Mặc Lâm, biên tập viên RFA-2014-04-28
Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An, ảnh chụp trước đây.AFP
Hành động ép buộc du khách phải mua vé tham quan Hội An một cách thiếu văn hóa đã được báo chí lên tiếng và sau đó trang mạng xã hội nhập cuộc một cách ồn ào. Sự thật ra sao?
Bán vé tham quan là đương nhiên?
Mặc Lâm tìm hiểu qua cuộc phỏng vấn người có trách nhiệm cao nhất là ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An trước vấn đề gay gắt này. Trước tiên ông Nguyễn Sự cho biết:
Nguyễn Sự: Thời gian vừa qua dư luận và công luận kể cả cộng đồng mạng, du khách, dân nhân Hội An và một số bạn bè yêu quý Hội An, thông tin đại chúng… có rất nhiều ý kiến về tổ chức, kiểm soát vé vừa rồi ở Hội An. Trước hết, tôi nghĩ là người ta quý Hội An, người ta yêu mến Hội An, người ta mới quan tâm tới mức độ đó nên chúng tôi rất tôn trọng và lắng nghe tất cả mọi ý kiến, và xem xét lại sự việc vừa rồi.
Qua thực tế, tôi thấy rằng có những ý kiến người ta nói rất xác đáng, những chuyện cho thấy rằng tổ chức sự kiện bất hợp lý, cần phải điều chỉnh. Vấn đề bất cập, cần phải sửa và thậm chí vấn đề vô lý cần phải được bãi bỏ. Nhưng cũng có một mặt khác, người ta chưa hiểu hết Hội An nên có ý kiến lên tiếng thì chúng tôi phải giải thích cho người ta được rõ về vấn đề đối với Hội An nó như thế nào. Và cái thứ ba, cũng có một số không nhiều, đôi lúc không hiểu biết gì về Hội An nhưng vẫn cứ lên tiếng, đôi lúc xa rời với thực tế. Tôi nói tất cả những ý kiến đó, dù trúng dù sai chúng tôi đều ghi nhận, và nghiên cứu xem xét một cách rất nghiêm túc.
Đầu tư cho phố cổ Hội An là một việc rất cần thiết và đồng thời đó là một vấn đề nan giải. Do đó việc bán vé tham quan là việc đương nhiên phải làm.
-Ông Nguyễn Sự
Thật ra vấn đề bán vé thăm phố cổ Hội An, đã thực hiện từ năm 1995 đến giờ đã tròn 20 năm và thực hiện rất tốt. Nguồn thu bán vé tham quan này chúng tôi dùng để trùng tu các di tích ở Hội An. Tôi xin nói thêm ở chỗ này dài dòng một tí, bởi vì Hội An là phố cổ, một quần thể di tích sống và trong đó tất cả những ngôi nhà, những đình chùa miếu mạo trong này tạo nên quần thể kiến trúc Hội An, chứ không phải từng di tích đơn lẻ. Trong khi đó những điểm tham quan Hội An (được đưa vào điểm tham quan những ngôi nhà, những hội quán có điều kiện) khoảng bảy điểm thôi. Người dân Hội An tất cả những nhà không có điểm tham quan đều phải giữ được phố cổ, giữ được kiến trúc của họ, để bảo tồn nguyên một quần thể di tích trên một ngàn ngôi nhà trong khu này.
Việc thứ hai, điều tôi muốn nói là Hội An có những ngôi nhà trong kẹt, trong hẻm, mà người dân không được hưởng lợi từ kinh doanh, phát triển du lịch thì cũng phải chịu giữ gìn ngôi nhà của họ với tư cách đó là một di tích. Nếu chúng ta không bán vé vào phố cổ Hội An mà bán vé từng điểm di tích thì thực ra mà nói thì nó bất công và không giải quyết được bài toán là giải quyết việc trùng tu di tích chung của thành phố.
Điểm thứ ba, phố cổ Hội An là một không gian mà trong đó thành phố và nhân dân Hội An đã tiến hành việc làm đêm phố cổ, để họ mời du khách đến thụ hưởng một không gian phố như vậy, và tất cả những điều này là nhân dân làm và do ngân sách bỏ ra để làm. Khi anh vào một không gian như vậy anh phải mua vé, mua vé ở đây là vào thăm cả không gian của phố cổ.
Đối với khách nước ngoài họ được thăm năm điểm nữa và đối với khách trong nước, anh có quyền chọn trong những di tích anh thăm ba điểm. Như vậy việc bán vé vào phố cổ Hội An đã thực hiện từ năm 1995 đến giờ. Tất cả từ nguồn thu này, chúng tôi dành trên 70% để trả lại cho từng khu trùng tu di tích. Có những ngôi nhà, tư nhân sửa 1,2 tỷ đồng nhưng người ta không có tiền, nhà người ta ở trong kẹt trong hẻm, chúng tôi phải đầu tư cho người ta gần 1 tỷ đồng và gia đình họ chỉ bỏ ra hai trăm triệu thôi. Tôi đang nói một thí dụ như vậy để thấy đầu tư cho phố cổ Hội An là một việc rất cần thiết và đồng thời đó là một vấn đề nan giải. Do đó việc bán vé tham quan là việc đương nhiên phải làm.
Chỉ có một cái là cung cách, cách thức. Vừa rồi du khách đến đây thì có một số hướng dẫn viên lợi dụng dẫn đoàn khách vào bán tour du khách rồi sau đó chia lại khách để khách đi lại trong Hội An tự do. Mà khi du khách tự do vào trong này gặp các anh em kiểm soát vé thì người ta mới chặn lại hỏi vé, dằn co đôi co làm phiền lòng du khách và nó phản cảm hình ảnh thân thiện ở Hội An.
Người ta đến mua một sự dễ chịu, người ta tham quan một nơi mà người ta cần được đối xử thân thiện nhưng ngược lại có những sự chèo kéo, nghĩa là nói qua nói lại và đôi lúc thái độ anh em cũng thiếu tế nhị, thậm chí có những lúc thiếu văn hóa, dẫn đến khách người ta phản ứng. Tất cả những điều đó đều phải được điều chỉnh và chấn chỉnh. Và chúng tôi đã tiến hành tổ chức và thay đổi, luân chuyển những nhân viên này.
Chỉ mua vé một lần
Mặc Lâm: Có ý kiến cho rằng du khách phải mua vé nhiều lần vì sau khi rời phố cổ để về khách sạn, hôm sau phải mua vé một lần nữa mới được vào phố cổ. Ông có thấy đây là một quy dịnh bất hợp lý hay không?
Nguyễn Sự: Vâng, tôi xin nói thêm vấn đề này. Trước đây có một qui định bất hợp lý nó dẫn đến kéo dài. Khách khi mua vé vào tham quan các điểm di tích vật thể cổ Hội An là mua vé một lần, và khi mua xong rồi, người ta ra khỏi đó thì người ta quay vào lại thì kiểm soát vé yêu cầu người ta mua vé nữa. Việc này không phải lỗi ở đây mà là sự vô lý của thành phố đã đề cử làm như vậy.
Du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé, nhưng mua vé một lần, anh ở Hội An năm bảy ngày hoặc thậm chí mười ngày thì anh có thể sử dụng cái cùi vé đó anh đi lại được rất nhiều lần ở trong phố cổ Hội An.
-Ông Nguyễn Sự
Lần này chúng tôi bỏ việc này, có nghĩa là du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé, nhưng mua vé một lần, anh ở Hội An năm bảy ngày hoặc thậm chí mười ngày thì anh có thể sử dụng cái cùi vé đó anh đi lại được rất nhiều lần ở trong phố cổ Hội An và không cần phải mua vé nữa và không cần kiểm soát. Đây là vấn đề vô lý kéo dài mà hôm nay qua sự việc này chúng tôi nhận ra là cần phải điều chỉnh, và chúng tôi đã điều chỉnh ngay, đã thực hiện ba ngày nay rồi.
Như vậy khi anh đến Hội An anh nghỉ ngơi 10 ngày, anh muốn vào phố cổ, anh chỉ mua vé vào phố cổ một lần thôi, và sau đó anh có thể đi lại, mua sắm, làm tất cả mọi thứ ở trong phố này nhiều lần.
Mặc Lâm: Còn những người có thân nhân bạn bè tại Hội An, lâu lâu họ tới thăm không lẽ bắt họ phải mua vé thưa ông? Giải quyết các trường hợp này ra sao?
Nguyễn Sự: Đối với khách Việt chúng tôi thấy thế này, bởi vì nó là quần thể di tích sống mà còn có hàng vạn dân đang sống trong khu vực phố cổ này thì như vậy, ngoài người dân phố cổ Hội An ra, còn bà con bạn bè khắp nơi ở trên khắp đất nước này người ta về người ta thăm quê, thăm bạn bè, thăm bà con thì không việc gì anh phải kiểm soát người ta và bắt người ta phải mua vé và thậm chí phải mời người ta đi vào để người ta thăm bà con họ từ bạn bè họ, người ta mua sắm trong phố.
Chỉ có khách Việt Nam đi theo đoàn, khi đó là vì có tour đã bán cho du khách rồi nên chúng tôi dứt khoát kiểm soát với khách lưu trú. Đối với khách lẻ người ta không có vé hoặc là người ta chưa mua vé thì hướng dẫn một cách lịch thiệp, mời người ta mua vé một cách đàng hoàng. Còn nếu người ta không chịu mua vé, thì mời người ta vào một nơi để giải thích cho người ta và yêu cầu mua vé. Bởi vì mua vé ở đây là góp phần trùng tu di tích và tôi tin rằng tất cả mọi du khách khi đi du lịch thì bản thân người ta không ngại ngần gì và người ta không tiếc gì số tiền phải bỏ ra để mua vé. Không những cho Hội An, không những cho Việt Nam, mà nó trở thành một di sản văn hóa của nhân loại, tôi tin rằng những người có ý thức đều làm điều đó.
Mặc Lâm: Hội An là điểm du lịch di sản chứ không phải như Nha Trang, Mũi Né hay Hạ Long… nó đòi hỏi người hướng dẫn phải có văn hóa ứng xử cũng như kiến thức về di sản mà Hội An đang thừa hưởng. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch tại Hội An đã đạt những yêu cầu đó hay chưa?
Nguyễn Sự: Đối với đội ngũ hướng dẫn viên thì chúng tôi tuyển tất cả lại, đào tạo, huấn luyện và sẽ thay thế, tăng cường những người có chuyên môn, có nghiệp vụ và có trình độ ứng xử. Có trình độ ngoại ngữ, có trình độ hiểu biết về Hội An để hướng dẫn cho du khách và giải thích cho du khách rõ. Bởi vì đội ngũ này chính là sứ giả của Hội An, thay mặt cho những người lãnh đạo Hội An giao tiếp với người nước ngoài, và nó cũng là bộ mặt không chỉ của Hội An mà tôi nghĩ rằng với người Việt Nam đưa cái lịch thiệp, cái văn hóa, cái tốt đẹp, đưa hình ảnh thân thiện của chúng ta ra với bạn bè thế giới. Và chúng tôi đang chấn chỉnh việc này, và hiện nay đang tiếp tục làm. Tích cực làm và đã sửa ngay cái điều bất hợp lý trong ba ngày qua.
Mặc Lâm: Có những tấm ảnh đang lưu hành trên mạng cho thấy cảnh vắng vẻ của Hội An rất đáng lo ngại. Ông có chia sẻ gì về chuyện này thưa ông?
Nguyễn Sự: Ngày hôm qua chúng tôi tiến hành họp báo ở trong nước, gần 100 đài báo, phóng viên báo chí đã về họp, và tôi, có thể nói với tư cách là người Hội An, người đứng đầu thành phố Hội An tôi thấy một tấm hình mà đưa lên bình như vậy là không có thiện chí. Bởi vì với bức hình đó nếu chúng ta nhìn kỹ thì ở trong cái giờ không còn ai nữa. Cả hàng quán Hội An, nhà cửa, người ta đóng cửa đi ngủ rồi, khuya rồi thì khi đó không có du khách nào ra đường nữa, thực tế là như vậy.
Đối với khách du lịch thì trên 8 giờ sáng người ta mới bắt đầu ra đường, và buổi tối khoảng chừng 10 giờ 11 giờ người ta đã trở về người ta nghỉ. Các hàng quán Hội An đều đóng cửa vào lúc 9h30, cho nên tôi nghĩ tấm hình này chụp không phải vào thời điểm khách đông, thời điểm khách đi ra ngoài đường phố mà là thời điểm khách đã nghỉ rồi. Do đó theo tôi nghĩ việc này nếu mà nhìn nhận một cách nghiêm túc thì rõ ràng mà nói đây là một tấm ảnh đã xuyên tạc sự thật về Hội An.
Mấy hôm nay khách vẫn cứ đến Hội An rất đông. Mấy ngày nay tôi đã ngồi, tôi ở miết trong phố để xem cung cách làm ăn của anh em như thế nào, kiểu ra làm sao, quan sát về phía dư luận ra sao để mình về điều chỉnh tiếp. Tôi thấy lượng khách đi vào Hội An vẫn tiếp tục đông như mọi ngày.
Còn thời điểm chụp ảnh là cái thời điểm khách đi rồi, và xin thưa với anh Mặc Lâm, tôi có thể khẳng định điều đó và hôm qua họp báo tôi cũng có công bố điều đó trước báo chí, tôi không đồng tình với cách như vậy. Cái gì sai, cái gì bất hợp lý, cái gì vô lý, Hội An sẽ ghi nhận để mà sửa, thậm chí nó vô lý đến mức độ cần phải bỏ Hội An cũng sẵn sàng với tinh thần cầu thị. Nhưng khi đưa một vấn đề gì thì phải mang tính xây dựng và với tinh thần khách quan, trung thực, không thể lấy chỗ này lúc này để bỏ vào nhằm quy kết cho Hội An là vắng như chùa Bà Đanh.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
No comments:
Post a Comment