Monday, July 14, 2014

Nhật Bản trong ván cờ châu Á - Thái Bình Dương với Trung Quốc

theo Báo Đất Việt | 14/07/2014 08:15


Nhật Bản - Philippines - Úc đã kết thành một vành đai nhằm đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc nhưng còn một mắt xích quan trọng nữa…

Trung Quốc hung hăng lộ ý đồ, hướng tấn công chiến lược
Bất luận trong hoạt động gì, đặc biệt là hoạt động quân sự, thì cậy thế hung hăng là điều tối kỵ. Trong chiến tranh, hung hăng là động thái gây chiến, do đó cậy thế để hung hăng sẽ tất yếu bộ lộ thế, ý đồ, hướng chiến lược.
Ngày 7/9/2010, Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc khi tàu đánh cá của ông này va chạm với hai tàu tuần tra của Nhật Bản tại hòn đảo tranh chấp Sensaku/Điếu Ngư nằm giữa Okinawa và Đài Loan. Cả nước Trung Quốc vĩ đại nổi giận như thế nào thế giới đã biết, nhưng sự hung hăng cậy thế ở đây là chỉ sau đó ít ngày, New York Times đưa tin Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản từ 21/9.
Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc đang tàn sát môi trường sinh thái.
Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc đang tàn sát môi trường sinh thái.
Kim loại đất hiếm được ví như “muối của cuộc sống”. Do có đặc tính vật lý quang điện từ tốt, có thể kết hợp với các vật liệu khác tạo thành vật liệu mới đa dạng về chủng loại và tính năng, đất hiếm đã trở thành nguyên liệu quan trọng của nền công nghiệp hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực như chế tạo vũ khí, công nghệ thông tin, sinh học, điện - điện tử, hạt nhân, quang học, vũ trụ, vật liệu siêu dẫn, luyện kim, gốm sứ kỹ thuật cao... là nhu cầu nguyên liệu không thể thiếu của các quốc gia có nền khoa học công nghệ cao như Nhật Bản.
Tuy nhiên, khai thác nó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái khiến các nước như Mỹ, Tây Âu không dám mà chỉ có Trung Quốc là dám và bất chấp hậu quả vì tăng trưởng nên họ đã chiếm 96% nguồn đất hiếm của thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản hiện phải nhập tới 95% đất hiếm từ Trung Quốc.
Đòn cắt nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc với Nhật Bản thực sự là một đòn chiến lược cực hiểm, giống như phong tỏa eo biển Malacca, nhưng vì hung hăng nên Trung Quốc lại ra đòn quá sớm.
Vào ngày 01/2/2014 ba tàu chiến gồm tàu đổ bộ 989 Trường Bạch Sơn (Type 071) cùng 3 trực thăng và một đại đội thủy quân lục chiến và các tàu khu trục 171 Hải Khẩu (Type 052C), tàu khu trục 169 Vũ Hán (Type 052B) từ đảo Hải Nam Trung Quốc vượt qua eo biển Sunda ở Indonesia, dọc theo bờ biển phía nam của Java và đảo Christmas vào Ấn Độ Dương.
Tại đây, trước của eo biển Lombok, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tiến hành một cuộc tâp trận với hàng loạt tình huống chiến đấu dã định như “Phá vỡ mặt đất theo nhiều cách”... rồi tiến về Tây Thái Bình Dương qua eo biển Lombok và Makassar sau khi khẳng định chủ quyền tại điểm cực Nam Biển Đông, bãi đá James Shoal cách Malaysia 80 km.
Đây là ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong việc bảo vệ tuyến hàng hải sống còn từ Ấn Độ dương vào Thái Bình dương khi eo biển Malacca bị phong tỏa.
Việc Trung Quốc chứng tỏ hải quân có đủ khả năng vươn đến vùng biển phía Bắc nước Úc đã làm cho miền cực Nam của tây Thái Bình Dương náo loạn cả lên. Nước Úc dù không có tranh chấp với Trung Quốc phải "giật mình" và Mỹ vội điều 1.150 lính thủy đánh bộ cùng 4 máy bay trực thăng hạng nặng CH-53E Sea Stallion cấp tốc đến căn cứ Darwin (Úc). Indonesia tăng cường thực lực cảnh giác cao khi quần đảo Natunal đang nằm trong “lưỡi bò” của Trung Quốc.
Như vậy, sự hung hăng ở đây đã không những làm lộ ý đồ và hướng chiến lược mà Trung Quốc còn “tự khai” ra tử huyệt của mình.
Nhật Bản phản đòn
Đương nhiên, Nhật Bản phải có chiến lược bảo vệ tử huyệt của mình nếu như không muốn bị Trung Quốc khống chế.
Vấn đề thứ nhất. Rõ ràng là nếu nguồn cung kim loại đất hiếm cho Nhật Bản bị cắt thì gần như nền công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản bị sụp. Vì thế, cũng như dầu mỏ, kim loại đất hiếm là thứ mà Nhật Bản cần phải có, cho nên, ngay sau sự hung hăng của Trung Quốc năm 2010, Nhật Bản đã lo đi tìm các nguồn khác và Việt Nam là một trong những điểm đến. Tuy nhiên chưa đủ, Nhật Bản buộc phải nhắm đến nơi nào đó có trữ lượng lớn hơn.
Trở lại chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình được coi là để làm lung lay mối quan hệ Mỹ - Hàn - Nhật.
Trước và trong chuyến thăm này, Triều Tiên đã “chào mừng” bằng hàng loạt tên lửa, phóng “vô thưởng vô phạt” về vùng biển Nhật Bản khiến cho các cuộc biểu tình chống ông Shinzo Abe “diễn giải điều 9”, ủng hộ cho một hiến pháp “hòa bình mẫu mực” phải suy nghĩ lại nếu như không muốn “tên lửa rơi trúng đầu”. Có lẽ người Triều Tiên muốn gửi đến những người Nhật Bản, thích kiểu hòa bình dưới ô kẻ khác một thông điệp: “Tao muốn hòa bình nhưng không ai cho tao được muốn hòa bình”.
Dưới “làn tên lửa”, Nhật Bản và Triều Tiên đã “trao quà” cho nhau là “tìm kiếm những người bị bắt cóc” và “nới lỏng lệnh trừng phạt”.
Giới thạo tin quốc tế cho rằng Việt Nam đã làm trung gian hòa giải cho Nhật Bản - Triều Tiên và, nếu đúng thì cũng chẳng có gì là bất ngờ khi Việt Nam có mối quan hệ với Mỹ được như ngày nay cũng từ việc “tìm kiếm người Mỹ mất tích” thì Nhật Bản có mối quan hệ với Triều Tiên tiến triển, để Nhật Bản có thể đầu tư… sang Triều Tiên như Mỹ với Việt Nam là một hiện thực.
Tại sao lại không, khi Triều Tiên đang hành động cho thấy là “thoát Trung”, đã ám chỉ Trung Quốc là “sô vanh nước lớn”? Tại sao lại không, khi Trung Quốc lại đi bắt tay với Hàn Quốc chống lại Triều Tiên, “mặc cả với Hàn Quốc trên lưng Triều Tiên”?...
Nếu như không có bạn, thù, vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn thì Nga và Nhật Bản là đối tượng đặc biệt nhất để Triều Tiên nhắm tới và ngược lại thì Nga đã, đang, còn Nhật Bản cũng vậy.
Và, hồi tháng Giêng năm nay, công ty SRE Minerals Limited có trụ sở tại Anh đã công bố một báo cáo, theo đó, Triều Tiên có thể có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, khoảng 216 triệu tấn.
Nếu con số này được xác nhận (con số do SRE công bố mới chỉ là kết quả đánh giá sơ bộ và Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ USGS cũng cho biết chưa có đủ dữ liệu để xác nhận), thì trữ lượng đất hiếm của Triều Tiên nhiều gấp đôi trữ lượng toàn thế giới được biết đến trước đó và nhiều gấp 6 lần Trung Quốc, nước đang đứng đầu thị trường đất hiếm hiện nay. Đây phải chăng, là mục tiêu quan trọng hơn cả địa chính trị, địa quân sự của Triều Tiên mà Nga, Nhật Bản nhắm tới?.
Nhật Bản và Úc đã đi trước Trung Quốc một bước tại 2 eo biển Sunda và Blombok
Nhật Bản và Úc đã sẵn sàng với Trung Quốc trước một bước tại 2 eo biển Sunda và Blombok
Vấn đề thứ hai, Trung Quốc hung hăng mở rộng hoạt động quân sự tại phía Bắc nước Úc và 2 eo biển được coi là dự phòng khi Malacca bị phong tỏa.
Nếu Trung Quốc khống chế được 3 eo biển dự phòng là Sunda, Blombok và Makascha, thì Nhật Bản chỉ còn tuyến hàng hải qua eo biển Malacca và buộc phải đi qua Biển Đông, nhưng nếu Trung Quốc khống chế được Biển Đông nữa thì Nhật Bản coi như hết đường.
Ngược lại, nếu Nhật Bản và Úc có hợp tác quốc phòng “đặc biệt” thì Trung Quốc chỉ còn mỗi con đường qua eo biển Malacca. Eo biển Malacca được coi như là "cổ phần lớn của đại gia Mỹ", Trung Quốc khống chế được nó thì không thể. Ngay với Malaysia, Trung Quốc có tham lam đến mấy cũng không muốn gây lộn, dù Malaysia có hàng trăm giàn khoan nằm trong “đường lưỡi bò” mà cũng không mở miệng như họ từng với Việt Nam, Philippines…
Cú “mở hàng” đầu tiên sau khi Nhật Bản có quyền “phòng vệ tập thể” với nước Úc đã chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề. Nhật Bản đã đi trước Trung Quốc một bước, vừa bảo vệ được tử huyệt của mình nhưng cũng khống chế được tử huyệt của đối phương, hạn chế khả năng cơ động của Trung Quốc.
Như vậy, Nhật Bản - Philippines - Úc đã kết thành một vành đai an ninh bền vững ở Tây Thái Bình Dương để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, bền vững nhưng chưa chặt, vì, có vẻ như vành đai này đang cần thêm một mắt xích quan trọng…
Việt Nam đang làm gì?
Tất nhiên, Việt Nam không thể ngồi nhìn. Sử dụng Cam Ranh, hợp tác khai thác dầu khí với Nga, Mỹ, Ấn Độ, các hoạt động đối ngoại quốc phòng… là những nước cờ chiến lược hay mà Việt Nam đã đang triển khai thực hiện.
Chẳng hạn, mới đây, ngày 21/5, Việt Nam đã tham gia “Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” (PSI) được Mỹ rất hoan nghênh.
Lưu ý là trước đây Việt Nam và Trung Quốc phản đối,cho rằng hoạt động của PSI là bất hợp pháp và nay thì chỉ Trung Quốc không tham gia trong khi Việt Nam thay đổi. Tham gia PSI là Việt Nam tham gia các hoạt động chống khủng bố trên không và trên biển nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lậu vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại hàng bất hợp pháp… Đây là một tham gia mà qua đó khẳng định chủ quyền khi có Mỹ, Nhật Bản, Úc, NewZealand và Singapore cùng hỗ trợ hoạt động…
Chỉ nêu một sự kiện ít ai để ý như vậy để chứng tỏ giới lãnh đạo Việt Nam rất khôn khéo trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Ai đó cho rằng Việt Nam này nọ là sai lầm. Với nhãn quan chiến lược quân sự thì Việt Nam không kém ai cho nên sẽ có những tính toán, nước đi phù hợp.

No comments:

Post a Comment