(Dân trí) - Trận mưa lớn kéo dài trong đêm 26/4 khiến nhiều tuyến phố, trường học, cơ quan… ở Hà Nội bị ngập nặng. Công ty Thoát nước lý giải các địa điểm xảy ra úng ngập do đô thị hóa, không có hệ thống thoát nước hoặc ảnh hưởng các công trình đang thi công.
Mới mưa đầu mùa, đường, trường đã ngập sâu
Trận mưa lớn đầu mùa trong đêm ngày 26/4 kéo dài đến rạng sáng ngày 27/4 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng. Ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến khoảng 9h ngày 27/4, tuyến phố Trần Bình, Nguyễn Xiển… nhiều đoạn nước vẫn còn ngập đến đầu gối người lớn.
Trận mưa lớn đầu mùa nhiều đường phố Hà Nội bị ngập nặng
Đặc biệt, đoạn đầu phố Trần Bình dài khoảng 500m (từ điểm nối với đường Hồ Tùng Mậu đến gần bến xe Mỹ Đình) biến thành sông cả ngày 27/4. Tuyến đường lúc nào cũng đầy ắp nước nên phương tiện qua đây bị chết máy hàng loạt. Vỉa hè cũng chìm sâu trong nước nên nhiều người đi bộ vừa bước vừa mò mẫm lối đi. “Chỉ cần mưa kéo dài vài tiếng là cả tuyến đường ngập nặng. Ô tô, xe máy chết máy giữa đường, đồ đạc trong nhà chúng tôi bị nước tràn vào làm cho hư hỏng rất nhiều”, chị Nguyễn Hạnh Bình nhà ở đường Trần Bình cho biết.
Cơn mưa lớn kéo dài gần một đêm còn khiến nhiều cơ quan, trường học… ở Hà Nội bị ngập nặng. Gần 12h trưa ngày 27/4, cả sân trường Đại học Thương Mại, Sân khấu điện ảnh vẫn chìm trong “biển nước”. Đến đầu giờ chiều ngày 27/4, cả đường và sân Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng ở số 204 đường Hồ Tùng Mậu ngập 1/2 thân xe máy.
Giải thích về tình trạng trên, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, khoảng 8h ngày 27/4, một số vị trí xảy ra úng ngập như đường Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng, nút Mai Dịch, phố Thanh Đàm là do đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa hoặc không có hệ thống thoát nước.
Còn các vị trí khác ở phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), phố Vĩnh Tuy, phố Liễu Giai, Đội Cấn, Trần Bình, Phan Văn Trường, ngã ba Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng… xảy ra úng ngập do ảnh hưởng của việc đang triển khai thi công các công trình trên mương Cống Vị, mương Vĩnh Tuy, mương Đõ, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên sông Tô Lịch.
Năm 2014 giảm 10 điểm úng ngập
Ông Nguyễn Lê - Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, với kết quả hoàn thành các công trình thoát nước, dự kiến năm 2014 Hà Nội có thể giảm 10 điểm úng ngập khi mưa lớn. Trong đó có các địa điểm thường xuyên ngập nặng như như đường Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Lương Bằng, Điện Phủ - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Tông Đản - Lê Lai… không còn bị chìm sâu trong nước mỗi khi mưa lớn.
Nhiều cơ quan, trường học biến thành "biển nước" sau trận mưa lớn đầu mùa
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho hay, do thành phố ngày càng mở rộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được xây dựng nên tình trạng ngập phát sinh chủ yếu tại các khu vực vành đai, các khu vực đang thi công dở dang hoặc chuẩn bị đầu tư dự án như khu vực đường Phạm Văn Đồng, đường 70, lưu vực sông Nhuệ, khu vực Tây Hồ Tây, chân cầu Vĩnh Tuy, Thanh Đàm phố Vĩnh Hưng…
Với lượng mưa khoảng 50mm, Công ty Thoát nước Hà Nội khẳng định trên các trục chính của thành phố không có điểm úng ngập, chỉ tồn tại một số khu vực trũng, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo hoặc chưa hoàn thành có thời gian thoát nước kéo dài hơn gây đọng nước trên mặt đường. Đối với các trận mưa từ 50 đến 100mm hoặc trên 100mm đơn vị này vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt, ngoài ra các tổ bơm di động cũng được huy động tại các khu vực trũng như Phạm Văn Đồng.
Đặc biệt, các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, giảm thiểu thời gian úng ngập, trong đó tập trung ở 20 khu vực trong nội thành. Đơn vị này cũng tính đến phương án phá dỡ toàn bộ các đập chặn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước. Trong trường hợp, mực nước sông Nhuệ lên cao và tình hình úng ngập trong nội thành được kiểm soát đập Thịnh Liệt sẽ được mở để đưa nước về Trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông.
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đối với trận mưa có lượng mưa trên 100mm, năm 2013, trên địa bàn thành phố xuất hiện 21 khu vực úng ngập trong đó có những khu vực phát sinh như Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng, Lĩnh Nam…
Thứ Hai, 28/04/2014 - 16:44
Quang Phong
No comments:
Post a Comment