Tuesday, June 11, 2024

Tôn giáo lạ ở tỉnh Long An

 

VNTB – Tôn giáo lạ ở tỉnh Long An

Hùng – Sơn

(VNTB) – Danh xưng là “Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu” nhưng nơi đây lại dáng dấp của một tôn giáo lạ.

Theo tự giới thiệu thì pháp môn thứ 6 của Đức Phật Thích Ca đã bí mật truyền lại cho thời văn minh ngày nay, và chùa Thiền Tông Tân Diệu vinh dự được nhận nhiệm vụ công bố pháp môn này cho nhân loại biết.

“Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu chuyên phổ biến pháp môn thiền tông, (tức Như Lai thanh tịnh thiên của Đức Phật bí mật truyền theo dòng thiền tông, nơi giải thích được tất cả những lời của Đức Phật dạy” là nội dung của tấm bảng lớn treo trên cao của cổng bước vào nơi gọi là chùa Tân Diệu, tại địa chỉ 273 Ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trên trang web được cho là của Trung tâm tin tức HTV Đài Truyền hình TP.HCM đăng hôm 21-11-2023 thì – trích nội dung bài báo với nhiều chi tiết nhầm lẫn: “Vào ngày 14-5-2017, tại chùa Thiền Tông Tân Diệu, chính quyền tỉnh Long An và Hội đạo Phật đã cấp phép cho công bố quyển Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền Tông do soạn giả Nguyễn Nhân biên soạn.

Nhờ có những nét đặc trưng này, nên vào tháng 12-2019, chùa Thiền Tông Tân Diệu được:

– Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương, chứng nhận chùa là “Không gian Văn hóa Tâm Linh” và kết nạp chùa làm thành viên của Hội.

– Hội Di Sản Văn hóa Việt Nam trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương cho chùa và công nhận chùa là Di sản Văn hóa của Dân tộc.

Đồng thời, chùa Thiền Tông Tân Diệu góp phần giảm bớt sự mê tín dị đoan nơi người dân. Phù hợp với con đường của Đảng và Nhà nước đang hướng tới: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Bài báo trên sở dĩ được cho rằng có nhiều chi tiết không đúng sự thật, vì về mặt pháp lý, Việt Nam không có tổ chức nào gọi là “Hội đạo Phật”, và Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì không có chức năng về thẩm quyền cho “công nhận chùa là Di sản Văn hóa của Dân tộc”.

Theo tìm hiểu của nhóm thực hiện bài viết này thì về pháp lý, chùa Tân Diệu được UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 2217/QD-UBND, ngày 13-9-2006, với diện tích ở hai thửa đất 963 và 964 là 282m2, tên sử dụng là pháp nhân chùa Tân Diệu.

Chùa Tân Diệu có nguồn gốc do ni sư Thích Nữ Đức Thảo thành lập năm 1956. Sau khi ni sư viên tịch (1972), chùa do người con của cố sư cô là ông Nguyễn Công Nhân (sinh năm 1938) quản lý đến nay với tư cách là chùa gia tộc.

Ông Nguyễn Công Nhân, theo giấy tờ quản lý hành chính thì thường trú tại quận 3, TP.HCM, và thường lui tới chùa Tân Diệu sinh hoạt tín ngưỡng. Con dấu của chùa do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ của tỉnh Long An cất giữ.

Khoảng từ năm 2000 đến 2009, theo lời mời của gia tộc, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, Ban Đại diện Phật giáo huyện Đức Hòa lần lượt cử 2 sư cô và 3 đại đức về quản lý chùa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị liên quan đến gia tộc nên các vị tăng ni được cử đến đều phải rời khỏi đây.

Pháp lý về xuất bản các ấn phẩm tôn giáo do ông Nguyễn Công Nhân biên soạn, theo ghi nhận của nhóm thực hiện bài viết này thì đều mang tính hợp pháp, với hơn mười mấy đầu sách của tác giả Nguyễn Công Nhân được các nhà xuất bản Tôn giáo, Hồng Đức và Văn Hóa – Văn Nghệ TP.HCM cấp phép.

Trên trang web chùa Tân Diệu đã đăng một lá thư của ông Nguyễn Công Nhân khẳng định rằng ông hoàn toàn tôn trọng, và tuân thủ theo đúng quy định luật pháp về xuất bản ấn phẩm tôn giáo.

Hiện tại thì cá nhân ông Nguyễn Công Nhân tự xưng là Viện chủ Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu. Trong nội dung lá đơn gửi ngày 14-5-2019 gọi là “xin Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ (1917- 2021) – Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, xác nhận chùa Thiền Tông Tân Diệu không còn là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nữa, để hoạt động theo Luật số 02 – Luật tín ngưỡng và tôn giáo của Quốc hội”, do ông Nguyễn Công Nhân soạn gửi.

 video phát hành hôm 3-6-2024 trên kênh youtube Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu, người xem không khó để nhận ra đây là một kịch bản được dàn dựng mang màu sắc pha trộn giữa Phật giáo – thần giáo với những lý thuyết vẻ ngoài của khoa học huyền bí.

Nếu so với cách thức tu hành của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền viện Bên Bờ Vũ Trụ” cũng ở huyện Đức Hòa, Long An, thì với “Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu” có đầy đủ sắc màu của một tôn giáo lạ đầy huyền bí, nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

No comments:

Post a Comment