Tuesday, December 24, 2013

Ba cô dâu Việt kêu cứu tại Trung Quốc



“Mọi người trong làng đều nói em tôi đi lang thang và bỏ mạng ở xó xỉnh nào rồi. Họ còn khuyên tôi lập bàn thờ cúng em nhưng tôi không tin".

Bà Mai Thị Hòa vừa khóc vừa bắt đầu câu chuyện khi nhận được thông tin về em gái Mai Thị Sự (còn có tên Nai, 47 tuổi) đã mất tích gần 30 năm nay và đang lưu lạc xứ người: “Vì nghèo quá nên tôi chẳng thể đi tìm, chỉ ngày ngày cầu trời khấn Phật cho em được bình an và sẽ có phép mầu đưa em về với gia đình. Có vậy nếu chết tôi cũng nguôi ngoai phần nào nỗi ân hận vì không bảo vệ được em” - người phụ nữ 59 tuổi này nói.
 Cô dâu Việt được rao bán trên mạng.

Cánh cửa hé chờ em
Những thông tin mà chúng tôi có được về nhân thân của cô Mai Thị Sự hiện đang lưu lạc ở Phúc Kiến, Trung Quốc chỉ vỏn vẹn hơn 30 từ: “Mai Thị Sự (còn có tên là Nai), sinh năm 1966 ở xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng. Cha là Mai Văn Trạch, chị là Mai Thị Hòa, Mai Thị Bình, Mai Thị Phú”. Phóng viên báo Tuổi Trẻ lần theo đầu mối này tìm đến người thân của cô Sự để chắp nối các thông tin, tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện gần 30 năm lưu lạc.
Theo chỉ dẫn của những người lớn tuổi trong xã, tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm khuất sau ngôi chùa của thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Căn nhà khóa cửa im ỉm nhưng cổng ngoài sân chỉ một bên đóng, một bên mở hé. Đợi đến sẩm tối thì thấy bà Hòa đạp xe chở theo bao gạo nặng về đến cổng. Vừa gặp tôi, bà Hòa đã vứt xe dựa vào tường và hỏi dồn, mắt loang loáng nước: “Chú biết tin gì về em gái tôi? Nó còn sống, nó còn sống đúng không?”. Thấy tôi bất ngờ, bà Hòa rơm rớm nước mắt giải thích: “Tôi đi xát gạo, về đến đầu làng thấy hàng xóm bảo có người tìm hỏi thăm cái Nai. Tên của em gái tôi gần 30 năm nay rồi không còn ai nhắc đến. Từ lúc làm lại căn nhà này, đi đâu tôi cũng phải mở cổng, vì em tôi thần kinh không được bình thường, nhỡ đâu nó về mà thấy không phải nhà mình rồi bỏ đi tiếp thì khổ”.
 Website rao bán cô dâu Việt.
Bà Hòa kể em gái bà có số phận không may từ bé. Khi mới 3 tháng tuổi, Nai bị viêm não. Một ngày mùa hè, đang bế em ở ngoài sân thì bà Hòa chết đứng khi thấy em co giật, chân tay co quắp, miệng sùi bọt. Vì nhà nghèo không có tiền đi viện nên mọi người ai cũng nghĩ Nai không qua khỏi. Dặt dẹo sống, thế rồi Nai cũng qua cơn bạo bệnh nhưng thỉnh thoảng lại bị co giật. Học hết lớp 4 thì Nai nghỉ ở nhà vì sức khỏe yếu. “Nó cũng lớn lên nhưng không được khôn ngoan như người ta. Nghỉ học ở nhà nó cũng không làm được gì. Những lúc lên cơn thì lại ngơ ngẩn đi khắp làng” - bà Hòa kể.
Hai lần mất tích
Năm 1978, mẹ bà Hòa mất vì bệnh tật. Năm năm sau bố bà cũng mất. Dù đã lấy chồng nhưng bà Hòa đành ôm hai con nhỏ về nhà ngoại để làm lụng nuôi ba đứa em. “Ngày đấy chị em tôi khổ lắm, làm mãi cũng không đủ ăn. Năm nào cũng nợ thóc hợp tác xã. Nợ mãi không trả được, cán bộ xã vào nhà bắt nợ nhưng nhìn thấy cảnh mấy chị em đói khổ trong căn nhà vách đất, mái dột thủng lỗ chỗ nên cũng ngán ngẩm quay đi”.
Cuối năm 1986, bỗng nhiên Nai phát bệnh nặng, thường xuyên đập phá, có lúc còn đánh mấy chị em. Thương em gái không được khôn ngoan, bà Hòa một mình làm mọi việc, sáng ra ruộng, chiều đi đặt đơm bắt cá, mò cua để ngày kiếm hai bữa cơm nuôi con nhỏ và nuôi em. “Một hôm đi làm về tôi bàng hoàng vì không thấy em gái đâu. Cứ nghĩ nó đi lang thang trong làng nhưng tìm mãi không thấy. Đời tôi sao lúc đấy cơ cực quá, khổ đủ đường. Làm không đủ ăn nhưng vẫn phải cố dành dụm tiền đi kiếm em mà kiếm hoài không thấy” - bà Hòa nhớ lại.
Sau gần một năm biệt tích, cuối năm 1987 Nai trở về nhà với trí óc ổn định hơn nhưng sức khỏe thì tàn tạ. Những ngày mất tích không ai biết Nai sống ở đâu, làm gì nhưng khi về trên mặt có một vết thương to bằng nửa bàn tay, thịt bị hoại tử thối rữa, lở loét lan ra tận mang tai. “Về làng nó chẳng dám ra ngoài vì mặc cảm. Lúc đấy nhà vẫn nghèo lắm, nghèo nhất nhì làng. Có hôm đói, cứ buổi tối lại phải ra đồng mót khoai để hôm sau chị em có cái ăn” - bà Hòa kể. Ở nhà được gần một năm, bệnh tình của Nai thuyên giảm. Cứ ngỡ cuộc sống cứ thế trôi đi, dù nghèo khó nhưng có chị có em đùm bọc nhau. Nhưng cuối năm 1988, một lần nữa Nai đi biệt tích không để lại lời nhắn. Tưởng là em gái đi lang thang như lần trước rồi lại về nhưng đã gần 30 năm bà Hòa chưa nhận được tin tức gì về em gái.
Bà Hòa thắp nén nhang cầu khấn cho em được an toàn và sớm trở về.
Cạn nước mắt ngóng tin em
“Lúc nó mới đi đêm nào tôi cũng khóc. Đợi một ngày, hai ngày, rồi một tháng, một năm... vẫn không thấy nó về. Không biết nó đi lang thang hay bị lừa bán đi đâu. Lo cho em nhưng nghèo quá, anh em không có nên tôi đành bất lực” - bà Hòa rưng rức. Bà Hòa kể dù cố gắng nghe ngóng nhưng không nhận được một chút thông tin hay manh mối nào về em gái.
Ông Phạm Văn Quy, trưởng thôn Kiến Phong, cho biết Nai mất tích khoảng cuối năm 1988. Khi ấy ông Quy đang là đội trưởng đội sản xuất số 4 tại Kiến Phong (ngang với trưởng thôn bây giờ - PV). Ông Quy kể ngày ấy cả thôn ai cũng thương gia đình nhà bà Hòa vì bố mẹ mất sớm, mấy chị em vất vả sống nuôi nhau trong nghèo khó. Theo ông Quy, khi Nai mất tích gia đình không báo chính quyền vì cứ nghĩ em gái bỏ đi lang thang như mọi lần. Khi chính quyền thăm hỏi thì cả thôn cũng không ai biết Nai đi đâu, sống ở đâu.
Mừng rơi nước mắt
Sau khi nhận được thông tin em gái vẫn còn sống và đang lưu lạc ở Phúc Kiến, Trung Quốc, bà Hòa mừng rơi nước mắt. Khi phóng viên mở máy tính cho xem bức ảnh em gái mình đang trong bệnh viện ở Phúc Kiến, bà Hòa mím chặt môi lại, những nếp nhăn run lên bần bật. “Đúng em gái tôi rồi... em gái tôi đây. Nó già và tiều tụy nhiều quá nhưng nét mặt vẫn giống y ông ngoại nhà tôi. Nó đang trong bệnh viện phải không? Trời ơi... sao em tôi khổ quá” - bà khóc nấc.
Bà Hòa kể vì nghèo quá nên gia đình không có một tấm ảnh nào của em gái. Đồ vật của Nai để lại khi đi chỉ là mấy bộ quần áo cũ nhưng giờ cũng không còn. Điều kiện kinh tế gia đình bà Hòa bây giờ khá hơn trước nhưng vẫn thuộc diện hoàn cảnh khó khăn. Hiện bà Hòa đang sống cùng con trai út trên mảnh đất mà bố mẹ để lại.
Vừa mừng rơi nước mắt khi nhận được thông tin về em gái, bà Hòa lại lo lắng: “Chỉ mong được đón em về nhưng mẹ con tôi nghèo lắm, làm cách nào giờ nhà báo ơi? Nó về đây ở với mẹ con tôi, tôi còn sống ngày nào thì không để nó đói. Ngày trước khổ thế còn không chết, giờ về đây có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Đón được nó về tôi có chết cũng an lòng...”.
Ba cô dâu Việt sẽ sớm được đoàn tụ gia đình
Đây là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Vinh - công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh - với Tuổi Trẻ. Ông Vinh cho biết đại sứ quán đang làm tất cả thủ tục cần thiết trong thời gian sớm nhất để các cô có thể về nước, đoàn tụ gia đình. Cụ thể sau khi đại sứ quán gửi công hàm, hiện Công an Phúc Kiến cho biết đang xác minh các thông tin về trường hợp của Tô Thị Hà và Trịnh Thị Hoa (quê Bắc Giang).
Riêng về trường hợp của cô Mai Thị Sự ở Hải Phòng, sau khi nhận được thông tin xác minh của Tuổi Trẻ, chiều 23-12 Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã chuyển thông tin cho Cục Lãnh sự và có công văn cụ thể yêu cầu xác minh trong sáng nay (24-12). Ông Vinh cho biết trường hợp của cô Mai Thị Sự rất đặc biệt nên đại sứ quán ngoài việc xúc tiến nhanh về thủ tục có thể sẽ hỗ trợ cả tài chính cho cô Sự về nước. Thông qua báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Vinh muốn gửi lời trấn an đến các gia đình của ba cô dâu Việt Nam hãy yên tâm đợi ngày con em mình được trở về đoàn tụ. Ông Vinh khẳng định phía Công an Phúc Kiến từng hỗ trợ nhiều trường hợp tương tự. Sau khi có xác minh từ phía Công an Phúc Kiến và trong nước gửi sang, đại sứ quán sẽ cấp giấy thông hành. Sau đó Công an Phúc Kiến sẽ đưa các nạn nhân về đến cửa khẩu với Việt Nam và thông báo thời gian cụ thể để gia đình và cơ quan chức năng phía Việt Nam ra đón.
“Dự kiến nhanh nhất khoảng 15-20 ngày là mọi thủ tục sẽ xong và các cô có thể về nước” - ông Vinh nói.
VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (từ Phúc Kiến, Trung Quốc)
Theo Tuổi trẻ

No comments:

Post a Comment