Tuesday, June 24, 2014

Nhật muốn biết kết quả Việt Nam điều tra tham nhũng ODA

HÀ NỘI (NV) - Ông Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư Việt Nam và ông Hideo Suzuki, công sứ của Sứ Quán Nhật tại Việt Nam vừa hội đàm về các vấn đề liên quan tới tham nhũng ODA.

Trả lời tờ Tiền Phong, ông Suzuki cho biết, cuộc hội đàm nhằm “tìm hiểu sự việc, hy vọng dân Nhật thấu hiểu và đồng tình.”

Ðây là cuộc họp lần thứ ba sau khi scandal viên chức Việt Nam nhận hối lộ từ một công ty của Nhật để chọn công ty này làm nhà thầu cho một dự án thực hiện bằng ODA do Nhật cung cấp, bùng nổ hồi đầu năm nay.


Tàu cao tốc - một dự án mà Việt Nam bị cho là đã để các viên chức xỏ mũi, nhấn cho chìm sâu vào nợ. (Hình: Internet)

Ông Suzuki nói thêm, qua cuộc hội đàm, Nhật muốn được biết cả về kết quả điều tra scandal vừa kể lẫn các biện pháp chống tham nhũng của Việt Nam.

Báo giới Việt Nam cho biết, họ chỉ được tham dự phần khai mạc, phần thảo luận được tổ chức theo kiểu họp kín.

Hồi đầu tháng này, tại một cuộc họp song phương để thảo luận về việc phòng ngừa tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA, ông Kimihiro Ishikane, vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của Nhật, loan báo, Nhật tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam vì có dấu hiệu đưa-nhận hối lộ khi Việt Nam thực hiện một dự án liên quan tới ODA của Nhật.

Lúc đó, hãng AFP cho biết Nhật sẽ dựa trên nỗ lực điều tra của Việt Nam để xem xét việc cấp lại ODA cho Việt Nam vào cuối tháng này.

Theo thông tin trên trang web của Bộ Giao Thông0Vận Tải Việt Nam, Nhật yêu cầu “điều tra, xử lý nghiêm khắc.” Ðây là lần thứ hai, Nhật tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam.

ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian vay dài. Ðôi khi ODA là viện trợ. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó.

Theo một số thống kê, có tới 40% vốn ODA cho các chương trình xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng tại Việt Nam bị ăn chặn nhưng những cá nhân có liên quan chỉ bị cảnh cáo. Tại Việt Nam, nhiều năm qua, ODA luôn là một nguồn béo bở để các viên chức từ trung ương đến địa phương xà xẻo, bỏ túi riêng.

Năm ngoái, sau khi có một số dấu hiệu cho thấy công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (Japan Transport Consultants - JTC) đã đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu, tư vấn cho các dự án thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan, vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật đã mở một cuộc điều tra. Cuối cùng, vào đầu năm nay, ông Tamio Kakinuma, chủ tịch kiêm tổng giám đốc JTC, thú nhận đã đưa hối lộ ở cả ba quốc gia.

Riêng tại Việt Nam, JTC đã hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam), để được chọn làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn thực hiện một dự án phát triển đường sắt ở miền Bắc Việt Nam, trị giá 4.2 tỷ Yen.

Sau khi những thông tin liên quan đến vụ đưa hối lộ của JTC được báo giới Nhật loan tải, chính quyền Việt Nam đã “tạm đình chỉ công tác” của hàng chục viên chức, buộc họ tường trình. Trong số bị buộc tường trình có cả cựu thứ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải. Ðến đầu tháng 5, công an Việt Nam khởi tố vụ án, tạm giam sáu cá nhân vốn là các viên chức trong lĩnh vực giao thông vận tải vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Theo báo giới Việt Nam, trên thực tế, JTC - công ty Nhật đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu đảm trách công việc tư vấn cho một dự án phát triển đường sắt tại miền Bắc Việt Nam - vốn đã được chọn làm nhà thầu cho... 14 dự án phát triển giao thông! Riêng trong lĩnh vực đường sắt, JTC được chọn làm nhà thầu của 5 dự án.

Sự tích cực của Việt Nam sau scandal JTC được xem là vì Nhật luôn dẫn đầu trong việc cấp ODA cho Việt Nam và hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của PCI - một doanh nghiệp khác của Nhật - để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho dự án đại lộ Ðông-Tây ở Sài Gòn. (G.Ð)
06-24-2014 4:17:41 PM

No comments:

Post a Comment