Monday, April 28, 2014

An ninh tài chính Việt Nam nguy hiểm vì nợ công

HÀ NỘI  (NV) Quan niệm sai về nợ công, vay mượn càng ngày càng nhiều, khoản tiền phải trả càng ngày càng lớn đang đẩy an ninh tài chính của Việt Nam đến chỗ nguy hiểm.

 
Ngân hàng Nhà Nước CSVN liên tục bán công trái tức vay nợ cho nhà nước có tiền xài vì tiền thuế thu không đủ chi. (Hình HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Đó là cảnh báo của hàng loạt chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, khai hôm 28 tháng 4.

Thật ra những cảnh báo này không mới, đã được lặp đi, lặp lại trong vài năm qua nhưng chế độ Hà Nội không màng vì “nợ công chưa vượt quá 60% GDP”. Ngay vào lúc này, nhà cầm quyền trung ương CSVN vẫn liên tục phát hành trái phiếu (một loại giấy nhà nước đứng ra vay nợ để kiếm thêm tiền).

Cũng vì vậy, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ trích, nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số mà ở quan niệm sai về nợ công. Do gạt bỏ những khoản nợ mà chính quyền Việt Nam đứng ra bảo lãnh, nợ chưa thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản, để trấn an rằng nợ công chưa đến ngưỡng ngu hiễm (60% GDP) nên Hà Nội không nhận định về nguy cơ.

Theo ông Thiên, nếu tính đủ, nợ công đã xấp xỉ 100% GDP. Nói rằng nợ công chỉ mới 55,7% là “ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro”. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra những điểm đáng lo khác cho an ninh tài chính của Việt Nam: Tốc độ nợ tăng rất nhanh so với GDP. Các khoản vay chủ yếu để trả nợ chứ không phải cho phát triển.

Trong cơ cấu nợ, đa số là nợ ngắn hạn thành ra khi nền kinh tế suy yếu, khả năng trả nợ sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán của Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam phải trả 208 ngàn tỷ, tương đương 26.7% tổng thu ngân sách của năm 2014. Mức này đã vượt qua “vạch đỏ” (25%) và sẽ tương đương 30% tổng thu ngân sách trong những năm tới.

Ông Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế khác, cảnh báo rằng với tốc độ tăng nợ công như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa Việt Nam sẽ bất lực với nợ công. Vào lúc này, tổng thu ngân sách đã không đủ để chi hoạt động thường xuyên của bộ máy.


Biểu đồ khoản nợ mà chính quyền Việt Nam phải trả hàng năm từ 2010 đến nay cho thấy chỉ trong vòng bốn năm, nợ phải trả tăng khoảng 2.5 lần. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hai chuyên gia kinh tế khác là Phạm Đỗ Chí và Phan Thanh Hà cùng dự đoán, ba năm nữa, gánh nặng trả nợ sẽ khó kham, kể cả khi quy mô nợ công chưa chạm ngưỡng mất an toàn (60% GDP).

Ông Phạm Đỗ Chí nhận định, việc phát hành một lượng lớn trái phiếu như vừa qua là áp lực rất lớn đến lạm phát. Nếu không tính toán dựa trên những số liệu cụ thể về thực nợ sẽ khó tránh khỏi tình trạng vỡ nợ như đã xảy ra với Vinashin (phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 20%/năm, kỳ hạn 5 năm).

Ngoài những ưu tư về nợ công, các chuyên gia kinh tế còn lo lắng về nợ xấu (nợ không thể trả) được xem như một “nút thắt” gây tác hại cho nền kinh tế. Đến nay, số liệu về nợ xấu rất bất nhất. Cơ quan Thanh tra - Giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, loan báo, tính đến tháng 2 vừa qua, nợ xấu chiếm khoảng 9,7% tổng nợ nhưng ít người tin con số này là chính xác.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải giải quyết nợ xấu càng sớm càng tốt và tốt nhất là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bán bớt vốn Nhà nước. (G.Đ)

04-28-2014 3:48:35 PM

No comments:

Post a Comment