Khi thẻ căn cước công dân được ban hành sẽ tích hợp các thông tin cơ bản của công dân thay cho CMND và một số giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, BHYT, BHXH…
Đó là chủ trương được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất khi cho ý kiến về Luật hộ tịch vào sáng 14/7.
Thẻ căn cước công dân ra đời sẽ thay thế cho hàng loạt giấy tờ như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...(Ảnh: minh họa intenet) |
Phân tích về một số bất cập của dự án Luật hộ tịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: "Cơ sở dữ liệu quốc gia bắt đầu từ cơ sở dữ liệu về hộ tịch với những thông tin đầu tiên. Vậy ai là người phải đứng ra chịu trách nhiệm chính? Ai giữ cơ sở dữ liệu quốc gia? Cán bộ hộ tịch hay công an? Cần phải quy định rõ, vì không phải ai cũng lấy được thông tin cá nhân của người khác".
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu luật “không quy định rõ ràng, rành mạch thì chỉ chết dân”. Do vậy cần phải quy định cụ thể trong luật để người dân "cứ thế thi hành", không thể đến thông tư, nghị định rồi lại điều chỉnh. Ngoài ra khi ban hành luật này, công dân chỉ cần thẻ căn cước mà không cần giấy tờ khác, tránh phiền hà rắc rối cho dân. Quan trọng là các thông tin của người dân phải được cập nhật trực tiếp và kịp thời lên cơ sở dữ liệu.
“Phục vụ dân thì phải như thế, không được quy định phức tạp lên. Cơ quan quản lý nhà nước phải chuẩn bị sẵn, khi dân có yêu cầu là đáp ứng mới gọi là phục vụ nhân dân. Số định danh được cấp ngay khi sinh ra nhưng khi đăng ký khai sinh lại không có số định danh, phải sang công an lấy số định danh để làm thẻ căn cước là quy trình ngược. Tuy nhiên trong giai đoạn quá độ thì vẫn phải chấp nhận như vậy” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc thì cho rằng, giữa hai Luật căn cước và Luật hộ tịch chưa thống nhất mô hình vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia nên cần phải cân nhắc. Các loại giấy tờ đặc thù như giấy khai sinh vẫn phải có, vì đó là quyền của người dân được cấp, chứ không thể bảo có thẻ căn cước là không cấp giấy khai sinh.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, thông tin hộ tịch là những thông số cơ bản của công dân, còn thông tin căn cước công dân chỉ là xác nhận “đường dẫn” cho việc đi vào các thông số đó. Do vậy số định danh không thể nằm ở Luật căn cước công dân mà phải quy định ở Luật hộ tịch.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Nghị định 90 về cơ sở dữ liệu quốc gia được giao cho Bộ Công an quản lý. Cơ sở dữ liệu về hộ tịch chứa khoảng 85 trường thông tin (khi sinh ra chỉ khoảng 10 trường) được cập nhật trong suốt cuộc đời. Cơ sở dữ liệu về dân cư chỉ khoảng 20 trường thông tin.
Các thông tin khác chỉ được cấp cho người có thẩm quyền nên cần tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ tịch. Theo Bộ trưởng Tư pháp, hiện nay 1/3 số tỉnh thành đã làm và nếu không có sự thống nhất sớm sẽ gây lãng phí. Cơ sở dữ liệu quốc gia là trung tâm, còn cơ sở dữ liệu về hộ tịch chỉ là dữ liệu ngành.
Đối với vấn đề hộ tịch có yếu tố nước ngoài, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì không nên giao cho cấp huyện vì có nhiều việc liên quan đến nước ngoài, phải xác minh nhiều thông tin, nên phải thông qua cơ quan an ninh Bộ Công an. Đối với cấp xã, cần phải có cán bộ hộ tịch chuyên trách để thực hiện chuyên nghiệp hơn.
Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật hộ tịch. Qua đó thẻ căn cước công dân sẽ tích hợp các thông tin cơ bản về nhân thân của công dân nên được thay cho CMND và một số giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, BHYT, BHXH…
Thứ Hai, ngày 14/7/2014 - 18:54
Theo Thành Nam/Infonet
No comments:
Post a Comment