PHÚ YÊN (NV) .- Chuyện ông Hồ Nghĩa Dũng, cựu Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, “được” Công ty đầu tư Đèo Cả “mời” làm thành viên Hội đồng Quản trị, cố vấn cho công ty này đã trở thành scandal.
Xây dựng phần mái ở cửa phía Bắc đường hầm đèo Cả. (Hình: Tuổi Trẻ).
Năm 2009, khi đang là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, ông Dũng ký quyết định phê duyệt hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng đường hầm xuyên qua đèo Cả trên quốc lộ 1 vào ngày hôm trước và ngay ngày hôm sau, ký thêm một quyết định khác, chỉ định Công ty đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Công trình xây dựng đường hầm xuyên qua đèo Cả khởi công vào năm 2012, dự kiến hoàn tất vào năm 2016, tốn phí ước lượng khoảng 15,000 tỉ, bao gồm hai phần: hầm thay thế đường qua đèo Cả và hầm thay thế đường qua đèo Cổ Mã).
Được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao: chủ đầu tư xây dựng xong thì chuyển giao cho nhà cầm quyền Việt Nam và nhà cầm quyền Việt Nam giao cho chủ đầu tư một dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận, hoặc thanh toán cho chủ đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng) đối với đường hầm qua đèo Cổ Mã và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao: chủ đầu tư xây dựng, khai thác công trình trong thời hạn đã được xác định. Sau đó chủ đầu tư chuyển giao công trình cho nhà cầm quyền Việt Nam) đối với đường hầm qua đèo Cả.
Theo báo chí tại Việt Nam, chỉ tám tháng sau khi phải rời ghế Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, ông Hồ Nghĩa Dũng đã làm việc cho Công ty đầu tư Đèo Cả. Mới đây, ông Dũng được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị công ty này.
Ông Dũng xác nhận, tám tháng sau khi nghỉ hưu, ông nhận lời làm “cố vấn” cho Công ty đầu tư Đèo Cả. Mãi đến gần đây mới được bầu làm “thành viên Hội đồng quản trị” nhưng thực chất vẫn chỉ giữ “vai trò cố vấn”.
Tuy nhiên qua một số tờ báo, một số chuyên gia cho đó là điều không thể chấp nhận được. Trong bài viết “Đương chức: Ký duyệt dự án. Về hưu: Làm cho dự án” đang trên tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vạn Phú khẳng định, “đó là một trong những dạng ‘xung đột lợi ích’ phải tránh”. Theo ông Phú, không có quốc gia nào chấp nhận chuyện một viên chức hôm trước cấp giấy phép cho một dự án rồi hôm sau về hưu đi làm cho dự án này trong cương vị điều hành!
Ông Phú viện dẫn Nghị định 102 mà chế độ Hà Nội ban hành năm 2007, buộc viên chức không được kinh doanh (thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp...) trong lĩnh vực mà viên chức đó từng có trách nhiệm quản lý trong một thời gian nhất định.
Với lĩnh vực giao thông - vận tải, thời gian cấm kinh doanh là từ 12 đến 18 tháng đối vơi viên chức bình thường. Còn đối với người trực tiếp thẩm định, phê duyệt dự án thì thời gian cấm kinh doanh kéo dài cho đến thời điểm dự án đã thực hiện xong. Hoặc 36 tháng nếu dự án có thời hạn thực hiện kéo dài hơn 5 năm.
Ông Phú cho rằng, ông Dũng đã vi phạm Nghị định 102, bởi chỉ tám tháng sau khi nghỉ hưu (tháng 8 năm 2011), ông Dũng đã nhận lời tham gia Hội đồng quản trị Công ty đầu tư Đèo Cả (tháng 4 năm 2012).
Ông Phú nhận định, trường hợp như ông Dũng “không phải hiếm”. Những trường hợp này là một dạng tham nhũng quyền lực. Biến tướng của “xung đột lợi ích” là “lợi ích nhóm”. Nếu “lợi ích nhóm” được bảo kê bằng quyền lực, công bằng xã hội sẽ biến mất. (G.Đ)
09-19- 2014 3:54:54 PM
No comments:
Post a Comment