Ngọc Linh Lan
(VNTB) – Cùng tường thuật một nội dung hội nghị sơ kết, có báo thì khen, có báo lại chê…
“Thủ tướng: Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đại tướng Tô Lâm trong xây dựng Đề án 06”, là tựa của bài báo trên tờ Người Lao Động, phát hành phiên bản điện tử lúc 12:24 ngày 10-6-2024.
Cùng tường thuật về nội dung hội nghị này, báo Tuổi Trẻ có bài “Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất sửa loạt vấn đề ‘nóng’ về dịch vụ công trực tuyến”, phiên bản điện tử phát hành xê xích thời gian ít phút lúc 12:26 ngày 10-6-2024.
Chủ quản của Người Lao Động là Thành ủy TP.HCM, của Tuổi Trẻ là Thành đoàn TP.HCM.
Tờ Người Lao Động viết: “Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 2 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, quan trọng của Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06. “Xin chúc mừng hai đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao trọng trách cao hơn” – Thủ thủ tướng bày tỏ.
Lời khen này vào lúc 9:19 sáng 10-6-2024 cũng được Cổng thông tin điện tử chính phủ trích dẫn tô đậm để nhấn mạnh lòng tri ân Đại tướng Tô Lâm cùng Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.
Lời cảm ơn này nếu độc giả đọc sang tờ Tuổi Trẻ sẽ thấy có độ chênh, khi “Về dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn chứng với 2 nhóm thủ tục liên thông “khai sinh – khai tử” chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện 2 nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính của TP.HCM, về thu thập dữ liệu công dân, một số trường hợp nhân khẩu có giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh theo điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, do đó không thể cập nhật trường thông tin “quốc tịch” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an trao đổi các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp khi người dân nộp hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương bằng tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, trên môi trường điện tử từ 1-7 theo chủ trương của Chính phủ thì không cần phải ký số điện tử.
Cần lưu ý là từ Luật Cư trú cho đến văn bản nghị định hướng dẫn thi hành luật này đều do Bộ Công an chấp bút soạn thảo, Quốc hội và chính phủ chỉ là nơi ký ban hành theo trình tự thủ tục. Do vậy ý kiến đóng góp của Chủ tịch UBND TP.HCM giúp gián tiếp có thể hiểu về trách nhiệm công vụ ra sao của quan chức từng được giao là Tổ trưởng và Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06.
Ngay cả tên gọi của hội nghị cũng cho thấy mức độ hài lòng ra sao từ phía chính phủ: “Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế”.
Với Bộ Công an ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần “khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành nghị định hướng dẫn một số điều của luật Căn cước. Thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân”.
Trước khen ngợi, và sau đó “góp ý” của Thủ tướng Phạm Minh Chính có lẽ là cách nói của “bằng mặt” nhưng không mấy…. “bằng lòng” (!?).
No comments:
Post a Comment