Monday, September 1, 2014

Có thực là Hồ Chí Minh muốn được hỏa táng?



Chia sẻ :
"...Vào những ngày này ở Việt nam, nhân kỷ niệm 45 năm ngày mất của ông Hồ Chí Minh, Đảng và chính quyền cũng kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của ông. Việc Đảng và chính quyền Việt nam không thực hiện đúng Di chúc của ông Hồ Chí Minh trong việc xây lăng ướp xác cho ông thay vì hỏa táng thi hài theo nguyện vọng của ông đang gây tranh cãi. Không ít người nhận định Hồ Chí Minh đã đóng kịch khi viết Di chúc của mình..."

Ở Việt nam, xứ sở của việc thần thánh hóa lãnh tụ, ông Hồ Chí Minh được tôn sùng là một lãnh tụ vĩ đại và kiệt xuất, người anh hùng giải phóng dân tộc, ông còn được coi là vị Cha giá của dân tộc Việt nam. Hình ảnh của ông được đa số người dân treo trong nhà, tượng ông ngoài những nơi công cộng thì còn được thờ ở một số đền chùa. Thậm chí người ta còn tuyên truyền cho rằng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã tôn vinh ông là Danh nhân Văn hóa thế giới, cho dù điều này là không đúng sự thật.

Chuyện ông Hồ Chí Minh mất ngày 2.9.1969, nhưng do trùng ngày Quốc khánh nên Bộ Chính trị Đảng CSVN lúc bấy giờ đã thông báo là mất ngày 3.9 và phải đến hai mươi năm sau, toàn văn Di chúc và ngày mất của ông mới được công bố chính thức là điều mọi người đến bây giờ đều biết rõ. Cần phải hiểu, việc Bộ Chính trị sửa ngày mất, hay không công khai ngay và đầy đủ, thậm chí đã có chỉnh sửa nội dung Di chúc của ông Hồ Chí Minh là việc làm có thật. Đây là sự tính toán có chủ đích, vì mục đích chính trị trong chính sách thần thánh hóa lãnh tụ của chính quyền, hòng để chứng tỏ sự chính nghĩa của họ nhằm thu phục lòng tin của dân chúng.

Nguyện vọng trong Di chúc


Trong Di chúc của mình, phần “Về việc riêng” ông Hồ Chí Minh đã ghi rõ:

“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành chia cho 3 miền. Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”

Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa III đã đơn phương tiến hành ướp xác và xây lăng của ông, với lý do "theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân".

Quyết định của Bộ Chính trị lúc đó, được dư luận ngày nay cho rằng không chỉ trái với Di chúc mà còn là một quyết định gây nên sự lãng phí kéo dài không bao giờ dứt cho nền kinh tế Việt nam. Đó là sức người, sức của tiền bạc để duy trì lăng và một quỹ đất vài trăm hecta đất vàng ở khu trung tâm Ba đình. Mà lẽ ra khoản chi phí nhiều nghìn tỷ mỗi năm nên được dùng cho các mục đích cải thiện đời sống của toàn dân.

Người dân cho rằng Đảng và nhà nước đã không tôn trọng nguyện vọng của ông Hồ Chí Minh như đã ghi trong Di chúc. Vì theo Di chúc, nguyện vọng của ông Hồ Chí Minh muốn rằng: khi ông qua đời, thì không nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Còn thi hài của ông sẽ được hỏa táng và tro chia ra làm ba phần cho ba miền đặt trong một ngôi nhà giản đơn để cho mọi người đến thăm viếng. Điều này đã khiến đa số người dân, tin và cảm thấy xúc động về sự giản dị và tiết kiệm của ông Hồ Chí Minh, với họ đó là biểu hiện của sự vì nước vì dân.

Biết rõ mình sẽ được ướp xác và xây lăng

Không ai có thể che dấu hoặc ngụy tạo lịch sử và thời gian sẽ làm cho sự thật lịch sử hé lộ dần dần. Qua tìm hiểu thì được biết rằng kế hoạch ướp xác, xây lăng cho ông Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị Đảng CSVN chuẩn bị kế hoạch trước khi ông Hồ Chí Minh qua đời nhiều năm, với mục đích sử dụng thi hài của ông để tạo tấm bình phong cho chế độ. Và điều quan trọng nhất là ông Hồ Chí Minh hoàn toàn biết kế hoạch này của Bộ Chính trị.

Theo thông tin từ Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng cho biết (nguyên văn):

"Tháng 5/1967, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì.

Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã cử 3 đồng chí: Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh lý Quân y Viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài từ ngày 02/9/1967 đến 4/1968.

Tháng 6/1968, thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc Quân y Viện 108 và điều động các đồng chí Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt, để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi xa. Nhiệm vụ của Tổ y tế đặc biệt trong thời gian này là:

- Tổ chức bồi dưỡng học tập nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ nhân viên trong tổ, tiếp tục sưu tầm thêm những tài liệu, những cuốn sách viết về phương pháp ướp xác cổ truyền của dân tộc và của phương Đông...

- Chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết. Tổ chức thực tập để các cán bộ, nhân viên thành thạo nghiệp vụ và phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh do môi trường ở Việt Nam khác với Liên Xô. Được sự giúp đỡ của Viện Quân y 108, Cục Quân y và Bộ y tế, công tác thực tập, thực nghiệm đã được tiến hành.

Cùng với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt, Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng công trình (mật danh 75A) ở phía sau nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác. Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi đặt thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng Bác trong những ngày lễ tang. Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ xây dựng Công trình này với mật danh 75B." 

Theo báo VnExpress, Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị cho biết "Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về yêu cầu hoả táng là thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới thăm viếng, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Điều này đã xin phép Bác nên được làm khác với lời Bác dặn" 

Theo báo Sài gòn Giải phóng cho biết, Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho biết rằng ông Lê Duẩn đã nói với ông Hồ Chí Minh về việc thi hài nên được bảo quản lâu dài để đồng bào trong Nam và cả nước được đến thăm, nhưng khi ấy ông Hồ Chí Minh đã không nói gì. 

Và gần đây nhất, BBC cho biết theo tiết lộ gần đây của Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, thì "... đoàn chuyên gia Liên Xô đã qua trước khi ông Hồ Chí Minh qua đời trước đó mấy ngày. Ngày 28 tháng 8 năm 1969, khi bệnh tình của lãnh đạo Việt Nam trở nên rất nặng, Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Moscow số 2 và bốn chuyên gia Liên Xô khác từ Viện Lăng Lenin đã được mời sang Hà Nội. Việc ướp thi hài của ông Hồ Chí Minh được thực hiện vào bảy ngày sau đó tại Viện Quân y 108 ở Hà Nội, khi ông qua đời".

Có đóng kịch hay không?


Các dẫn chứng trên cho thấy kế hoạch ướp xác và xây lăng là một kế hoạch hoàn toàn không phải "Tuyệt đối bí mật", mà đã được rất nhiều người biết. Điều đó cho thấy ông Hồ Chí Minh cũng đã được biết kế hoạch này và biết rõ rằng xác của mình sẽ được ướp và để trong lăng. Như những thi hài của các lãnh tụ cộng sản khác, như Lenin, Stalin (Liên xô) hay Georgi Dimitrov (Bungaria) trước đó, hoặc như Mao Trạch Đông (Trung quốc), Kim Nhật Thành (Triều tiên) sau này. Vì đây là truyền thống và tập tục của các nhà nước cộng sản trong giai đoạn đó.

Vậy thì việc ông Hồ Chí Minh viết trong Di chúc của mình rằng "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành chia cho 3 miền. Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”có nghĩa là gì? Đây có phải là nguyện vọng thực tâm của ông Hồ Chí Minh như người ta đang hiểu và ca ngợi hay không?

Sẽ có hai cách đánh giá:

Đánh giá thứ nhất:

Nếu thực là ông Hồ Chí Minh đã biết chắc mình sẽ được ướp xác, xây lăng mà vẫn cố tính ghi trong Di chúc của mình những nguyện vọng ấy, để nhằm đồng lõa với chủ trương của Bộ Chính trị Đảng CSVN, song vẫn tỏ ra mình là một con người giản dị, yêu nước, thương dân thì là điều khó có thể chấp nhận được. Vì điều đó đã xúc phạm niềm tin của dân chúng, cũng như uy tín của Đảng CSVN.

Do vậy việc dư luận trách Bộ Chính trị Đảng CSVN lúc ấy đã làm sai Di chúc là điều không đúng. Mà người đáng trách là ông Hồ Chí Minh, vì dù ông rằng đã biết thi hài của mình sẽ được ướp xác và xây lăng từ ít nhất là trước năm 1967, song năm 1968 khi viết tay thêm sáu trang nhằm bổ sung một số đoạn và ngày 10 tháng 5 năm 1969, viết tay một trang, sửa lại phần mở đầu của bản Di chúc ông cũng không hề có ý sửa đổi nguyện vọng này của mình.

Chúng ta hãy tưởng tượng xem, trong cuộc sống của mình, nếu như có một ai đó đã biết chắc về một điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, mà họ vẫn cố tình nói khác đi sự thật đó để tỏ vẻ họ hy sinh vì bạn, cho bạn để nhằm đánh bóng bản thân họ. Thì bạn có thái độ thế nào với con người ấy?

Nói ra điều này để thấy, nếu như ông Hồ Chí Minh biết trước chắc chắn mình sẽ được ướp xác, xây lăng nhưng vẫn giả vờ mình có nguyện vọng được hỏa táng, thì chứng tỏ ông Hồ Chí Minh đúng là một kịch sĩ, ông đã luôn đóng kịch với cả dân tộc Việt nam ngay cả khi đã qua đời.

Đánh giá thứ hai:

Nếu tâm nguyện thực sự của ông Hồ Chí Minh là được hỏa thiêu để tiết kiệm tiền bạc của nhà nước, thời gian của nhân dân và để tiết kiệm đất cho nông nghiệp thì là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Nhưng hiểu rằng những niềm tin về sự đầu thai hay luân hồi luôn thấy trong các tôn giáo và đức tin. Nghĩa là hiện hữu của con người là một chuỗi vô tận những kiếp sống, mỗi kiếp đều khởi đầu bằng việc sinh ra và kết thúc bằng việc chết đi. Sinh tử, tử sinh liên tục nối tiếp nhau như cái bánh xe cứ quay hoài quay mãi không ngừng. Thì việc ướp xác để trong lăng thay vì chôn cất hoặc hỏa thiêu tử tế để người quá cố được mồ yên, mả đẹp là điều không đúng và không tốt, là điều mà người ta cho là bị quả báo.

Do vậy, cho dù biết rằng thi hài của mình sẽ được ướp và để trong lăng, nhưng có thể ông Hồ Chí Minh hoàn toàn không muốn điều đó sẽ xảy ra đối với mình, mà nguyện vọng của ông vẫn muốn được hỏa táng để được mồ yên mả đẹp. Tuy nhiên nguyện vọng của ông là việc của cá nhân, không thể chống lại nghị quyết chung của tập thể Bộ Chí trị. Do đó năm 1968 khi viết tay thêm sáu trang nhằm bổ sung một số đoạn hay ngày 10 tháng 5 năm 1969, khi viết tay một trang, sửa lại phần mở đầu ông Hồ Chí Minh vẫn khẳng định và bảo lưu ý nguyện của mình.

Trong trường hợp này nếu đúng, thì đây là một hành động xúc phạm ghê gớm đến vong linh của ông Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị lúc đó. Việc làm ác độc này của Bộ Chính trị chắc chắn sẽ khiến cho ông Hồ Chí Minh phải uất ức, nghẹn ngào cho tới lúc chết. Cũng vì nguyện vọng của ông muốn được Đảng đối xử như một con người bình thường khi qua đời đã không được thực hiện.

Kết


Việc xây lăng ướp xác là nếp văn hóa và truyền thống của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến từ xa xưa, điều này là hoàn toàn trái với văn hóa và tập tục của người Việt bây giờ. Hơn nữa, những người cộng sản luôn đề cao khẩu hiệu "Đả thực (dân), bài phong (kiến)" thì việc ướp xác xây lăng cho ông Hồ Chí Minh là điều trái ngược và hoàn toàn không nên có.

Mong được mồ yên, mả đẹp không phải là độc quyền của ai, mà là nguyện vọng thiêng liêng của mỗi con người bình thường. Việc ướp xác ngày nay, với các quy trì bảo quản định kỳ hay ngâm tẩm trong hóa chất hay kể cả việc xác bị nhấc lên bỏ xuống nhiều lần là các biểu hiện của động mồ, động mả. Đây là điều tuyệt đối được kiêng kỵ của người Việt nam. Đó là chưa kể đến việc linh hồn của người đã khuất không được siêu thoát để đầu thai trở về một kiếp khác. Do đó có thể ví việc ướp xác xây lăng như những hành động trả thù ghê gớm, không kém gì phá lăng đập mộ của các triều đại phong kiến trong quá khứ

Việc ướp xác và xây lăng cho ông Hồ Chí Minh để phục phụ cho một mục đích chính trị là điều tàn ác quá mức, mà người bình thường không thể chấp nhận được.

Ngày 01 tháng 9 năm 2014

© Kami
(Blog Kami)

No comments:

Post a Comment