Vinalines được xác định sẽ là nồng cốt trong chiến lược nâng cấp đội tàu Việt Nam
Để nâng tổng trọng tải đội tàu hàng đạt khoảng 7 triệu tấn vào năm 2020, cơ quan quản lý cho rằng cần huy động nguồn lực trên một tỷ USD
Đây là mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Nguồn vốn này được xác định chủ yếu do các doanh nghiệp tự huy động, thay vì dùng vốn ngân sách. Dẫu vậy, lực lượng được xác định là nòng cốt thực hiện quy hoạch vẫn là 2 tổng công ty của ngành giao thông, là Vinalines – phụ trách lĩnh vực vận tải và SBIC – chịu trách nhiệm đóng, sửa chữa tàu biển.
Mục tiêu mà đội tàu Việt Nam hướng tới là phải chuyên chở được tổng khối lượng vận tải đến năm 2020 đạt 140-152 triệu tấn, trong đó vận tải biển quốc tế khoảng 40-46 triệu tấn, vận tải biển trong nước là 100-106 triệu tấn.Cơ quan quản lý tính toán nhu cầu bổ sung đội tàu trong 6 năm tới vào khoảng 1,38-2,12 triệu tấn. Cùng với đó, cần đào tạo và bồi dưỡng để bổ sung khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên.
Về mục tiêu tổng quát, quy hoạch xác định cần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển để đảm nhiệm vận chuyển hàng hóa trong nước, giảm tải cho vận tải bằng đường bộ; đảm nhận vận chuyển phần lớn khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường biển; tham gia vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biển xa, khu vực Bắc Âu, Nam Mỹ. Khôi phục tuyến vận tải hành khách trên trục Bắc – Nam vào thời gian thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Để thực hiện được tham vọng này, một trong các giải pháp cần thực hiện là đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là thủ tục hành chính tại các cảng biển và thủ tục đăng ký tàu biển; nhanh chóng triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong hoạt động hàng hải (cảng vụ điện tử, hải quan điện tử…), thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng biển.
Thủ tướng cũng vừa đồng ý kiến nghị của Bộ Xây dựng đưa 5 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng có quy mô công suất 910.000 tấn một năm ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, gồm: Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ, Ngân Sơn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm; bổ sung Dự án xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) công suất 2,3 triệu tấn/năm được triển khai từ đầu năm 2014, dự kiến vận hành năm 2018.
Theo VnExpress
No comments:
Post a Comment