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk từ đảo Guam kể từ năm 2010 và vào mùa hè 2014, Mỹ đã triển khai thêm RQ-4 tới căn cứ không quân Misawa, Nhật Bản để tăng cường khả năng giám sát với Trung Quốc và những lo ngại về Triều Tiên.


Global Hawk có kích cỡ khá lớn, dài tới 14,5m, cao 4,7m, sải cánh 39,9m, trọng lượng cất cánh 14,62 tấn. UAV Global Hawk có thể đạt tốc độ tối đa 575km/h, tầm bay 14.000km, trần bay 18.288m.


Ngoài tính năng trinh sát siêu hạng, UAV Global Hawk còn có khả năng phủ sóng gây nhiễu toàn bộ khu vực tác chiến, tạo thuận lợi cho nhóm tác chiến bên dưới hoạt động hiệu quả hơn. Global Hawk có thể hoạt động như một máy bay AWACS mini.



Ngoài ra, để tăng khả năng sống sót, Global Hawk được trang bị một hệ thống bảo vệ mềm AN/ALR-89 gồm các thành phần: Cảm biến cảnh báo laser AN/AVR-3; cảm biến cảnh báo radar AN/APR-49; hệ thống phóng mồi bẫy cùng hệ thống ngụy trang kéo theo ALE-50.


Ngoài hai loại máy bay không người lái nói trên, hối cuối năm 2013, Hải quân Mỹ đã triển khai 6 phi cơ tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon đến căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản.


P-8A Poseidon sử dụng 2 động cơ phản lực CFM56-7B27A với lực đẩy 120 kN, hành trình tối đa trên 11.000 km, bán kính tác chiến 4800km, tốc độ bay tối đa là 900 km/h, tốc độ bay tuần tra thông thường 400km/h.


Với phi hành đoàn 9 người, P-8A được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến mặt nước và tác chiến chống ngầm tầm xa; trinh sát và giám sát (ISR) thu thập tin tức tình báo từ ven bờ ra các vùng biển xa. Trần bay tối đa của P-8A là gần 13km nhưng chủ yếu nó sẽ bay trinh sát ở tầm thấp khoảng 15000 feet (4,57km).


Với phạm vi hành trình lớn, P-8A có thể quần thảo toàn bộ khu vực biển Hoa Đông, xa hơn nữa, nó còn có thể với tay tới tận khu vực Biển Đông. Một chiếc P-8A xuất phát từ căn cứ Okinawa chỉ mất thời gian khoảng 20 phút là có thể tới tuần tiễu, săn lùng tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực eo biển Đài Loan.


Cùng với những máy bay nói trên, Hải quân Mỹ vừa chính thức thừa nhận sự hiện diện của hai chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio là USS Michigan và USS North Carolina của nước này tại Biển Đông.


Thuyền trưởng Benjamin Pearson của tàu USS Michigan nói tàu này đã hoạt động ở tây Thái Bình Dương từ tháng 12/2013, thực hiện các nhiệm vụ do thám, huấn luyện và các nhiệm vụ bí mật khác.


“Chúng tôi hoạt động ở biển Hoa Đông, Hoa Nam (Biển Đông) và biển Philippines. Khu vực này giống như sân nhà của chúng tôi”, ông Pearson nói. Cùng với tàu USS Michigan, tàu USS North Carolina cũng được triển khai ở vùng biển này từ cuối năm 2013 từ Trân Châu Cảng, theo Janes’s.


Sự thừa nhận của Mỹ về sự hiện diện của những tàu ngầm chiến lược tại Biển Đông chính là minh chứng cho tuyên bố được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi đầu năm 2014. Theo đó, sẽ có 60% hoạt động tàu ngầm chiến lược Mỹ diễn ra ở Thái Bình Dương.

Thứ Năm, 25/09/2014 14:08

No comments:

Post a Comment