Trước khi đến thăm Ấn Ðộ, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết một bài xã luận trên tờ The Hindu, một trong những tờ báo đứng đắn đã xuất bản cả trăm năm nay và đứng thứ ba, chỉ sau hai tờ The Times of India và tờ Hindustan Times.
Trong bài báo đó, ông Tập viết: “Mặc dù những cá tính đặc biệt, “con Rồng Trung Quốc” và “con Voi Ấn Ðộ” đều yêu chuộng hòa bình, công bằng và công lý. Chúng ta cần làm việc với nhau để thúc đẩy năm nguyên tắc sống chung hòa bình, làm cho trật tự thế giới công bằng và hữu lý hơn, và cải thiện các cơ chế và luật lệ của phương thức cai trị quốc tế, để cho nó có thể đáp ứng tốt hơn cho chiều hướng của thời đại và đáp ứng với nhu cầu chung của cộng đồng quốc tế.” Và ông kết luận, “Tôi tin tưởng là ngày nào mà Trung Quốc và Ấn Ðộ hợp tác với nhau, thế kỷ Á Châu của phồn vinh và hồi sinh chắc chắn sẽ đến sớm hơn.”
Lời nói của ông Tập nghe ra có vẻ thật tử tế. Nhưng ông đã đưa ra một số chỉ dấu đáng ngại cho Ấn Ðộ. “Năm Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình” mà ông nhắc đến là một công thức trung lập từ thời cố Thủ Tướng Jawaharlal Nehru, trong đó điều đầu tiên là “Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau.”
Nhưng trong cái ngày thứ năm 18 tháng 9 vừa qua khi ông Tập tuyên bố, “Chúng ta có thể đem lại phồn vinh cho Á Châu, và chúng ta có thể tạo cơ hội cho thế giới,” một lực lượng lớn quân đội Ấn Ðộ, mà một viên chức nói lên đến nhiều ngàn, đã được động viên để đối phó với một lực lượng Trung Quốc tương tự ở Ladakh, thuộc bang Kashmir, một vùng đất trơ trọi nằm cao trên rặng Hy Mã Lạp Sơn nơi mà chủ nghĩa quốc gia quá khích và cực khổ cho quân đội đã chế ngự từ nhiều thập niên nay.
Tiến Sĩ Mohan Guruswamy, một nhà phân tích quân sự của viện nghiên cứu Observer Research Foundation, giải thích là chỉ có thủ tướng Ấn Ðộ mới có thể ra lệnh điều động một lực lượng lớn như vậy.
Nhật báo Financial Times nhắc lại là những cuộc đột nhập đã xảy ra trước đây trùng hợp với các chuyến công du của các lãnh đạo Trung Quốc đến Ấn Ðộ. Tuy nhiên, các nhà bình luận nói là ông Modi, vừa đắc cử, có vẻ đã ra lệnh một phản ứng mạnh mẽ hơn là các nhân vật tiền nhiệm. Tiến Sĩ Sameer Patil của viện nghiên cứu Gateway House thì bảo, “Sự khác biệt duy nhất xảy ra lần này là phản ứng từ phía Ấn Ðộ và phản ứng này có thể đã là một sự ngạc nhiên cho phía Trung Quốc. Tôi nghĩ ông Modi đang tỏ ra cương quyết hơn.”
Cuộc viếng thăm của ông Tập đã được đề cao là khởi đầu của một đối tác kinh tế và chính trị vĩ đại giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ. Một số thỏa thuận, kể cả việc xây cất những hệ thống đường xe lửa cao tốc và các khu kinh tế, vốn đã được hứa hẹn có tổng số mà một số viên chức đã nói đến có thể lên đến 100 tỷ đồng, gần gấp ba điều mà Nhật Bản, đối thủ chính của Trung Quốc ở Á Châu, đã vừa hứa hẹn với Ấn Ðộ cách đây không lâu.
Số tiền mà ông Tập thực sự hứa hẹn, 20 tỷ trong giai đoạn sơ khởi, ít hơn nhiều so với trông đợi. Giáo Sư Srikant Kondapalli, một chuyên gia về liên hệ Trung Ấn tại đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, nhận xét, “Thật là thất vọng. Nó không tương xứng với những ồn ào trước chuyến công du. Ðã có đồn đoán là có thể lên đến 100 tỷ đô la đầu tư. Thực tế này là có 4 tỷ một năm nếu mà nó được thực hiện.”
Một số các nhà bình luận đã đặt câu hỏi phải chăng là vì thái độ của ông thủ tướng. Ông Modi đã nói rõ cho phía Trung Quốc là sự kiên nhẫn của Ấn Ðộ về một tình hình bất định ở biên giới đã hết rồi và rằng một loạt các thỏa thuận còn phải chờ một giải quyết về lãnh thổ. Nhà bình luận quân sự Guruswamy giải thích, “Thủ tướng đã gửi một chỉ dấu mạnh mẽ rằng phía Trung Quốc phải đồng ý một lằn ranh cố định trước khi chúng tôi muốn làm ăn thực sự với họ.”
Mà quả thật, ông Modi đã là thủ tướng đầu tiên của Ấn công khai đặt vấn đề biên giới. Tại cuộc họp báo cùng với ông Tập, ông Modi nói, “Tôi đã nêu sự quan ngại của chúng tôi về nhiều vụ việc thường xảy ra dọc theo biên giới. Trong khi các thỏa thuận liên quan đến biên giới và các biện pháp tạo niềm tin đã có hiệu lực, tôi cũng đề nghị một sự minh định về “Ðường kiểm soát thực sự (Line of Actual Control ‘LAC’ tức là danh xưng của biên giới giữa hai nước) sẽ đóng góp lớn cho cố gắng của chúng ta để duy trì hòa bình, yên ổn và đã yêu cầu Chủ Tịch Tập tái tục tiến trình đã bị bế tắc về việc minh định LAC.”
Cựu đại sứ Ấn Ðộ tại Trung Quốc K.Shankar Bajpai, được tờ The New York Times dẫn lời, giải thích vấn đề đối với Ấn: “Chúng tôi luôn là kẻ thúc đẩy cho một đường kiểm soát xác định rõ và kiểm soát tốt, nhưng người Trung Quốc luôn luôn mơ hồ và từ chối cho chúng tôi ngay cả đến một cái bản đồ. Chúng tôi luôn không hiểu tại sao lại như vậy.”
Ông Tập, chỉ mới là lãnh tụ thứ ba đến thăm Ấn Ðộ, thì giải thích vấn đề biên giới là vấn đề dài hạn “vì khu vực này chưa được phân định, có thể có những vụ việc xảy ra.”
Liên hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới vốn vô cùng phức tạp với cả hai bên đều muốn có lợi thế thương mại nhưng vẫn để tâm đến những quan ngại an ninh nòng cốt.
Ông Tập, trước khi đến Ấn Ðộ đã ghé thăm quần đảo Maldives và Sri Lanka, hai quốc gia mà theo truyền thống nằm trong vùng ảnh hưởng của Ấn Ðộ nhưng ngày ảnh hưởng của Trung Quốc càng nhiều đã làm Tân Delhi lo ngại. Ấn còn tỏ ra quan ngại hơn trước liên hệ thân thiết giữa Trung Quốc và nước láng giềng thù nghịch của họ là Pakistan, và vai trò gia tăng của Trung Quốc ở Nepal. Ðiều còn làm cho Ấn bực mình hơn nữa là chính ở Sri Lanka và Pakistan là những nơi mà Trung Quốc đã đặt những căn cứ hải quân hay hải cảng dân sự mà họ có thể sử dụng để thăm dò và kiểm soát Ấn Ðộ Dương. Những căn cứ và hải cảng này đã được các nhà chiến thuật gia của Trung Quốc gọi là những viên ngọc của một chuỗi hột trai. Như một nhà ngoại giao Ấn bực tức tuyên bố, “Biển này gọi là biển Ấn Ðộ chứ không phải là biển Trung Quốc đâu mà họ dính vào.”
Bắc Kinh cũng đã bực mình trước sự hợp tác Ấn Mỹ ở vùng Á Châu và Thái Bình Dương và lập trường của Ấn Ðộ đối với những tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Nam và Biển Hoa Ðông. Bắc Kinh hẳn vẫn còn bực tức trước thông cáo chung của Ấn Ðộ và Việt Nam, đưa ra chỉ một ngày trước khi ông Tập đến Ấn Ðộ, đã khẳng định sẽ cương quyết bảo vệ quyền tự do hải hành trên biển cả.
Cố gắng của ông Modi để làm thân với Thủ Tướng Shinzo Abe, trong một chuyến công du ồn ào cũng như kế hoạch ông sẽ gặp Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng này đều chỉ cho thấy một chính sách thăng bằng trong liên hệ mà Ấn muốn duy trì với các cường quốc thế giới.
Và một trong những vấn đề làm Bắc Kinh gai mắt nữa là sự hiện diện của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ở Ấn Ðộ. Mặc dù an ninh đã bị siết rất chặt, vài chục người Tây Tạng cũng tổ chức được một cuộc biểu tình ồn ào bên ngoài tòa nhà mà hai lãnh tụ gặp gỡ sáng hôm Thứ Năm ở trung tâm Delhi. Tân Delhi trước đó đã yêu cầu Ðức Ðạt Lai Lạt ma, vốn đã bỏ trốn sang Ấn Ðộ sau cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1959, thay đổi ngày giờ của một cuộc họp của các lãnh tụ tôn giáo vốn dự định cho tuần này để khỏi đụng vào cuộc công du của chủ tịch nước Trung Quốc.
Vị lãnh tụ tinh thần của dân tộc Tây Tạng ngược lại đã lên tiếng ca ngợi ông Tập, nhưng cũng khuyên ông Tập nên học tấm gương dân chủ của Ấn Ðộ. Ông bảo, “Tôi nghĩ chủ tịch Trung Quốc nên học một số kinh nghiệm của Ấn Ðộ. Hãy nhìn nhá, Ðông Ấn Ðộ, Nam Ấn Ðộ, Tây Ấn Ðộ, Bắc Ấn Ðộ, ngôn ngữ khác nhau, chữ viết khác nhau. Nhưng không có nguy cơ tách ly. Chế độ dân chủ, chế độ pháp trị, báo chí tự do...” là những điều Trung Quốc cần học ở Ấn Ðộ. Chả trách ông Tập không hài lòng.
Ông Tập nói đến Rồng Trung Quốc và Voi Ấn Ðộ, nhưng một tờ báo ở Ấn chỉ ra là rồng là một con vật tưởng tượng trong khi voi có thật. Và voi không những có thật mà còn mạnh lắm, rồng có thể chưa chắc đã địch nổi.
09-20- 2014 3:00:54 PM
Lê Phan
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment