Chia sẻ với độc giả VnExpress, Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội - Nguyễn Quang Trung cho rằng một số trường hợp sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ là ngoài ý muốn và mong được khách hàng cảm thông.
Hàng trăm câu hỏi của độc giả đã gửi về toà soạn trong suốt chương trình phỏng vấn trực tuyến chiều 14/7, hầu hết đều bức xúc về tình trạng tiền điện tăng bất thường trong tháng 6 mà chưa nhận được giải thích rõ ràng. Nhiều độc giả lo lắng việc ghi chỉ số công tơ không chính xác, có thể dẫn tới việc ghi thừa, thiếu, thậm chí dồn số từ tháng này sang tháng khác với mục đích làm tăng tiền điện mỗi khi tăng giá. Không ít người tỏ ra chưa hài lòng với phong cách phục vụ của ngành điện, một lĩnh vực vẫn độc quyền.
Trước bức xúc của dư luận, Sở Công Thương Hà Nội cử đại diện tới buổi phỏng vấn để trực tiếp ghi nhận và giải đáp ý kiến độc giả cùng với Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội, các giám đốc điện lực quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm và một số chuyên gia của Tổng công ty.
Một mặt tiếp tục khẳng định không có khuất tất dẫn tới tiền điện tháng 6 tăng cao, mặt khác lãnh đạo EVN thừa nhận thực tế ghi chỉ số công tơ có sai sót ở một số nơi và xin lỗi khách hàng về tình trạng này.
Hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng đột biến
- Gia đình tôi nhận hóa đơn từ ngày 14/4 đến 13/5 là gần 1,3 triệu đồng. Còn từ 14/5 đến 13/6 là hơn 3 triệu. Điện tiêu thụ tăng hơn gấp đôi trong khi thời gian dùng điều hòa tăng đôi chút. Quanh tôi nhiều gia đình như vậy. Báo cáo điện năng toàn ngành chỉ tăng chưa đến 30%. Phải chăng có sự khuất tất về chỉ số, ghi giảm tháng trước, dồn tăng tháng sau để người dân phải trả tiền điện ở mức giá cao? (Anh Kiệt)
- Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội):
Xin chào quý độc giả của báo VnExpress !
Trước hết, tôi khẳng định chắc chắn không có chuyện ghi giảm tháng trước, để dồn tháng sau. Với số điện của khách hàng sử dụng, theo cách tính giá bậc thang thì càng dùng nhiều, giá điện càng cao. Theo số liệu bạn đưa ra thì từ 14/5 đến hết 31/5, hóa đơn điện được tính theo cơ cấu biểu giá cũ của thông tư 19 Bộ Công Thương ban hành. Từ 1/6 đến 13/6, hóa đơn điện được tính theo cơ cấu biểu giá mới theo thông tư 16.
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội. Ảnh: Anh Quân
|
- Xin hỏi hóa đơn tiền điện tháng này của tôi lại giảm, trong khi tháng trước cao chót vót. Nhờ lãnh đạo EVN Hà Nội giải thích hộ có phải sau khi báo chí lên tiếng ngành điện mới tính đúng tính đủ ?(Hoang Thu Lan)
- Ông Ngô Đạt Đức, Giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm Hà Nội:
Tiền điện phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ của gia đình nên không thể có chuyện sau khi báo chí lên tiếng, EVN Hà Nội mới tính đúng tính đủ. Nếu tháng này giảm, nguyên nhân có thể gia đình bạn đã dùng sản lượng điện ít hơn so với tháng trước. Trong trường hợp của bạn, xin cho biết địa chỉ cụ thể để Công ty điện lực khu vực bạn sinh sống phối hợp điều tra, làm rõ.
Hơn nữa, nếu chu kỳ ghi chỉ số của gia đình từ ngày 5/6 đến 6/7, toàn bộ giá điện sẽ được tính theo giá mới và vì thế có thể giảm một chút. Ví dụ, nếu dùng 100kwh giảm 825 đồng, nếu dùng 200 kwh giảm 19.800 đồng, dùng 300 kwh thì giảm 33.935 đồng, dùng 400 kwh giảm 38.000 đồng.
- Tôi đọc thấy Anh Kiệt hỏi về việc tiền điện tháng sau gấp đôi tháng trước, ông Trung một mực phủ nhận. Trong khi chị Hoang Thu Lan hỏi về hóa đơn tháng sau nhà chị lại giảm, thì ông Đức định cử người tới nhà chị điều tra. Ông giải thích thế nào về điều này, ông định điều tra gì ở đây? (Dương, 24 tuổi)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Lý do hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong kỳ tháng 5-6, chúng tôi đã có trong thông cáo gửi rộng rãi cho các cơ quan báo chí khi nhận được phản ánh của khách hàng. Các trường hợp phản ánh có địa chỉ chúng tôi sẽ cử ban chuyên môn tới để kiểm tra các trường hợp có địa chỉ cụ thể, để giải thích và giải quyết, bất kể trường hợp tăng hay giảm. Tôi cũng xin đính chính, không phải điều tra mà là kiểm tra cụ thể. Mong quý khách hàng thông cảm và chia sẻ với chúng tôi.
- Trong tháng 6, gia đình tôi nộp tiền điện theo định kỳ thì nhận được hóa đơn tăng gấp đôi tháng trước. Trên hóa đơn cũng không ghi rõ số đầu số cuối của công tơ như những trước, mà chỉ vẻn vẹn dòng chữ ghi "có số liệt kê kèm theo". Gia đình đã ra Đội 5 - Điện lực Sóc Sơn, nhân viên cho biết đã thay công tơ mới, nhận sai đã không báo gia đình ra xác nhận chỉ số cũ và cam kết sẽ liệt kê chỉ số dùng. Vài hôm sau tôi ra và nhận được một tờ liệt kê chỉ số sử dụng số đầu, số cuối nhưng không có chữ ký hay dấu của công ty điện lực Sóc Sơn. Cuối cùng để không bị cắt điện gia đình vẫn phải nộp nhưng trong lòng vẫn phân vân và thắc mắc. Ông có thể giải đáp giúp việc này? (Nguyễn Xuân Quý)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Xin cảm ơn thông tin của bạn. Để trả lời một cách cụ thể chính xác, đề nghị bạn vui lòng cung cấp cho chúng tôi thông tin đầy đủ như tên khách hàng, địa chỉ, mã khách hàng tại địa điểm sử dụng điện chúng tôi sẽ kiểm tra và trả lời cụ thể.
Trường hợp hóa đơn của bạn, nếu thay công tơ định kỳ theo quy định, trong thang có thay đổi giá, do sản lượng theo tiêu thụ lớn nên sẽ có nhiều mức giá. Trong khuôn khổ nhất định của tờ hóa đơn không diễn giải đầy đủ nên sẽ có chi tiết hóa đơn tiền điện kèm theo, in từ cơ sở dữ liệu được thông nhất sử dụng trên toàn hệ thống.
- Tháng 6, nhà tôi dùng 507kw điện thì đóng hết 1.320.000 đồng. Trong khi tháng 7 dùng 592kw thì tiền thu vẫn như thế. Tôi lấy giá điện tính cho tháng 7, đem tính cho tháng 6 thì chỉ có 1.000.000 đồng. Vậy mà điện lực nói không tăng giá tháng 6 là sao? (Đặng Hữu Quốc)
- Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty Điện lực Cầu Giấy Hà Nội:
Chào bạn. Rất tiếc trong câu hỏi bạn không nói rõ chu kỳ tính giá điện của gia đình bạn trong khoảng thời gian nào bởi mỗi chu kỳ sẽ có tỷ lệ mức giá cũ và mới khác nhau. Tôi thử lấy một ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn sự chênh lệch này như sau:
Ví dụ chu kỳ tính giá điện của gia đình bạn từ 9/5 đến 8/6, lượng điện năng ghi trong tháng là 507 kWh. Như vậy, thời gian dùng điện giá cũ là 23 ngày, thời gian dùng theo giá mới là 8 ngày. Vậy sản lượng điện năng theo giá cũ là: Sc= 507/31x23 ngày = 376 kWh. Sản lượng điện tính theo giá mới là: Sm = 507/31*8 = 131 kWh.
Việc tính định mức bậc thang cho hai thời điểm đầy đủ theo quy định tại Thông tư 16/2014 quy định về thực hiện giá bán điện của Bộ Công Thương.
Sau đó, lấy sản lượng của giá cũ, giá mới nhân với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho hai thời điểm trước và sau 1/6 để có được số tiền điện gia đình bạn sử dụng trong tháng. Ngoài ra, bạn có thể thông tin đến đường dây nóng, tổng đài của EVN Hà Nội hoặc các công ty điện lực địa phương để giải đáp cụ thể hơn.
- Giá điện và cách tính mới có áp dụng chung cho tất cả các quận, hay mỗi quận lại áp dụng cách riêng vì tôi thấy cách tính điện ở hóa đơn nhà tôi (Quận Đống Đa) khác với nhà mẹ tôi (Quận Hoàng Mai). Cụ thể là ở mức giá thấp nhất nhà tôi chỉ có 45 số được áp dụng còn nhà mẹ tôi lại là 65 số, trong khí mức thông báo trên báo chí lại là 50. Ngoài ra đơn giá cũng mỗi nơi mỗi kiểu, xin trả lời chính xác và cụ thể giúp người dân chúng tôi (leminhthuy, 35 tuổi, HN)
- Ông Nguyễn Anh Dũng: Như chúng tôi đã giải thích ở trên, sở dĩ có sự khác biệt là do sự khác nhau về chu kỳ tính giá điện. Chu kỳ tính giá điện được thể hiện trên hóa đơn hàng tháng của gia đình bạn.
Dựa trên số liệu bạn cung cấp, kỳ ghi chỉ số công tơ của gia đình rơi vào khoảng từ 17/5 đến 16/6. Như vậy số ngày được tính theo giá cũ là 14 ngày, tương đương 45 kWh cho bậc thang đầu tiên của giá điện sinh hoạt. Còn 65 kWh của gia đình mẹ bạn tương đương với 20 ngày được tính theo giá cũ.
- Tôi muốn hỏi tại sao khi ngành điện thay đổi cách tính giá lại không thông báo cho nhân dân? Ngành lấy lý do tháng 6 nóng hơn tháng 5, vậy mấy năm trước có hiện tượng này hay không? (Thái Hữu Nhân)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Từ ngày 1/6, theo thông tư 16, áp dụng cơ cấu biểu giá mới, tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội đã đăng một số báo để thông báo biểu giá mới và cách tính hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi giá. Ngoài ra chúng tôi cũng đăng thông tin trên trang web của tổng công ty, niêm yết tại 210 phòng giao dịch khách hàng trực thuộc EVN Hà Nội.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2013, số khách hàng sử dụng điện có hóa đơn tiền điện tháng 6 so với tháng 5 tăng từ 1,5 lần trở lên là khoảng 600.000 khách hàng. Năm nay số khách hàng sử dụng điện cũng tương tự như trên là khoảng 686.000 khách hàng.
- Tôi công tác tại Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế). Từ trước tới nay chưa khi nào chúng tôi phải trả khoản tiền điện nhiều như tháng 6, mặc dù chúng tôi được hưởng một giá, tôi đã báo cho Chi nhánh điện Ba Đình nhưng cũng chỉ được nói là.... "trời nóng quá". Đề nghị Tổng công ty điện lực xem xét và kiểm tra (Đào Trọng Cường)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Xin cảm ơn thông tin của bạn. Đề nghị bạn cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể têm địa chỉ, mã khách hàng tại địa điểm sử dụng điện... gửi vào hòm thư điện tử hoặc gọi điện tới tổng đài. Chúng tôi sẽ cử ban chức năng đến kiểm tra và làm việc cụ thể để giải đáp thắc mắc của bạn.
Chúng tôi sẽ yêu cầu Công ty Điện lực Ba Đình báo cáo cụ thể. Chúng tôi sẽ xử lý thích đáng với nhân viên cách trả lời cộc lốc như trên nếu thông tin bạn phản ánh là đúng.
- Cách tính tiền điện bây giờ rất rắc rối trước đây lũy tiến theo số chẵn ví dụ 100, 50... bây giờ nhẩy lung tung con số rất lẻ 17, 49, 63... làm chúng tôi không biết đường nào mà theo dõi và tính toán được tiền điện của mình trên hóa đơn đúng hay không? (do ngoc giao)
- Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban kinh doanh của EVN Hà Nội: Kể từ ngày 1/6, Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo Thông tư 16 và Quyết định số 4887 của Bộ Công Thương. Vì vậy, trong hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 có cả phần tính giá cũ và giá mới. Để khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt có thể hiểu rõ được phương pháp tính, tôi xin lấy một ví dụ tính hóa đơn tiền điện của một khách hàng từ ngày 9/5/2014 đến 8/6/2014.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội. Ảnh: Anh Quân
|
Lượng điện năng ghi trong tháng là 318 kWh. Thời gian dùng điện theo giá cũ là 23 ngày (9/5 đến 30/5/2014) và giá mới là 8 ngày (từ 1/6 đến 8/6/2014).
Sản lượng tính theo giá cũ là 318/31 x 23 ngày = 236 kWh
Sản lượng điện năng tính theo giá mới là: 318 /31 x 8 ngày = 82 kWh
Phần sản lượng điện năng bậc thang thứ nhất tính theo giá cũ: 100kWh / 31 ngày x 23 ngày = 74 kWh. Tương tự với các mức sản lượng các bậc thang tiếp theo của phần tiền điện giá cũ.
Phần sản lượng điện năng bậc thang thứ nhất tính theo giá mới: 50kWh / 31 ngày x 8 ngày = 13 kWh. Tương tự với các mức sản lượng các bậc thang tiếp theo của phần tiền điện giá mới.
Hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 | |||
Từ ngày 9/5/2014 đến 8/6/2014 | |||
ĐN tiêu thụ | Đơn giá | Thành tiền | |
Phần | 74 | 1.418 | 104.932 |
tiền điện | 37 | 1.622 | 60.014 |
giá cũ | 37 | 2.044 | 75.628 |
74 | 2.21 | 163.54 | |
14 | 2.361 | 33.054 | |
Phần | 13 | 1.388 | 18.044 |
tiền điện | 13 | 1.433 | 18.629 |
giá mới | 26 | 1.66 | 43.16 |
26 | 2.082 | 54.132 | |
4 | 2.324 | 9.296 | |
Cộng: | 318 | kWh | |
Tiền điện (chưa Thuế) | 580.429 | đồng | |
Tiền thuế (10%) | 8.043 | đồng | |
Tổng tiền điện (cả thuế) | 638.472 | đồng |
- Tôi đang sinh sống ở thành phố Lào Cai cách Hà Nội gần 400 km nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thông báo nộp tiền điện hàng tháng cho điện lực Sóc Sơn qua số máy điện thoại 0912...là điện thoại cá nhân tôi dùng hơn 10 năm qua và tôi không bao giờ sử dụng điện của điện lực Sóc Sơn. Theo tôi hiểu phần mềm của Tổng công ty điện lực Hà Nội bị lỗi kỹ thuật nên mới có chuyện khôi hài trên. Tôi đề nghị sử lý lỗi này đừng để tôi phải nhận thư rác từ điện lực Sóc Sơn nữa. Xin cảm ơn (Phạm Ngọc Triển)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Thưa quý khách hàng hiện nay EVN Hà Nội đang triển khai dịch vụ chăm sóc khách hàng qua tin nhắn, có thể trong quá trình nhập số liệu, công ty Sóc Sơn đã nhập nhầm số điện thoại của bạn. Chúng tôi sẽ kiểm tra rà soát lại để không làm phiền quý khách. Bạn vui lòng gửi trực tiếp số điện thoại vào email của tổng công ty. Chúng tôi thành thực xin lỗi vì nhầm lẫn trên.
- Theo hóa đơn tháng trước ngày ghi chốt công tơ là 16. Thế mà tháng này điện lực vào ghi số từ 7h15 ngày 12/7. Vậy tiền điện có bị dồn sang tháng sau không ? (Trần Bông, 54 tuổi)
- Ông Ngô Đạt Đức: Trong quá trình vận hành lưới điện, trạm biến áp cấp điện cho khách hàng bị đầy và quá tải do nhu cầu sử dụng tăng lên hoặc thêm khách hàng có nhu cầu cấp điện mới. Để đảm bảo cung ứng điện liên tục, chúng tôi phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyển một phần phụ tải sang đường dây hoặc trạm biến áp khác để cân bằng phụ tải và đảm bảo cung cấp điện không bị gián đoạn do quá tải, trong đó có thể có gia đình bạn. Vì lý do quản lý, điện lực buộc phải thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ theo lịch của trạm biến áp mới và thông báo đến khách hàng trước khi thực hiện lịch ghi chỉ số mới.
Tuy nhiên, việc tính toán tiền điện theo lịch ghi chỉ số mới được căn cứ vào số ngày sử dụng điện thực tế trong tháng và thực hiện theo đúng biểu giá điện hiện hành. Cách xác định lượng điện năng tiêu thụ theo từng mức giá bậc thang (của mỗi hộ trong tháng có thay đổi lịch ghi chỉ số) được quy đổi tương ứng với số ngày sử dụng điện thực tế trong tháng và không ảnh hưởng đến thực tế tính hóa đơn tiền điện.
Ông Ngô Đạt Đức - Giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm. Ảnh: Anh Quân
|
- Các ông là cán bộ ngành điện bản thân gia đình cũng là khách hàng mua điện. Trong những tháng vừa rồi hóa đơn tiền điện của gia đình các ông có tăng đột biến không? Các ông lý giải thế nào với những người thân trong gia đình về tình trạng tăng đột biến này? (Nguoiduongthoi)
- Ông Nguyễn Xuân Thắng: Cám ơn bạn đã quan tâm. Là cán bộ công nhân viên ngành điện nhưng tôi cũng là khách hàng sử dụng điện như bao khách hàng khác. Trong tháng 6 vừa qua, gia đình tôi cũng chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng kéo dài, các cháu nghỉ hè. Do đó, các thiết bị sử dụng điện cũng như thời gian sử dụng điện của gia đình tăng lên nhiều so với các tháng trước đó, khiến tiền điện của gia đình tôi tăng theo. Tôi cũng hiểu rằng sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà tăng cao khiến các thiết bị dùng điện, đặc biệt là điều hòa tăng nhiều.
Như chúng ta đã biết, tổn thất nhiệt được tính bằng công thức Q=K x F x chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà. Trong đó, K là hệ số truyền nhiệt, F là diện tích của vách trần. Hai thông số này gần như không đổi, do vậy tổn hao nhiệt sẽ phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời. Ví dụ như nhiệt độ ngoài trời là 30 độ C, và nhiệt độ trong nhà đặt là 25 độ C thì chênh lệch nhiệt độ là 5 độ C. Giả sử trong những ngày nắng nóng nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C thì tổn hao nhiệt sẽ là 15 độ C, tức là tăng gấp 3 lần, đồng nghĩa lượng điện năng tiêu thụ của điều hòa tăng gấp 3 lần. Theo khuyến nghị của nhà sản xuất cũng như chuyên gia, nếu chúng ta tăng 1 độ của điều hòa thì sẽ tiết kiệm được lượng điện năng từ 3-7% và ngược lại.
- Ông Nguyễn Quang Trung: Tiền điện của gia đình tôi cũng tăng tiền điện do thời tiết nắng nóng. Hiện các cháu lại đang nghỉ hè và bật điều hòa và thiết bị làm mát cả ngày. Gia đình tôi thấy việc tăng này so với việc sử dụng điện của gia đình là hợp lý.
Minh bạch và giám sát chỉ số công tơ của ngành điện
- Tôi xin hỏi làm thế nào để khách hàng chúng tôi tin vào sự chính xác của đồng hồ đo điện của Công ty điện lực lắp cho các hộ dân? Về nguyên tắc cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định đồng hồ? Sau thời gian bao lâu thì phải thay đồng hồ mới? (Vi Văn Đính, 62 tuổi, Xuân Thủy, Cầu Giấy - Hà Nội)
- Ông Nguyễn Anh Dũng: Toàn bộ các phương tiện đo dùng để đo đếm bán điện đều được phê duyệt mẫu phương tiện đo theo quyết định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả phương tiện đo đều được kiểm định ban đầu, nếu đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường sẽ được dán tem, kẹp chì và cấp giấy chứng nhận kiểm định theo đúng quy định của pháp luật.
Sau một thời gian sử dụng, tất cả các phương tiện đo đều được thay và kiểm định định kỳ theo quy định là: Công tơ một pha (cơ khí và điện tử): 5 năm. Công tơ điện ba pha (cơ khí và điện tử): 2 năm
- Để tránh tình trạng người dân chỉ biết nộp tiền điện mà không giám sát được số tiền mình đã nộp có đúng với số điện mình đã tiêu thụ không thì EVN đã có biện pháp nào để cải thiện tình trạng này hay chưa, chẳng nhẽ muốn giám sát cứ mỗi lần nhân viên đến ghi số điện gia đình tôi lại phải cử một người trèo lên cột điện cùng thời điểm để giám sát vì thực tế qua hóa đơn tiền điện của 2 tháng vừa rồi chúng tôi hoàn toàn mất lòng tin ở nhân viên của EVN Hà Nội (Đỗ Ngọc Giao)
- Ông Nguyễn Xuân Thắng: Trên hóa đơn tiền điện của khách hàng đã có in kỳ phát hành hóa đơn của ngày chốt chỉ số tháng trước và ngày chốt chỉ số tháng sau. Khách hàng có thể kiểm tra chỉ số chốt công tơ của nhân viên ngành điện theo lịch in trên hóa đơn hoặc để nhận thông tin về chỉ số chốt công tơ, sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng, tiền điện trong tháng, khách hàng có thể đăng ký số điện thoại và địa chỉ email với công ty điện lực sở tại để được cung cấp dịch vụ (nếu khách hàng chưa đăng ký).
Hiện tại chúng tôi đang thí điểm lắp đặt công nghệ thu thập dữ liệu từ xa đối với khoảng 3.500 khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, sản lượng lớn. Chỉ số điện năng của khách hàng được truyền dữ liệu về trung tâm 30 phút một lần và các khách hàng này có thể theo dõi sản lượng điện sử dụng của mình theo thời gian trên. Theo lộ trình, trong thời gian tới, tổng công ty điện lực Hà Nội sẽ dần lắp đặt công tơ điện tử thay thế công tơ cơ khí cũ và dần áp dụng công nghệ ghi chỉ số tự động. Điều này sẽ đảm bảo tính chính xác đối với việc ghi chỉ số điện so với việc ghi chỉ số bằng mắt thường như hiện nay.
- Khi ngành điện chốt chỉ số định kỳ khách hàng không được chứng kiến và thậm chí không biết được khi nào, vậy có bình đẳng không, đây có phải là kẽ hở để gây nên chuyện thắc mắc om xòm không. Xin cảm ơn ông (Nguyễn Tuấn Anh, 37 tuổi, Long Biên)
- Ông Nguyễn Thăng Quang, Phó ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội: Lịch ghi chỉ số công tơ được in trên hóa đơn tiền điện và niêm yết tại phòng giao dịch khách hàng, khách hàng có thể liên hệ với công ty điện lực sở tại để chủ động giám sát việc thực hiện ghi chỉ số của nhân viên ngành điện.
- Qua báo chí tôi được biết rằng ngành điện sẽ tạo điều kiện cho khách hàng chứng kiến việc ghi số. Tuy nhiên gia đình tôi ở khu chung cư, công tơ được đặt hết trong buồng kỹ thuật có khóa. Thế nên công tơ chạy nhanh hay chậm, số điện đúng hay sai chúng tôi cũng chịu. Chúng tôi thấy như đối với ngành kinh doanh nước sạch, đồng hồ nước họ để ngay ngoài nhà, nếu nghi ngờ chúng tôi có thể kiểm tra ngay. Tại sao ngành điện không làm như vậy để người dân dễ giám sát?(Trần Thế Vinh, 37 tuổi, Long Biên - Hà Nội)
- Ông Ngô Đạt Đức: Trước tiên, ngành điện xin khẳng định luôn tạo điều kiện cho khách hàng được chứng kiến và giám sát việc ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng. Việc đặt công tơ như bạn phản ánh là theo thiết kế kỹ thuật của các kiến trúc sư và được sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng nhà nước. Những yêu cầu cũng nhằm đảm bảo yếu tố an toàn điện cho tòa nhà nên không thể đặt tùy tiện..
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể yêu cầu quản lý tòa nhà mở buồng kỹ thuật để bạn tiện theo dõi chỉ số công tơ điện. Trong trường hợp ở những khu chung cư như vậy,
- Điện lực Hai Bà Trưng nói cáp từ đồng hồ ở ngoài cột điện vào đến nhà là trách nhiệm của gia đình. Vậy khi xảy ra sự cố trên cột điện thì gia đình sửa chữa như thế nào. Vì đoạn cáp ngoài nhà trước là của điện lực cấp, công tơ để trong nhà chứ gia đình không mua đoạn cáp này. Mỗi lần hỏng ở đầu cột rất phức tạp, gia đình không thể tự sửa. Khi gọi đội điện xuống giúp đỡ, thường không nhiệt tình vì họ nói là cáp cũ phải thay. Mà thay cáp dài từ cột vào nhà cỡ 20 m, rất tốn, nó chỉ bị hỏng chỗ nối trên cột. Chỗ nối này do điện lực đấu, lâu ngày bị mưa chập.Vậy tôi đề nghị EVN chịu trách nhiệm tổn thất với cáp từ đồng hồ trên cột vào đến tường nhà có được không? (Nguyễn đình Tuyên, 62 tuổi, Lò Đúc)
- Ông Ngô Đạt Đức: Về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời, theo khoản i, điều 46 Luật Điện Lực, khách hàng là người chịu trách nhiệm đầu tư và quản lý đường dây điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng. Như vậy, đường dây sau công tơ là hoàn toàn do gia đình quản lý.
Tuy nhiên, ngành điện vẫn sẵn sàng tư vấn chia sẻ với khách hàng và mời bạn liên hệ với Điện lực Hai Bà Trưng để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
- Công tơ đang sử dụng để đo đếm điện cho khách hàng sinh hoạt là loại công tơ điện tử hay cơ khí? Nếu là công tơ điện tử thì EVN Hà Nội đã có đánh giá nào về độ chính xác của công tơ trong điều kiện vận hành cụ thể (nóng, ẩm..) thay đổi như thé nào. Liệu rắng độ chính xác của công tơ có ảnh hưởng dẫn đến sai số khi nhiệt độ môi trường cao nhưng khi kiểm định thì nhiệt độ lại trong phòng nên kết quả sẽ khác nhau? (Tiến Thắng)
- Ông Nguyễn Anh Dũng: Hiện công tơ dùng cho khách hàng sinh hoạt chủ yếu là công ty cơ khí, công ty điện tử mới chỉ sử dụng một lượng nhỏ. Công tơ điện tử đang sử dụng ở Hà Nội đã được phê duyệt mẫu phương tiện đo và đã được đánh giá theo tiêu chuẩn IEC 62052-11 và IEC 62053-21. Hơn thế nữa, công tơ loại này đều đã được sử dụng ở các Tổng công ty khác trước khi được dùng ở Hà Nội
- Thiết nghĩ ngành điện muồn công minh trong việc ghi số lượng tiêu thụ điện của một hộ gia đình thì nhân viên đi ghi phải có sổ và chữ ký của gia đình mới đầy đủ thủ tục chứ.... Xin ông cho biết liệu trong ngành điện có chuyện nhân viên đi ghi chỉ số công ty vì ngại đi mà "bốc thuốc" số lượng điện năng tiêu thụ của các tháng sàn sàn như nhau đối với một hộ? (Nguyễn Quang Tuấn, 34 tuổi, Cam pha - Quang Ninh)
- Ông Ngô Đạt Đức: Trường hợp này đã xảy ra nhưng rất hạn hữu. Theo quy trình kinh doanh, hàng tháng chúng tôi có kiểm tra và phúc tra việc ghi chỉ số công tơ cho khách hàng để kiểm tra chéo. Nếu phát hiện trường hợp sai phạm sẽ xử lý kỷ luật với nhân viên để xảy ra sai sót theo quy định.
Để đảm bảo độ tin cậy cho khách hàng, chúng tôi luôn tạo điều kiện để các bạn có thể giám sát việc ghi chỉ số của nhân viên ngành điện bất cứ lúc nào. Nếu cần thiết, khách hàng có thể yêu cầu bên bán điện gửi lại thông báo kết quả ghi chỉ số công tơ để tự kiểm tra và so sánh trước khi có hóa đơn tiền điện.
- Đề nghị EVN cho biết thủ tục, quy trình cắt điện sinh hoạt (sửa chữa, hay bảo dưỡng, sự cố...). Cụ thể ai sẽ là người chịu trách nhiệm thông báo cho người dân (bên B) nếu họ bị thiệt hại, cách tính như thế nào, thưa ông? (Nguyễn Thế Thịnh, 50 tuổi, HQV Cầu giấy HN)
- Ông Nguyễn Anh Dũng: Quy trình cắt điện được căn cứ vào điều 8, điều 9 Thông tư 30/2013 của Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện. Cụ thể, có hai trường hợp: Nếu ngừng, giảm mức cung cấp điện (không khẩn cấp), bên bán điện phải thông báo cho bên mua biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày. Với các trường hợp khẩn cấp, trong 24h kể từ khi ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo về nguyên nhân, thời gian dự kiến cấp điện trở lại qua một trong các hình thức đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện, ví dụ như: phương tiện thông tin đại chúng, thư, fax, thông báo bằng văn bản hoặc tin nhắn...
Còn về việc bồi thường sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật (Điều 44 Luật Điện lực).
- Tôi muốn hỏi tại sao khi có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh nhà trọ, giấy tạm trú tạm vắng và hợp đồng thuê nhà mà vẫn khó khăn trong việc xin tính giá điện như một hộ gia đình?(Vũ Đức Cường)
- Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó trưởng phòng quản lý điện năng, Sở Công Thương Hà Nội: Theo thông tư 16, cứ 4 người thuê trọ được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Nếu một người, thì được tính là một phần tư định mức.
Trường hợp của bạn có thể do không đủ 4 người, hoặc do chủ nhà không kê khai được số người áp dụng với đơn vị điện lực nên chưa được hưởng định mức. Hoặc cũng có khả năng, các bạn đã gửi thông tin nhưng do cán bộ tiếp nhận làm chậm trễ. Bạn có thể liên hệ trực tiếp vào số điện thoại hotline của Sở Công Thương Hà Nội 04.22155571.
- Tôi muốn hỏi tất cả các căn hộ ở các chung cư mới xây dựng có được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với bên điện lực không hay phải do bên chủ đầu tư đứng ra ký ? (Thu)
- Ông Nguyễn Xuân Thắng: Không hoàn toàn các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Hà Nội đã ký hợp đồng trực tiếp với EVN Hà Nội. Hiện nay, có nhiều tổ chức bán lẻ điện được cấp phép hoạt động điện lực như Tổng công ty điện lực Hà Nội. Các tổ chức này có đầy đủ chức năng kinh doanh bán lẻ điện, như các hợp tác xã dịch vụ, tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại hoặc một số tòa nhà chung cư cao tầng.
Nếu khách hàng nằm trong các khu vực nói trên thì có thể sẽ ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các tổ chức trên.
- Tôi đang bất lực vì biết đồng hồ chạy quá nhanh mà không làm được gì, nói với chủ nhà cũng không được và lúc nào cũng bảo nhà tôi xài nhiều nhưng đâu biết rằng tôi tiết kiệm từng chút một. Lý do tôi ở trọ. Nhà điện có thể lập 1 tổ cân lại đồng hồ 1 cách đột xuất không ạ (Thien, 28 tuổi, Dĩ An - Bình Dương)
- Ông Nguyễn Xuân Thắng: Bạn có thể liên hệ với phòng kinh tế của quận/huyện hoặc công ty điện lực sở tại, nơi bạn ở trọ để được giải quyết.
Một số lưu ý và tư vấn sử dụng điện hiệu quả
- Gia đình tôi gồm nhiều thế hệ sống chung với nhau nên mỗi tháng tiêu tốn rất nhiều điện. Theo ông, có cách nào để giảm bớt tiền điện hàng tháng hay không (Nguyễn Mai Lan)
- Ông Hoàng Minh Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội: Theo tôi, với trường hợp này, ý thức sử dụng các thiết bị điện sao cho tiết kiệm hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng. Để hiệu quả, tôi xin đưa ra một số nguyên tắc để bạn có thể tham khảo như sau:
- Tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng.
- Chỉ mua các thiệt bị điện có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng các thiệt bị có dán nhãn ngôi sao năng lượng, càng nhiều sao càng tiết kiệm nhiều điện.
- Bảo dưỡng định kỳ các thiết bị điện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nếu có điều kiện dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời để thay thế cho bình nước nóng truyền thống.
- Với tủ lạnh, nên thường xuyên dọn dẹp, lau chùi và không nên để qúá nhiều đồ ăn dư thừa.
Để tìm hiểu thêm về cách tiêt kiệm năng lượng cho hộ gia đình, bạn có thể truy cập vào www.ecchanoi.gov.vn
- Nếu tiết trời nóng nực, theo các ông, nên đùng thiết bị làm mát là điều hòa hay quạt phun sương để điện năng tiết kiệm nhất?(Đỗ Thanh Hương)
- Ông Hoàng Minh Lâm: Công suất của một chiếc điều hòa thường gấp 15-20 lần công suất của một chiếc quạt. Vì vậy, tùy theo nhu cầu của gia đình, bạn nên cân nhắc giữa các thiệt bị.
- Đề nghị EVN Hà Nội cho biết có phải điều hòa là thiết bị tiêu tốn điện năng nhất hay không? Nên để điều hòa ở nhiệt độ bao nhiêu thì tốn ít tiền điện nhất (Nguyễn Hoàng Oanh)
- Ông Hoàng Minh Lâm: Điều hòa là một trong các thiết bị tốn điện năng nhất ở các hộ gia đình. Ngoài ra, một số thiết bị tiêu tốn điện năng lớn khác như bình nước nóng, bếp điện, bếp từ...
Để tốn ít điện năng, nên cài đặt điều hòa ở nhiệt độ ban ngày từ 25 độ C trở lên, ban đêm đặt từ 27-28 độ C. Nếu ta đặt nhiệt độ điều hòa tăng 1 độ C sẽ tiếp kiệm được 3% điện năng.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý công suất điều hòa phải phù hợp với diện tích phòng. Nên lựa chọn những thiết bị điều hòa có lắp biến tần để tiết kiệm từ 20-30% điện năng. Đối với lắp đặt cục nóng điều hòa, bạn nên để ở nơi thông thoáng, không bị cản trở hoặc quẩn gió nóng, nên đặt nơi có bóng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Khoảng cách ống dẫn ga nhỏ hơn 15 m.
- Chỉ những câu trả lời chung chung mà không đưa ra được lý do tăng giá điện, lý do vì sao lại có chuyện ghi nhằm chỉ số điện. Cần phải xác định trách nhiệm lỗi này thuộc về ai? Làm sai lại bảo người ta đến công ty điện lực nơi mình sinh sống để được hoàn tiền rồi thôi. Lỗi, trách nhiệm thuộc về ai trong trường hợp này? (Vuong thao, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Trước tiên, đối với một số trường hợp sai sót trong công việc ghi chỉ số công tơ vừa qua, thay mặt lãnh đạo Tổng công ty chúng tôi chân thành xin lỗi quý khách hàng, đây là sự việc không mong muốn, rất mong quý khách hàng thông cảm và chia sẻ với chúng tôi. Đây chỉ là trường hợp thiểu số. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý để công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Theo quy trình kinh doanh của ngành, chúng tôi thường xuyên kiểm tra để phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có các hình thức kỷ luật thích đáng từ phê bình, khiển trách đến mức nặng nhất là sa thải. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được thông tin phản ánh và chia sẻ của khách hàng.
- Tôi đang là khách hàng của nhiều dịch vụ như: Điện, Nước, Điện thoại, Internet, Truyền hình cáp... Tất cả các dịch vụ tôi đang sử dụng được các nhà cung cấp quan tâm, phục vụ, chăm sóc như một khách hàng thực sự mà ta hay gọi là "thượng đế" (ngoại trừ dịch vụ điện của EVN). Lương của cán bộ ngành điện cao ngất, vậy sao tôi không thấy ngành điện đi làm từ thiện? Liệu khi nào khách hàng của EVN Hà Nội mới được coi là thượng đế? (Hoàng Văn Giáp)
- Ông Nguyễn Quang Trung: Thưa quý khách hàng, trước tiên chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của quý khách hàng, Tổng công ty điện lực TP Hà Nội sẽ báo cáo Tập đoàn điện lực Việt Nam đề nghị đổi mới khâu tuyên truyền để khách hàng có thêm thông tin về các hoạt động xã hội, từ thiện của ngành điện Việt Nam.
Đối với dịch vụ khách hàng, trong năm 2013 và 2014, EVN Hà Nội đã có đổi mới về chất trong khâu dịch vụ phục vụ khách hàng. Chúng tôi đã rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng, cụ thể với nhóm Công ty điện lực nội thành thời gian lắp công tơ mới là 3 ngày, nhóm Công ty điện lực ngoại thành là 5 ngày. EVN Hà Nội đã xây dựng 210 phòng giao dịch của các đội quản lý khách hàng, giúp khách hàng dễ tiếp cận với ngành điện. Trong khâu thanh toán, EVN Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức thu tiền phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh các phòng giao dịch, Tổng công ty điện lực TP Hà Nội còn nâng cấp Tổng đài chăm sóc khách hàng, bổ sung thêm số điện thoại 19001288 bên cạnh số điện thoại 04.22222000.
Về việc thông tin cho khách hàng, chúng tôi đang triển khai dịch vụ chăm sóc khách hàng qua tin nhắn SMS. Trước mắt dịch vụ này sẽ cung cấp thông tin liên quan đến hóa đơn tiền điện như sản lượng điện tiêu thụ trong tháng, số tiền điện phát sinh. Sau khi nâng cấp, dịch vụ này sẽ cung cấp cho khách hàng những thông tin quan trọng như: thời gian ngừng cung cấp điện theo kế hoạch, thông tin tiết kiệm điện, thông tin về giá bán điện và các thông tin quan trọng khác.
Thay mặt tổng công ty Điện lực Hà Nội, chúng tôi xin chân thành cảm ơn độc giả của VnExpress.net đã đặt câu hỏi trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ qua. Do thời gian giới hạn, chúng tôi không đủ thời gian để có thể giải đáp tất cả các câu hỏi của quý khách hàng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các phản ánh và những câu hỏi chưa được giải đáp do giới hạn thời gian, quý khách có thể gửi đến địa chỉ email evnhanoi@evnhanoi.vn.
VnExpres
s
s
No comments:
Post a Comment