(Baodatviet) - Việc kiểm tra trái cây nhập khẩu được tiến hành theo thông lệ quốc tế, chỉ có những người chưa hiểu mới ý kiến nọ kia.
Đúng quy trình
Liên quan đến trái lê để 5 tháng, táo để 9 tháng không hỏng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phải làm rõ có hóa chất hay không trong quả nhập khẩu và vì sao lại xảy ra tình trạng trên. Cục BVTV phải công khai kết quả tới người dân trong tháng 10.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Cục sẽ tăng cường kiểm tra thêm, còn từ trước tới nay, việc kiểm tra vẫn được thực hiện theo đúng quy định Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.
Theo đó, khi hàng hóa đến cửa khẩu sẽ được Cục kiểm tra thông tin truy xuất nguồn gốc, điều kiện bảo quản, bao bì, nhãn mác, đồng thời lấy mẫu để kiểm nghiệm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có nghi ngờ về an toàn thực phẩm hoặc khi có yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian từ khi lấy mẫu, gửi mẫu, kiểm nghiệm và trả lời kết quả tối đa không quá 10 ngày làm việc.
"Quan trọng nhất là phân tích nguy cơ nhiễm hóa chất, xác định và kiểm tra mối nguy. Không ai kiểm tra tất cả các loại hóa chất hiện nay đang sử dụng trên thế giới, cách tiếp cận như thế không hợp lý", ông Hồng nhấn mạnh.
Việc kiểm tra trái cây nhập khẩu của Việt Nam hoàn toàn theo thông lệ quốc tế |
Theo ông Hồng, việc kiểm tra trái cây nhập khẩu vào Việt Nam được thực hiện tương tự như ở các nước đang nhập khẩu trái cây Việt Nam.
"Để xác định thế nào là vi phạm, quốc tế đưa ra mức MRL (Maximum Residue Limited), tức mức dư lượng tối đa cho phép, đây là dấu hiệu nhận biết mối nguy để ngăn chặn từ xa. Nếu lô hàng phát hiện có mẫu chứa dư lượng hóa chất ở mức này, thậm chí vượt quá một vài lần thì vẫn đang rất an toàn cho người tiêu dùng. Người ta dùng phương pháp ngăn chặn từ xa, chứ không để đến lúc vi phạm thì coi như đồng nghĩa với việc đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người", ông Hồng nói.
Cục trưởng Cục BVTV phân tích thêm: "Trong trường hợp đặc biệt, khi mà mức độ vi phạm vượt xa rất nhiều lần mức MRL, thấy có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người ta mới làm biện pháp thu hồi. Chúng tôi đã thực hiện ngăn chặn từ gốc khi sang tận nước xuất khẩu trái cây kiểm tra quy trình sản xuất của họ, có sử dụng hóa chất nào độc hại đối với sức khỏe không, nếu đảm bảo yêu cầu về quản lý an toàn thực phẩm thì mới được xuất sang Việt Nam. Đối với nước nào phát hiện thấy quản lý an toàn thực phẩm có vấn đề mà Việt Nam không tin tưởng, có thể tạm ngừng hoặc kiểm tra tại gốc, yêu cầu họ giải trình các vấn đề mà Việt Nam quan tâm".
Như vậy, việc kiểm tra trái cây nhập khẩu của Việt Nam hoàn toàn đúng quy trình, theo thông lệ quốc tế, chỉ có những người có thể chưa hiểu nên mới ý kiến nọ kia, ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định.
Không phải cứ thấy trái cây để lâu không hỏng là nghi có chất độc hại
Cục trưởng Cục BVTV đã nhấn mạnh điều này. Ông dẫn chứng, táo, lê có rất nhiều loại giống, có những giống bảo quản được 6-10 tháng.
"Nguyên lý để bảo quản trái cây được tươi khác hoàn toàn nguyên lý bảo quản mứt, bánh kẹo - những sản phẩm chế biến. Trái cây sau khi hái từ trên cây xuống vẫn là một thực thể sống, tế bào vẫn hoạt động và vẫn có quá trình trao đổi chất. Nếu bảo quản trong nhiệt độ thấp (1-5 độ C là phù hợp nhất cho táo, lê), rồi sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng, tức dùng hoóc môn thực vật chứ không phải thuốc độc hại, thì trái cây để được hàng tháng trời là chuyện rất bình thường".
Cũng theo ông Hồng, ngay như Việt Nam cũng đang thử nghiệm công nghệ CAS (Cell alived system) do Nhật Bản chuyển giao giúp kéo dài thời gian bảo quản hoa quả trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Trong khi đó, các phòng phân tích dư lượng thuốc BVTV của Cục BVTV, được sự tài trợ của Nhật Bản, trang thiết bị, nhân lực đủ sức kiểm tra hiệu quả hầu hết các loại hóa chất BVTV đang được sử dụng tại Việt Nam cũng như của các nước xuất khẩu hoa quả vào Việt Nam.
"Chúng tôi đã phát hiện khoảng 60 hóa chất thuốc BVTV trên hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam, tuy nhiên dư lượng dưới mức cho phép. Năm 2013, Cục BVTV kiểm tra phân tích phát hiện 17 lô vi phạm, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay mới chỉ phát hiện duy nhất 1 lô hoa quả nhập khẩu vi phạm, nhưng mức độ không nghiêm trọng", ông Hồng cho biết.
Minh Thái
No comments:
Post a Comment