HÀ NỘI (NV) - Ở phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, hôm 24 tháng 6, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam chỉ nêu lập trường của Việt Nam về biển Ðông. Quốc Hội không ra tuyên bố chính thức hay nghị quyết riêng.
Do trong kỳ họp kéo dài hơn một tháng, chuyện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông, chỉ được đưa ra thảo luận tại tổ và thảo luận ở hội trường riêng, Quốc Hội Việt Nam không có dự định ra tuyên bố chính thức hoặc nghị quyết nào về vấn đề này. Vì thế, hôm 20 tháng 6, khi Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận về dự luật có tên là Luật Căn Cước, ông Trương Trọng Nghĩa, một luật sư, đại biểu của thành phố Sài Gòn đã “mượn” diễn đàn để đề nghị Quốc Hội Việt Nam ra nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.
Ảnh chụp mũi tàu KN 951 của Kiểm Ngư Việt Nam sau khi bị tàu của Trung Quốc vây và đâm vào hai bên hôm 23 tháng 6. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ông Nghĩa cho rằng, nếu Quốc Hội không nhân danh dân chúng Việt Nam, ra một nghị quyết về biển Ðông, cho phép các cơ quan của nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang của Việt Nam, thực hiện mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực, ra các tổ chức tài phán quốc tế, dân chúng sẽ rất thất vọng. Khi tiếp xúc với cử tri, nếu cử tri chất vấn, các đại biểu Quốc Hội sẽ bị “nghẹn.”
Trước đó, khi tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, đâm thủng, nhấn chìm cả tàu của cảnh sát biển, tàu của kiểm ngư lẫn tàu của ngư dân Việt Nam, chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội Việt Nam đã từng gửi thư cho nghị viện các quốc gia trên thế giới đề nghị lên án Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhận định, việc Quốc Hội Việt Nam “im hơi, lặng tiếng,” không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức, cộng đồng quốc tế có thể nghĩ rằng, khi Trung Quốc xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc Hội Việt Nam vẫn không có phản ứng chính thức nào thì việc gì nghị sĩ và dân chúng các quốc gia khác phải lên tiếng. Ðó cũng có thể sẽ là cớ để Trung Quốc tiến hành những hành động hiếu chiến và nguy hiểm hơn.
Ông Nghĩa đề nghị “lãnh đạo Ðảng, Quốc Hội, Nhà nước xem xét, chấp thuận” kiến nghị của ông. Ông cũng đề nghị lấy ý kiến của các đại biểu về việc đưa ra một tuyên bố chính thức hay một nghị quyết về biển Ðông, “nếu đa số ủng hộ thì làm” và “mong các đại biểu Quốc Hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị.”
Lãnh đạo Quốc Hội Việt Nam không hỏi ý kiến các đại biểu và cũng chẳng thèm trả lời ông Nghĩa.
Trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, chỉ dành một phần để nói về sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo đó, hành động này “thể hiện ý đồ lấn chiếm biển Ðông.” Ý đồ đó “đe dọa nghiêm trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Ðông.”
Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam nói thêm, hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc về các nguyên tắc giải quyết vấn đề biển Ðông. Ngoài ra còn “làm tổn hại sâu sắc tới tình hữu nghị, đoàn kết láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.”
Nhân vật này kêu gọi “đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, hành động ủng hộ và thực hiện chủ trương của đảng, nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” và “gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước láng giềng Việt Nam-Trung Quốc.”
Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam cũng “bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Quốc Hội, nghị sĩ Quốc Hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.”
Hồi trung tuần tháng 5, tuy giàn khoan 981 của Trung Quốc đang thăm dò dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng khi kết thúc hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN khóa 11, hội nghị này chỉ ra một nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng 12, không đề cập gì đến việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.
Tại Ðối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore hồi thượng tuần tháng 6, trong khi đại diện của Nhật và Hoa Kỳ lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Ðông thì thay mặt Việt Nam, ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam gọi Trung Quốc là “bạn.”
Ông Thanh so sánh xung đột chủ quyền Việt-Trung như “mâu thuẫn gia đình.” Ông Thanh nói rằng: “Quan hệ giữa Việt Nam và ‘nước bạn láng giềng Trung Quốc’ về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng.”
Ông Thanh cũng “đề nghị” Trung Quốc rút giàn khoan và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. (G.Ð)
06-24- 2014 4:19:32 PM
No comments:
Post a Comment