Thursday, September 25, 2014

Năng suất lao động thấp nhất, không phải vì người Việt kém cỏi

HÀ NỘI (NV) .- Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương không đồng nghĩa với yếu tố người Việt kém khả năng hoặc thiếu chuyên cần.


Lao động Việt Nam trong một nhà máy. Chính quyền Việt Nam vẫn chủ trương cạnh tranh bằng việc giữ giá nhân công thấp. (Hình: TBKTSG)

Đó là ý kiến mới nhất của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), sau khi chế độ Hà Nội phản đối một báo cáo do ILO thực hiện, theo đó, năm 2013, năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt. Nếu so với người Mã Lai, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5. Còn so với người Thái thì năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 2/5.

Sau báo cáo vừa kể, một viên thứ trưởng của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội CSVN tên là Phạm Minh Huân, chỉ trích, báo cáo của ILO “không chính xác”, “không phản ánh được đầy đủ năng lực của lao động Việt Nam”. Ông này cho rằng, đa số lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực da giày, dệt may nên không thể tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong khi đa số lao động Singapore làm việc trong lĩnh vực dịch vụ thành ra họ tạo nên giá trị trên một đơn vị thời gian cao hơn.

Ông Malte Luebker, một chuyên gia cao cấp của ILO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải thích, ILO dựa trên số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị, hoặc trên mỗi giờ lao động để tính toán năng suất lao động của một quốc gia. Nói cách khác, năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lao động, kết hợp với các yếu tố khác như máy móc, công nghệ mà một công nhân của quốc gia đó sử dụng.

Bởi Việt Nam hiện có một số lượng lớn nhân công làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong khu vực kinh tế phi chính thức, nhân công không được tiếp cận với công nghệ mới hoặc hiện đại, thành ra năng suất lao động của Việt Nam thấp.

Sở dĩ năng suất lao động của Singapore cao gấp 15 lần năng suất lao động của Việt Nam vì kinh tế của Singapore dựa vào chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm.

Ông Luebker nhấn mạnh, năng suất lao động là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Muốn tăng năng suất lao động phải tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng, đào tạo nghề.

Tuy nhiên theo ông Luebker, năng suất lao động có thể tăng nhanh, tăng nhiều nhất qua sự chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Thành ra cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các dịch vụ cấp thấp sang lĩnh vực chế tạo và dịch vụ cao cấp. Muốn vậy, chính quyền phải cung cấp hạ tầng có chất lượng, cung cấp hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, các doanh nghiệp phải có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu càng ngày càng khốc liệt, năng suất lao động là vấn đề sống còn của một nền kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế và chọn việc tăng năng suất lao động là ưu tiên hàng đầu, từ đó hoạch định - thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì nhà cầm quyền CSVN vẫn kiên trì với “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, dồn toàn bộ nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Cho đến nay, thay vì hoạch định chính sách để tăng năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất lao động thì chế độ Hà Nội vẫn chủ trương cạnh tranh bằng yếu tố lương nhân công thấp. (G.Đ)
09-25- 2014 2:40:24 PM

No comments:

Post a Comment