Để “hoàn thành chỉ tiêu” mà cấp trên ấn định, nhà cầm quyền nhiều địa phương đã dụ nhiều người không nghiện đến trụ sở công an xã, rồi dẫn giải họ giao cho các trại cưỡng bức cai nghiện.
Các con nghiện tại Trung tâm Cai Nghiện số 2 thuộc thành phố Hà Nội. (Hình: Người Lao Động)
|
Tờ Lao Động dẫn trường hợp của ông Phạm Đức Trung, 44 tuổi, cư ngụ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên như bằng chứng điển hình của thực trạng vừa kể.
Năm 2000, ông Trung nghiện ma túy. Lúc đó, cha mẹ và anh em của ông đã dùng dây thừng trói ông lại trong nhiều ngày, nhằm giúp ông “cắt cơn”. Cai ma túy xong, ông Trung lập gia đình, vào rừng kiếm củi, làm thợ hồ, rồi trở thành một nhà thầu.
Năm ngoái, ông Trung được Công an xã mời lên “làm việc”. Hết ngày, không thấy ông về, thân nhân đến xã hỏi thăm thì được thông báo, công an đã giải ông Trung giao cho một trại cưỡng bức cai nghiện.
Gia đình ông Trung bắt đầu kêu cứu khắp nơi nhưng không ai thèm nghe.
Khi đơn kêu cứu được gửi đến tờ Lao Động, phóng viên tờ báo này đã về nơi ông Trung cư trú, phỏng vấn hàng chục người là hàng xóm, tất cả đều khẳng định ông Trung hết nghiện ma túy từ lâu. Thậm chí, ông còn là một người chồng tốt, một người cha đang làm tất cả mọi việc để kiếm tiền nuôi con cái ăn học.
Bà Nguyễn Thị Diệu Diệu - mẹ ông Trung – người suốt mười tháng qua đi khắp nơi kêu oan cho con nhưng không ai thèm nghe. (Hình: Lao Động)
|
Rời nơi ông Trung cư trú, phóng viên tờ Lao Động tìm đến trại cưỡng bức cai nghiện. Giám đốc trại này xác nhận, khi ông Trung được đưa vào trại, họ có thử nước tiểu và kết quả thử nghiệm là âm tính (không dùng ma túy). Tuy nhiên, vì ông Trung đã được nhà cầm quyền địa phương gửi vào trại nên theo… nguyên tắc, ông phải ở lại trại… lao động cho đủ một năm.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Thái Nguyên, cơ quan quản lý trại cưỡng bức cai nghiện, thản nhiên trả lời báo giới, rằng, cơ quan của bà chỉ có trách nhiệm “cắt cơn”, giáo dục, bắt những người được công an giải tới phải lao động. Hết một năm thì thả. Bà không quan tâm tới chuyện người được giao cho trại cưỡng bức cai nghiện có nghiện hay không! Oan hay không oan không phải trách nhiệm của ngành Lao động – Thương binh – Xã hội.
Phóng viên tờ Lao Động cũng đã tìm gặp công an địa phương, nơi giải ông Trung đi giao cho trung tâm cưỡng bức cai nghiện. Trưởng Công an thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, thừa nhận, trước khi giải ông Trung đi giao cho trung tâm cưỡng bức cai nghiện, cơ quan này không thử nước tiểu để xác định ông Trung có nghiện ma túy hay không.
Tuy nhiên, theo viên Trưởng Công an thị trấn Sông Cầu, quyết định đưa ông Trung vào trại cưỡng bức cai nghiện không phải của công an mà do Ủy ban nhân dân huyện ban hành. Công an chỉ biết chấp hành. Đã có lệnh thì phải “đi”. Năm nay không đi thì… một ngàn năm sau cũng vẫn phải “đi”.
Viên Trưởng Công an thị trấn Sông Cầu thú thật, cũng có nghe, có biết ông Trung không còn nghiện ma túy nhưng “cấp trên đã giao ‘chỉ tiêu’, mỗi năm, thị trấn Sông Cầu phải gửi ít nhất 4 ‘thằng’ vào trại cưỡng bức cai nghiện”. Viên Trưởng Công an thị trấn Sông Cầu khoe là năm ngoái, cơ quan của ông ta “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” vì gửi được đến 8 người vào trại cưỡng bức cai nghiện.
Phóng viên của tờ Lao Động kể rằng, ông Trung không phải là trường hợp duy nhất, không nghiện ma túy nhưng bị dụ, bị giao cho các trại cưỡng bức cai nghiện. Khi đi thực tế tại một trại cưỡng bức cai nghiện, phóng viên của tờ Lao Động đã gặp ít nhất ba người tìm đến kêu oan, nhờ can thiệp vì họ không nghiện. Gần như trường hợp nào gia đình cũng tan nát, phá sản chỉ vì đột nhiên bị đưa vào trại cưỡng bức cai nghiện. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment