24/12/2013 06:31 (GMT + 7)
TT - Chiều 16-12, lại có thêm một vụ dân phòng và
người dân to tiếng khi lực lượng dân phòng P.Hàng Buồm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)
ngăn không cho ôtô di chuyển theo hướng từ phố Lãn Ông sang phố Hàng Buồm trong
khi đây không phải là phố cấm ôtô.
Đến khi Công an P.Hàng Đào có mặt cho phép ôtô đi tiếp thì dân
phòng P.Hàng Buồm rút về. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc dân phòng ở
Hà Nội thực hiện quá nhiệm vụ được giao.
Cánh tay “đa chức năng” của công an
Tại Hà Nội, lực lượng dân phòng còn được gọi với một cái tên khác
là “trật tự phường”, hiểu đơn giản là lực lượng hỗ trợ công an duy trì trật tự
an toàn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, cùng một nhiệm vụ nhưng cách ứng xử
của dân phòng mỗi nơi lại khác nhau.
Tại P.Hàng Trống (Q.Hoàn Kiếm) trưa 13-12, chúng tôi theo xe của
công an phường gồm một công an và một dân phòng tới phố Triệu Quốc Đạt. Xe tới
nơi, lập tức những người bán hàng rong chạy nháo nhác. Một phụ nữ với gánh khoai
luộc chậm chân lập tức bị dân phòng bước xuống thu cả gánh hàng khoai luộc đưa
lên xe.
Sáng 16-12, tại phố Phủ Doãn, xe của Công an P.Hàng Trống lấn
trái cả bên kia đường để “truy tóm” người gánh hàng rong. Những người này bỏ
chạy liền bị dân phòng xuống xe rượt theo tóm lấy, kéo ngược họ lại phía xe công
an. Gần như cả quá trình rượt đuổi, thu giữ quang gánh cả hai phía không nói với
nhau câu nào.
Trái ngược với cách xử lý vi phạm của người bán hàng rong như kể
trên, việc xử lý vi phạm của các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè được thực hiện “thận
trọng” theo đúng quy trình thu giữ tài sản. Tại phố Hàng Mã, khi xe của Công an
P.Hàng Mã ào tới, lập tức ba dân phòng nhào từ trên xe xuống gom những hàng hóa
bày bán trên vỉa hè đóng vào một bao tải, sau đó cả dân phòng và công an cùng
niêm phong, dán băng keo trước khi công an viết biên bản tạm thu giữ.
Tại phố Lý Quốc Sư trong buổi sáng 16-12, khi taxi vừa trả khách
dưới lòng đường, lập tức hai dân phòng chạy xe máy tới chặn trước đầu xe. Người
dân phòng ngồi sau xe máy bước xuống ra hiệu cho lái taxi ra khỏi xe để làm
việc, sau đó một lúc lực lượng công an mới xuất hiện.
Chưa hết, trong chiều 16-12, khi Công an P.Hàng Đào dừng ôtô trên
phố Hàng Ngang để duy trì trật tự giao thông, dẹp lấn chiếm vỉa hè thì lập tức
hai dân phòng của phường thực hiện nhiệm vụ “trinh sát” xe đi ngược chiều. Khi
thấy bóng dáng xe máy đi ngược chiều, lập tức cả hai dân phòng nhào tới trước
đầu xe. Việc đầu tiên của những dân phòng ở đây là dừng xe của người vi phạm,
sau đó dắt thẳng về nơi Công an P.Hàng Đào lập biên bản.
Không thống nhất
Theo Công an Hà Nội, lực lượng dân phòng bắt đầu được thí điểm từ
năm 1997, tới năm 2008 lực lượng này đã có mặt ở tất cả 128 phường, 5/6 thị trấn
và 31 xã trọng điểm trên địa bàn thành phố. Theo số liệu thống kê mới nhất của
Phòng cảnh sát trật tự (PC64 B) Công an Hà Nội đến cuối tháng 10-2013, chỉ tính
riêng 10 quận nội thành lực lượng dân phòng đã lên tới trên 1.600 người, trong
đó nhiều nhất là quận Hoàn Kiếm và Đống Đa với hơn 300 người.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc tuyển chọn lực lượng
dân phòng do công an các phường, thị trấn trực tiếp lựa chọn, sau đó trình UBND
phường phê duyệt rồi UBND quận ra quyết định cuối cùng. Về chỉ tiêu tuyển dụng,
trả lương, chế độ chính sách do HĐND của quận huyện thông qua, riêng UBND thị
trấn được trao quyền này.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay về số lượng, cách thức hoạt
động, tổ chức bộ máy đến trang phục, chế độ chi trả tiền công... cho lực lượng
dân phòng mỗi nơi một cách, hoàn toàn không có một quy định chung. Theo PC64 B,
từ những năm 2008 liên ngành công an - lao động - tài chính thành phố đã hoàn
thiện tờ trình về việc “trả công lao động cho lực lượng dân phòng giữ gìn trật
tự giao thông - đô thị - vệ sinh môi trường ở quận, huyện, phường, xã”. Nếu tờ
trình này được thông qua, lực lượng dân phòng sẽ có một “kim chỉ nam” chung
thống nhất trong quá trình tổ chức, hoạt động của mình. Tuy nhiên cho đến tận
hiện nay, UBND thành phố và các đơn vị có thẩm quyền vẫn chưa thông qua, dẫn tới
hoạt động của dân phòng chưa thật sự được thống nhất.
Liên quan tới việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ dân phòng, trao
đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Lê Văn Hiến - phó trưởng phòng phụ trách PC64 B
(trưởng phòng vừa nghỉ hưu) - cho biết trước đây mỗi quận tự tổ chức các lớp tập
huấn khác nhau theo kế hoạch riêng của từng quận. Mới đây, thành phố mới tổ chức
lớp tập huấn chung đầu tiên, chủ yếu trang bị các kiến thức cơ bản về trật tự an
toàn giao thông. Về một quy định chung cho toàn thành phố, ông Hiến cho hay hiện
nay chưa có.
XUÂN LONG - LÂM HOÀI
TP.HCM có bốn lực lượng
Tại TP.HCM, có bốn lực lượng thường tham gia các đoàn công tác
của chính quyền để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý
trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tổ chức thi hành các quyết định hành chính,
giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... Gồm có: đội quản lý trật tự quận
- huyện (hoặc tổ quản lý trật tự phường - xã), bảo vệ dân phố, dân phòng, dân
quân.
* Bảo vệ dân phố: Theo nghị định 36/2006 của Chính phủ, đây là
lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc
gia và trật tự an toàn xã hội do UBND phường quyết định thành lập.
Bảo vệ dân phố có khá nhiều quyền hạn và được trang bị, sử dụng
vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Cụ thể:
+ Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người
đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường.
+ Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công
an phường để có biện pháp xử lý đối với những người đang có hành vi vi phạm trật
tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định
an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã
hội. Cần lưu ý thêm, theo thông tư liên tịch 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC, khi
thực hiện quyền hạn này, bảo vệ dân phố phải có sự phối hợp với các lực lượng
chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự, cảnh sát
phòng cháy chữa cháy...
+ Tham gia với lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng để truy
bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú,
tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của những
người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ
trách.
Trong khi đó điều kiện, tiêu chuẩn làm bảo vệ dân phố cũng đơn
giản: từ đủ 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn; có lý lịch rõ ràng; có
sức khỏe; không có tiền án, tiền sự...
* Dân phòng: theo Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001, đội dân
phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ
gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú. Lực lượng này do chủ tịch UBND cấp xã thành
lập, quản lý và chỉ đạo.
* Dân quân: theo Luật dân quân tự vệ năm 2009, đây là lực lượng
vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở cấp
xã.
* Đội quản lý trật tự đô thị: đây là lực lượng chuyên nghiệp của
Nhà nước, được hợp nhất từ đội quản lý trật tự đô thị và đội thi hành quyết định
hành chính của quận, huyện.
THẠNH HƯNG
|
Một số vụ lạm quyền
Vào thời điểm cuối năm 2012, người dân Hà Nội bức xúc khi lực
lượng dân phòng thuộc Công an P.Quang Trung (Q.Đống Đa) đổ ra đường chặn và dừng
xe đang lưu thông để xử lý vi phạm. Trước đó, lực lượng dân phòng P.Láng Thượng
(Q.Đống Đa) cũng có hành động tương tự.
Đầu tháng 3 năm nay, một sự việc gây xôn xao khi lực lượng dân
phòng thuộc Công an P.Thịnh Quang (Q.Đống Đa) xông ra ngã ba đường Láng - Thái
Thịnh “múa gậy” chặn bắt người vi phạm giao thông. Sau sự việc này, lãnh đạo
Công an Q.Đống Đa đã yêu cầu trưởng Công an P.Thịnh Quang và tổ công tác viết
kiểm điểm, giải trình về vụ việc. Tại thời điểm đó, đại tá Hoàng Thanh Bình,
trưởng Phòng cảnh sát trật tự (PC64 B) Công an Hà Nội, thừa nhận việc dân phòng
chặn bắt xe vi phạm là hoàn toàn trái với quy định.
- Tối 23-5-2012, ông Đặng Đình Bình (41 tuổi) hay tin có người
quen gặp tai nạn giao thông tại KP Đông Chiêu (P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An,
Bình Dương) nên cùng Nguyễn Văn Thắng (31 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) chạy đến
hiện trường. Tại đây, giữa ba bảo vệ dân phố đang bảo vệ hiện trường và ông
Bình, Thắng xảy ra xô xát. Ông Bình bị đánh trọng thương. Đến chiều 31-5, ông
Bình tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
- Ngày 30-8-2012, anh Doãn Văn Quân (20 tuổi, SV Trường cao đẳng
GTVT) đến đường số 2, P.13, Q.6, TP.HCM vì nơi đây xảy ra vụ tai nạn giao thông
giữa ôtô và xe máy do bạn của anh Quân điều khiển. Tại đây, anh Quân có cự cãi
với lực lượng bảo vệ dân phố ra bảo vệ hiện trường và cho rằng bị bốn bảo vệ này
dùng dùi cui đánh hội đồng. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.6 cho
rằng giữa anh Quân và bảo vệ dân phố P.13, Q.6 chỉ giằng co, lôi kéo và khi rượt
đuổi anh Quân bị vấp ngã gây nên thương tích chứ không có đánh đập.
- Tối 20-12-2012, Phạm Văn Minh (17 tuổi) và anh họ là Phạm Văn
Vàng (20 tuổi) từ Sóc Trăng đến TP.HCM. Cả hai tìm đến khu phố 6, P.Bình Trị
Đông, Q.Bình Tân xin ngủ nhờ một đêm tại phòng trọ của người quen trước khi tới
Bình Dương tìm việc làm. Tại đây, do không vào được nhà trọ, hai người đã ngồi
trước nhà trọ, ngủ gật qua đêm. Khoảng 4-5g sáng, hai anh bị bảo vệ dân phố của
phường này đánh.
X.L. - L.H. - H.Đ.
|
No comments:
Post a Comment