Tuesday, June 11, 2024

Nhìn lại những xáo trộn trên thượng tầng Ba Đình: Việt Nam sẽ đi về đâu?

 Blog VOA

Hoàng Trường

10-5-2024

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, Hà Nội, ngày 22/5/2024. Nguồn: Pham Trung Kien/ VNA via AP

Dích dắc ‘xây thành đắp lũy’

Một cuộc ngã giá vô tiền khoáng hậu. Theo nguồn tin nội bộ, chấp nhận ghế Chủ tịch nước (CTN) ngày 22/5/2024, Tướng Tô Lâm đã đặt điều kiện với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) và Trung ương đảng (TƯ), phải bầu bổ sung hai tướng ba sao của ông là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, đều là dân gốc Hưng Yên, vào Bộ Chính trị (BCT). Nhưng rồi ‘mộng đẹp không thành’, Tô Lâm ‘đành cài số lùi’.

Hôm 6/6, khi Quốc hội bấm nút chấp thuận tướng Quang vào ghế Bộ trưởng Công an (BTCA), cũng là lúc Tô Lâm cho CO3 ra tuyên bố công khai: Cơ quan An ninh BCA chấm dứt điều tra giai đoạn 2 vụ án hình sự Vạn Thịnh Phát (1). Vậy là, Lê Minh Hưng, tân Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (CVPTƯ) – người từng đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vào những năm Trương Mỹ Lan ‘múa gậy vườn hoang’ giữa Đô thành, gây thiệt hại cho người dân khoảng 30.869 tỷ VND – có khả năng sẽ thoát nạn.

‘Bánh ú trao đi bánh chì trao lại’. Người của Tô Lâm ‘ấm ghế’ ở TƯ để hy vọng vào BCT nay mai, thì ngay lập tức Lê Minh Hưng, trong cùng ngày 6/6 ‘gần như khỏi lo’ bị điều tra ngược. Không cần trở thành Ủy viên BCT, chỉ là ‘phó thường dân dự khuyết’ cũng biết được, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn một mình không thể nuốt trôi 5,2 triệu USD do Trương Mỹ Lan lại quả.

Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đã không gom đủ số phiếu tại Hội nghị Trung ương 9 (2). Tô Đại tướng đành quyền biến, ‘lùi một bước tiến hai bước’ khá ngoạn mục. Ngày 3/6, Tô Lâm tạm thỏa mãn ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (CVPTƯĐ) đối với Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, để ngày 6/6 vừa qua, ông đạt được đòi hỏi thứ hai, tức là gần như 100% Quốc hội bầu Thượng tướng Lương Tam Quang vào ghế BTCA.

Trong Hội nghị TƯ-9, ‘tâm phúc’ của Tô Đại tướng chưa dành ngay được hai vị trí trong BCT, nhưng với ghế CVPTƯĐ và BTCA, tương lai Ngọc và Quang vào BCT vẫn chưa hết hy vọng. Chậm nhưng chắc, theo bước chân của người tiền nhiệm Lê Minh Hưng, trước mắt, tướng Ngọc sẽ được vào Ban bí thư. Cuộc ngã giá của tân CTN đã buộc TƯ và BCT phải chấp thuận cho các thủ túc của ông ‘gác cửa’ ở Trung ương Đảng và thay ông ‘trông coi’ BCA. Đối với tân CTN, đây là thành công bước đầu ngoạn mục, mặc dầu để cài tiếp hai ‘đệ tử của mình’ ở BCA leo tiếp trên các nấc thang quyền lực vẫn còn là một tương lai bất định.

BCT lúc đầu vốn quan ngại vây cánh của Tô Lâm quá mạnh trong TƯ và BCT nên chưa đồng thuận cho hai Thượng tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang vào BCT ngay trong đợt bầu bổ sung tại Hội nghị TƯ-9. Nhưng với kế hoạch ‘bao vây’ và ‘đánh lấn’ của Tô Lâm, TBT Nguyễn Phú Trọng cuối cùng cũng đã thúc thủ. Tại phiên họp Quốc hội (QH) hôm 6/6, tân CTN Tô Lâm, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đã đề nghị QH phê chuẩn cho tướng Lương Tam Quang làm thành viên Hội đồng. Và QH đã biểu quyết thông qua đề nghị này với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành (3).

Trước mắt, tướng Quang và tướng Ngọc sẽ phục vụ hết nhiệm kỳ của ông Tô Lâm đến năm 2026. Nếu Quang không ‘leo’ được tiếp lên BCT, ông sẽ kết thúc cuộc đời binh nghiệp ở tuổi 61 vào tháng 1/2026. Dẫu sao Tô Đại tướng cũng đã ép được BCT và TƯ chấp thuận kế hoạch ‘xây thành, đắp lũy’ của mình. Bố trí xong hai ghế CVPTWĐ và Bộ trưởng BCA cho Ngọc và Quang, vốn là các thủ túc thân tín của ông. Ngay từ đầu, Đại tướng Tô Lâm không giấu giếm, đó là các điều kiện tiên quyết để ông chấp nhận rời ghế BCA sang ngồi vào ghế CTN.

Liệu có ‘cái chết trên chấm phạt đền’?

Giới bình luận quốc tế đánh giá, các điều kiện tiên quyết của Tô Lâm áp đặt lên BCT thực chất là một cuộc chính biến (coup d’etat) hoàn hảo (4). Tô Đại tướng đã hành động ‘tréo ngoe’ so với Hiến pháp, cũng như Đảng chế xưa nay. Mọi quyết sách lớn về nhân sự trên thượng tầng Ba Đình thường là do BCT thiết kế, sau đó TƯ và QH chỉ bấm nút triển khai thực hiện. Đằng này, vừa qua, bằng một Hội nghị bất thường để lấy phiếu tín nhiệm từ cơ sở cho điều gọi là ‘kiện toàn vị trí BTCA’, Tô Lâm trên thực tế đã vô hiệu hóa quyết định trước đó của Chính phủ để Trần Quốc Tỏ ‘điều hành BCA’, áp đặt luôn kết quả bỏ phiếu để đưa Quang vào vị trí làm ‘bàn đạp’ chuẩn bị ‘nhảy lên’ BCT về sau.

Điều này liệu có thể diễn ra, khi mà tân Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa đủ điều kiện ‘trọn một khóa’ TƯ và cũng chưa từng qua một khóa công tác ở cấp tỉnh? Nhưng với ‘tả phù hữu bật’, với ‘thế chẻ tre’ trên bàn cờ chính trị Ba Đình (5), Tô lâm đã ‘xây thành đắp lũy’ thành công mà không sợ các thế lực khác ‘đánh úp’ khi ông buộc lòng phải ‘buông’ ghế BTCA để tính chuyện được ‘hưởng suất đặc biệt kéo dài tuổi hưu’ tại Đại hội 14 vào tháng 1/2026. Giới quan sát chính trị Hà Nội đang đặt vấn đề: Nếu một khi có ‘cái chết trên chậm phạt đền’, Tô Lâm có đủ quyền bính để gộp CTN với TBT làm một?

Trong một bài viết súc tích trước khi bị bắt hôm 1/6/2024, nhà báo Huy Đức đã mô tả về cái chết của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Huy Đức có ý đổ trách nhiệm cho TBT Trọng trong việc ông có vẻ lấn át bộ máy quản trị bên chính phủ, chỉ tập trung ‘gia cố’ hệ thống các Ban bên Đảng (6). Thật ra cuộc tranh giành lúc ngấm ngầm, lúc công khai giữa ‘cung Vua’ và ‘phủ Chúa’ ở Ba Đình khi nhân loại đã đi được một phần tư thế kỷ 21, có lẽ là một trong những chương đen tối của lịch sử ĐCSVN. Ở một đất nước ‘luật pháp có cũng như không’, gần một tuần lễ trôi qua, người dân và cả hệ thống truyền thông ‘lề đảng’ vẫn chưa biết, Huy Đức đã ‘bị bốc hơi’ cách nào. Mãi đến cách đây vài ngày mới có tin chính thức Huy Đức bị bắt về tội “lợi dụng tự do, dân chủ.”

Trong khi đó thì tình hình tham nhũng đã tồi tệ đến mức, như một bình luận trên RFA cũng vào ngày 6/6, giới lãnh đạo không thể công khai trước toàn dân về trách nhiệm giải trình. Người dân đứng ngoài ‘trò chơi cung đình’, trong đó sự tranh giành quyền lực và thanh trừng nội bộ ở thượng tầng đang diễn ra khốc liệt. Trong vòng hơn một năm tính từ đầu 2023 đến thời điểm hiện nay, hàng tá các Ủy viên BCT, các Phó thủ tướng, bộ trưởng và nhiều quan chức cao cấp khác bị ‘ngã ngựa’ dưới các hình thức khác nhau… (7)

Trong một nghiên cứu được trao giải quốc tế từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, các học giả về Việt Nam đã tiên đoán về sự ‘tắc tử’ của hệ thống pháp quyền XHCN và sự lên ngôi của chế độ độc tài công an trị. Có một số kịch bản phát triển khả dĩ cho Hà Nội như sau: Thứ nhất, ĐCSVN tiếp tục theo con đường hiện tại, từ chối thực hiện các cải cách chính trị và quản trị triệt để hơn và tránh xa thực hành đa nguyên chính trị. Trong trường hợp này, tham nhũng có thể sẽ trở nên lan tràn và gây tổn hại nghiêm trọng hơn và các phe phái cùng các nhóm lợi ích sẽ gây thêm nhiều tổn hại hơn nữa. Một sự phát triển như vậy sẽ dẫn đến sự mất hoàn toàn tính hợp pháp của Đảng Cộng sản.

Thứ hai, ĐCSVN bám giữ chế độ ‘đảng trị’ duy nhất bằng mọi giá và chỉ thực hiện các cải cách phi chính trị. Trong tình huống ấy, thời gian trước khi mất tính hợp pháp có thể kéo dài và Việt Nam sẽ trở thành một loại hình nhà nước cảnh sát toàn trị.

Thứ ba, Việt Nam tiến tới đa nguyên chính trị mà không có bất kỳ cải cách toàn diện nào. Trong trường hợp ấy, sự phát triển của Việt Nam sẽ càng khó dự đoán hơn và sẽ gặp nhiều hỗn loạn và bất định phía trước (8).

Tham khảo:

(1) https://www.vietnamplus.vn/giai-doan-2-vu-an-van-thinh-phat-de-nghi-truy-to-34-bi-can-ve-3-toi-danh-post957512.vnp

(2) https://www.voatiengviet.com/a/trung-uong-9-buoc-ngoat-hay-ngo-cut-/7617585.html

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tan-bo-truong-bo-cong-an-luong-tam-quang-duoc-quoc-hoi-giao-trong-trach-moi-119240606165255555.htm

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/video?v=1_0y3gsfco

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-and-his-bamboo-splitting-power-in-the-vietnamese-political-chessboard-06062024082652.html

(6 và 7) https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-huy-duc-van-mat-tich-sau-khi-bi-co-quan-chuc-nang-dua-di/7645709.html

(8)https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/migration/vn/25529_1_Institutional_Reforms_Final__V_.pdf

Bình luận về việc sư Thích Minh Tuệ nhận Căn Cước Công Dân

 Thái Hạo

Theo clip từ công an Gia Lai, công dân Lê Anh Tú (sư Minh Tuệ) đã có Căn cước Công dân. Vậy, từ nay ông có quyền đi lại, sinh sống, tu hành theo ý muốn cá nhân, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Không ai được nại ra bất kỳ lý do gì để cản trở, hạn chế hoặc chi phối đến ông. Đó là tôn trọng pháp luật và các quyền của người dân được quy định trong hiến pháp.

Chú thích clip của Công an Gia Lai: “Công dân Lê Anh Tú (tên gọi khác “Minh Tuệ”) nhận Căn cước công dân”. Nguồn: Công an tỉnh Gia Lai

Tuy nhiên, như tôi cũng đã nhiều lần nói, sư Minh Tuệ chỉ có thể tiếp tục bộ hành khất thực như 6 năm trước khi người dân không còn bám theo ông như thời gian vừa qua. Nếu tò mò hay ngưỡng mộ, chỉ đứng yên bên đường mỗi khi ông đi ngang. Nếu người dân đi theo mà vi phạm pháp luật (ví dụ đi sai làn đường) thì phạt theo luật định. Từ nay, công dân Lê Anh Tú cũng có quyền từ chối việc người khác sử dụng hình ảnh ông nếu ông không muốn.

Khi mọi thứ đã được tuân thủ, cá nhân tôi ủng hộ mọi lựa chọn của sư. Nhưng, trong hoàn cảnh này, tôi thích sư tịnh tu hơn.

***

Dương Quốc Chính: Trong video của Công an Gia Lai về việc công dân Lê Anh Tú đi lấy Căn Cước Công Dân (CCCD) có đoạn thấy nền phía sau có vật trắng trắng giống như rễ cây trong video của VTV.

Từ đó có thể suy đoán là đoạn video có gốc cây sơn trắng mà VTV đã phát là do Công an Gia Lai cung cấp cho VTV. Có cắt ghép hay không không quan trọng nhé. Chỉ biết là từ một nguồn thôi.

Vậy nên khả năng lớn là Công an Gia Lai đang quản lý thầy Minh Tuệ, quản cách nào thì không rõ, vì đoạn video lúc lấy CCCD thì rõ là dàn dựng, dân ngồi chờ quá ít (chắc toàn công an cả?!) mà thực tế đi lấy CCCD mà có sếp thượng tá CA ra tuyên truyền cồng kềnh quá. Người ta làm xong CCCD rồi chỉ đến lấy thôi thì tuyên truyền làm gì?

Mà sếp tuyên truyền buồn cười vãi, ý là CCCD này để đi máy bay sang Ấn Độ và dùng làm thẻ… bảo hiểm y tế! Chính ra đại gia nào mua bảo hiểm cho ông Minh Tuệ này có khi lại hay! PR hoành tráng. VietJet Air nên tài trợ thầy qua Ấn Độ du lịch nữa.

Bây giờ công an làm cho ông ấy cái hộ chiếu để ông ấy tự cuốc bộ qua Ấn Độ là đỡ mất công canh. Đi thế cũng phải mất mấy năm mới về được. Ông ấy đang mong được đi vậy mà. Nên nếu công an tạo điều kiện vậy là trọn nghĩa vẹn tình. “Thế nực thù đ!t” không có cớ gì để bôi nhọ đường đối chính sách của đảng và nhà nước. Nhân dân muốn tụ tập đông người đảnh lễ thì chịu khó sang Lào, Myanmar, Ấn Độ. 

9-6-2024

Dương Quốc Chính: VTV vừa thêm video có cảnh phóng viên Liên Liên ngồi cạnh để phỏng vấn ông Minh Tuệ, nhưng bao cảnh là khác với video hôm qua. Nên khả năng bao cảnh hôm qua đã được độ chế là cao. Bao cảnh hôm nay thì nhìn khá là thật.

P/S 1: Mình phỏng đoán đầu đuôi là do thế này:

Video hôm qua là hai đoạn nối vào nhau. Đoạn quay ông Minh Tuệ do nhóm khác quay, có thể đã cắt ghép nền, có thể là nguyên thô, rồi gửi cho VTV làm tin. VTV thì không cử phóng viên đến hiện trường, có thể do lười đi xa, có thể do bên kia không muốn lộ vị trí ông Minh Tuệ nên mới dựng cảnh phỏng vấn ông Minh Tuệ rồi ghép hậu cảnh được làm mờ, cho đỡ lộ chuyện bên trên.

Sau khi phát sóng, cộng đồng mạng chỉ ra các chỗ bất hợp lý, nên VTV sợ mang tiếng, mới lật đật cho phóng viên đi phỏng vấn ông Minh Tuệ thật, coi như sửa sai, để tin có tính xác thực hơn. Đó là lý do phóng viên Liên Liên mặc hai cái áo khác nhau. Làm gì có chuyện nhà đài rảnh háng đi quay hai lần có mỗi mẩu tin để phát sóng hai lần với nội dung quá đơn giản. Cũng chả có phóng viên nào rảnh đi thay áo trong một lần phỏng vấn ngắn và lại chọn hai bối cảnh khác hẳn nhau như vậy khi quay có mấy phút video.

 

Video thứ hai này nhìn thực hơn hẳn cái hôm qua, đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng mạng. Tuy hai người có gặp nhau tại một nơi có vẻ hoang vắng, cũng không thể phủ nhận khả năng ông Tuệ đang bị kiểm soát (quản thúc, giam lỏng).

Với mình thì việc giam lỏng này cũng không lạ và cũng không có gì ghê gớm lắm và vẫn tin là ông ấy được đối xử tử tế. Nếu không quản kiểu đó thì sớm muộn ông Tuệ cũng bị người dân tìm ra. Bây giờ đâu dễ tìm được chỗ tu nào mà hoàn toàn hoang vắng, nếu có lính gác thì dân mới không tìm được ông ấy thôi.

Lưu ý là trước giờ, công an chưa bao giờ phủ nhận rằng họ đã can thiệp để giải tán nhóm Minh Tuệ, họ chỉ nằng nặc rằng ông Minh Tuệ tự nguyện ẩn tu.

Mình viết cụ thể để mấy ông bò đỏ, thiện lành, đầu óc hạn chế vào gáy là VTV bẫy “phản động” việt vị. Ngược lại, VTV đang phải chạy đi sửa sai cho cách làm tin của mình để cứu vãn uy tín cho đài.

P/S 2: Về cái cây biến mất, mình không cho là họ fake. Thứ nhất là việc đó không cần thiết, không có lý do để xóa cây đi, cũng không có lý do để cắm cây vào (nếu bối cảnh gốc không có). Thứ hai là dân chụp ảnh/ quay phim đều hiểu là có thể chỉnh lại được khuôn hình (loại cái cây ra) bằng cách chỉnh góc máy, zoom cận cảnh. Thực tế là góc máy hạ thấp và zoom lại gần. Nhìn cái cây sát trước ông Minh Tuệ nó cao lên là do cam hạ thấp xuống đó.

Nói chung bao cảnh này khó fake vì các lớp cây ở tiền cảnh và hậu cảnh. Thường nếu chỉ có hậu cảnh thì dễ cắt ghép hơn là có cả cây tiền cảnh nó che lên vật thể chính (là hai người). Làm ảnh thì khéo vẫn có thể xử được, nhưng làm video thì khó hơn rất nhiều.

Mình nghĩ bao cảnh vô thưởng vô phạt, không có đặc điểm nhận dạng rõ ràng như thế này thì người ta không cần fake thêm làm gì cả.

Thế nên mình nghĩ bao cảnh này khả năng cao là thật.

Cá nhân tôi chỉ muốn tất cả các bên tôn trọng luật pháp, cả phía chính quyền, công dân Lê Anh Tú và người dân. Lúc đó mọi chuyện sẽ vào nề nếp.

Và cũng lúc đó, ông chọn đi tiếp hay tịnh tu cũng sẽ là tự nguyện (đúng nghĩa), và hoàn toàn là quyền của ông, phải được tôn trọng.

Việt Nam đang trở lại thời bao cấp

 

VNTB – Việt Nam đang trở lại thời bao cấp

Dân Trần

(VNTB) – Gần 40 năm sau khi thực hiện đổi mới 1986, nhà cầm quyền lại từng bước muốn điều hướng nền kinh tế quay trở lại thời bao cấp

Năm 2020, người dân xếp hàng chờ mua khẩu trang. Qua 2021, người người nhà nhà lại xếp hàng chờ chọc mũi test covid19. Tới 2022 thì dân xếp hàng chờ mua xăng. Rồi 2023 người có xe hơi lại xếp hàng chờ đăng kiểm, vì các cán bộ đăng kiểm bị bắt giam gần hết, ít ai dám làm đăng kiểm nên người dân phải xếp hàng chờ tới lượt. Sang năm 2024 thì mới đầu năm là dân miền tây đã xếp hàng xin nước từ thiện, giữa năm thì nhân dân cả nước lại xếp hàng chờ mua vàng.

Xếp hàng mua đồ là một văn hoá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới và không cần phải nói. Nhưng xếp hàng ở Việt Nam bây giờ lạ lắm. Những năm trước mua khẩu trang, test covid, mua xăng hay chờ đăng kiểm thì chỉ là xếp hàng đợi tới lượt. Năm nay xếp hàng mua vàng thì khác.

Chỉ trong nửa năm nay, ngân hàng nhà nước (NHNN) liên tục ban hành nhiều quy định mới về việc quản lý vàng miếng. Cứ tưởng như là bình ổn, nhưng càng sửa càng sai, càng làm giá vàng nhảy múa chóng mặt. Ví dụ như ngày 02/01, ra quyết định 02 sửa đổi bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN. Trước đó, 4 ngày, ngày 28/12/2023, NHNN có công văn số 10064 về tuân thủ pháp luật phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Theo đó, giao dịch mua bán vàng nào từ 400 triệu đồng trở lên là phải chứng minh tài chính, sao kê thu nhập 6 tháng gần nhất, báo cáo NHNN…

Rồi sau đó, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú lại tung tin là sẽ sửa đổi nghị định 24 trong việc độc quyền vàng miếng của SJC. Đầu tháng 6 này thì tiếp tục ban hành quyết định sửa đổi bổ sung một số điều trong Quy trình mua bán vàng miếng. Và đồng thời ra quyết định 563 về quy trình mua bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu giữa NHNN với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp…

Chính sách mua bán vàng thay đổi liên tục thì hỏi tại sao lòng dân không hoang mang. Tạo điều kiện cho việc đầu cơ tích trữ vàng. Nhưng đồng thời cũng cho thấy xu hướng điều hành thị trường của cơ quan nhà nước đang có dấu hiệu quay trở lại thời bao cấp. Khi có dấu hiệu tập cho người dân quen với việc xếp hàng mua vàng theo số lượng giới hạn, giống như hình thức phân phối hàng hóa kiểu tem phiếu thời bao cấp.

Nhắc lại một chút về thời kỳ kinh tế “kế hoạch hoá” giai đoạn 1976-1986. Các doanh nghiệp tư nhân bị loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó nhà nước nắm toàn quyền điều hành, phân phối hầu hét các loại hàng hoá. Hạn chế trao đổi bằng tiền mặt và cấm tuyệt đối chuyện người dân tự do mua bán trên thị trường. Cùng với đó là việc thiết lập chế độ hộ khẩu, phân phối lương thực theo đầu người.

So sánh với việc điều hành thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua, thì có thể thấy không khác gì mấy thời bao cấp. Một giai đoạn đói khổ cùng cực của người dân với các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền. Chính vì sai nên mới có câu chuyện “Đổi mới 1986” để xây dựng nền kinh tế thị trường. Mặc dù vẫn còn cô gắng “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho nền kinh tế, nhưng Đổi mới 1986 đã là một chuyển biến tích cực đem lại nhiều bức phá đáng khích lệ cho Việt Nam sau những tháng ngày dài tăm tối.

Vậy mà bây giờ, gần 40 năm sau khi thực hiện đổi mới, nhà cầm quyền lại từng bước muốn điều hướng nền kinh tế quay trở lại thời bao cấp, thì hệ luỵ lâu dài sẽ như thế nào, chắc không cần phải nói. Đảng cộng sản đã bao nhiêu năm nay bền bỉ xin Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vậy mà trong nước lại có dấu hiệu quay trở lại thời bao cấp, tem phiếu, thao túng giá vàng, giá tiền tệ, tăng cường mức độ kiểm soát thị trường vàng cũng như các mặt hàng thiết yếu…

Đây không khác gì chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”, khi mà bên ngoài thì muốn được công nhận là tự do kinh tế, còn trong nước thì kiểm soát khắt khe. Có lẽ Hà Nội quá coi thường các quan chức Hoa Kỳ, và có ý định qua mặt đối tác như họ vẫn thường làm từ trước tới giờ.

Vừa đấm vừa xoa

 

VNTB – Vừa đấm vừa xoa

Ngọc Linh Lan

(VNTB) – Cùng tường thuật một nội dung hội nghị sơ kết, có báo thì khen, có báo lại chê…

“Thủ tướng: Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đại tướng Tô Lâm trong xây dựng Đề án 06”, là tựa của bài báo trên tờ Người Lao Động, phát hành phiên bản điện tử lúc 12:24 ngày 10-6-2024.

Cùng tường thuật về nội dung hội nghị này, báo Tuổi Trẻ có bài “Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất sửa loạt vấn đề ‘nóng’ về dịch vụ công trực tuyến”, phiên bản điện tử phát hành xê xích thời gian ít phút lúc 12:26 ngày 10-6-2024.

Chủ quản của Người Lao Động là Thành ủy TP.HCM, của Tuổi Trẻ là Thành đoàn TP.HCM.

Tờ Người Lao Động viết: “Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 2 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, quan trọng của Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06. “Xin chúc mừng hai đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao trọng trách cao hơn” – Thủ thủ tướng bày tỏ.

Lời khen này vào lúc 9:19 sáng 10-6-2024 cũng được Cổng thông tin điện tử chính phủ trích dẫn tô đậm để nhấn mạnh lòng tri ân Đại tướng Tô Lâm cùng Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.

Lời cảm ơn này nếu độc giả đọc sang tờ Tuổi Trẻ sẽ thấy có độ chênh, khi “Về dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành”.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn chứng với 2 nhóm thủ tục liên thông “khai sinh – khai tử” chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện 2 nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính của TP.HCM, về thu thập dữ liệu công dân, một số trường hợp nhân khẩu có giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh theo điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, do đó không thể cập nhật trường thông tin “quốc tịch” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an trao đổi các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp khi người dân nộp hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương bằng tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, trên môi trường điện tử từ 1-7 theo chủ trương của Chính phủ thì không cần phải ký số điện tử.

Cần lưu ý là từ Luật Cư trú cho đến văn bản nghị định hướng dẫn thi hành luật này đều do Bộ Công an chấp bút soạn thảo, Quốc hội và chính phủ chỉ là nơi ký ban hành theo trình tự thủ tục. Do vậy ý kiến đóng góp của Chủ tịch UBND TP.HCM giúp gián tiếp có thể hiểu về trách nhiệm công vụ ra sao của quan chức từng được giao là Tổ trưởng và Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06.

Ngay cả tên gọi của hội nghị cũng cho thấy mức độ hài lòng ra sao từ phía chính phủ: “Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế”.

Với Bộ Công an ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần “khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành nghị định hướng dẫn một số điều của luật Căn cước. Thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân”.

Trước khen ngợi, và sau đó “góp ý” của Thủ tướng Phạm Minh Chính có lẽ là cách nói của “bằng mặt” nhưng không mấy…. “bằng lòng” (!?).

VTV đối diện cáo buộc nghi vấn đưa tin dàn dựng

 

VNTB – VTV đối diện cáo buộc nghi vấn đưa tin dàn dựng

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Cộng đồng mạng tiếp tục nêu hàng loạt dấu hiệu ngờ vực đài truyền hình quốc gia VTV dàn dựng thông tin về hành giả Thích Minh Tuệ.

 

Cả hai lần lên sóng đều vấp lỗi nghiệp vụ?

Như ghi nhận hôm 10-6-2024 trong một bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, thì hai tối liên tiếp nhau vào ngày 9 và 10-6 trên sóng VTV trong chương trình thời sự đều đưa tin tức liên quan về hành giả Thích Minh Tuệ. Cả hai lần đó đều nhanh chóng được cộng đồng – đặc biệt là các nhà báo am tường truyền hình lên tiếng chỉ ra những lỗi nghiệp vụ của VTV.

Sau khi clip thứ hai lên sóng, tài khoản cá nhân facebook của phóng viên Liên Liên VTV đã mở trở lại và đưa ra lời thách đố: “Có ai biết fb nào (nick thật, cả comment) viết về việc phỏng vấn ông Thích Minh Tuệ trong Phóng sự: “Thông tin sai lệch về việc ẩn tu của ông Thích Minh Tuệ” được phát sóng Bản tin 19h ngày 8/6/2024 và Ps phát sóng ngày 9/6/2024 là: phóng viên không gặp trực tiếp phỏng vấn ông Thích Minh Tuệ, cắt ghép ông Thích Minh Tuệ ở nơi khác ghép vào hình gốc cây…. thì chụp màn hình, chuyển link fb đó giúp em với ạh.

Em xin chân thành cảm ơn!”.

Nhà báo Nguyễn Huy Cường nhận xét clip phát tối ngày 10-6 trên VTV mắc lỗi về độ tương phản hình ảnh to – nhỏ về cự ly quang học giữa người được cho là trả lời phỏng vấn, và cô nhà đài đặt câu hỏi.

 

Góc nhìn chi tiết cho cáo buộc về nghiệp vụ

Nhà báo Mạc Hồng Kỳ diễn giải chi tiết kèm hình ảnh chụp lại màn hình: “Bằng cách, cho gốc đa quét vôi trắng, cho hàng cây sau lưng phóng viên đi “ẩn tu” và cho cô Liên Liên thay đổi xiêm y (ảnh 1 và 2), trong clip lên sóng vào tối 9-6-2024 về vị chân tu, xem như nhà đài VTV đã chính thức thừa nhận clip phát tối hôm trước là cắt ghép.

Tuy nhiên, việc tung clip thứ 2 – với khung hình “ôm” cả nhân vật và kẻ tiếp xúc (phóng viên) – VTV những tưởng sẽ đập tan tành, phát 1, mọi nghi vấn, xẹo xiên; Nào ngờ, nhà đài quốc gia này lại tiếp tục lòi thêm đuôi cáo!?

Đó là, thứ nhất, hãy mục kích ảnh 3 và 4 sẽ không khó thấy ngay cái cây màu nâu, to bằng bắp vế, phía trên cô Liên Liên bỗng đâu “hô biến”. Đã thế, ngài Minh Tuệ ngồi thế liên hoa trên 1 thân cây bị cháy, mà thân cây phàm phải tròn, vậy mà phân nửa khúc cây ấy lại “tự nguyện” chuyển hóa thành 1 cái bàn bằng phẳng, vuông vức cho ngài an tọa (và lọa thay, cái đoạn thân cây tròn nằm ngang, cùng nồi cơm điện bên trên, tại ảnh 3, đang nét căng là thế, nhưng sang ảnh 4 lại nhòe đi, “vón cục” hệt 1 viên hắc thổ). Chưa hết, vai trái vị chân tu cũng tự dưng nhô cao, gần ngang cằm, và dài thêm 1 cách bất thường (ảnh 4). Còn nữa, khi phỏng vấn đương nhiên phóng viên phải đối diện với nhân vật. Song, cô Liên Liên lại ngồi lệch, không đồng trục với ngài Minh Tuệ và khoảng cách giữa 2 người cũng gia tăng, so với ảnh 3.v.v. và v.v…

Thứ 2, hãy quan sát ảnh 5: Ai cũng biết, càng xa ống kính camera thì hình của vật càng bé đi. Thế mà, cô Liên Liên xa camera hơn ngài Minh Tuệ, ít nhất 2m (như ảnh 4) nhưng lại phình to bất thường (cao hơn cả ngài Minh Tuệ). Điều này đã khiến khoảng cách giữa cô và nhân vật ngót đi, tại ảnh này, chỉ chưa đầy 1m. Tương tự, sự không bình thường còn thể hiện ở thảm thực bì, bên phải cô, nhòe hẳn (giống hình ảnh bị nhiễu nhòe trên mặt đường nhựa tỏa nhiệt, dưới trời nắng nóng)… 

Đuôi cáo của VTV lòi ra, qua 2 clip về vị chân tu làm Mạc Hồng Kỳ tôi tiên đoán: Có thể cũng giống vụ phỏng vấn chương trình Chuyển động 24h, Lê Bình, mần phóng sự về chiến sự tại Siry, về trồng rau sạch (bằng cách lấy chổi quét lên lá, nhằm tạo vết… sâu ăn), cô Liên Liên đã không hề gặp vị chân tu mà chỉ ngồi phòng lạnh ở Hà Nội lấy clip của ai đó, để biến thành sản phẩm của nhà đài, tung lên sóng. Song, tiếc thay, cả 2 lần “tác nghiệp” trình độ (cắt ghép) đều quá tệ. Khiến, chẳng những cơ quan truyền thông con cưng này không đập tan được cái gì mà còn hứng đầy gạch đá.

Tất nhiên việc “ảo thuật” thô nhám nói trên đã có chỉ dấu vi phạm 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (cụ thể, điều 3, nhà báo phải: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm”…).

Và, phải chăng không ai khác, chính nhà đài quốc gia VTV đã tự rũ bỏ bổn phận, nguyên tắc hành nghề; tự giẫm đạp lên lương tâm và trách nhiệm của người làm báo nước nhà?!”. (hết trích).

 

Pháp luật điều chỉnh gì về tính chân thật của sản phẩm VTV?

Cá nhân người viết bài này hoàn toàn không có kiến thức về kỹ thuật truyền hình, nên chỉ có thể ý kiến về mặt pháp luật của sự việc 2 clip kể trên.

Theo đó thì VTV đang đứng trước cáo buộc về điều 155 “Tội làm nhục người khác”, Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” và “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Khi cáo buộc này được thành lập thì nhà đài VTV cùng các đương sự liên quan có thể chịu mức phạt tù lên đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Dĩ nhiên ở chiều ngược lại thì phía đài VTV ngay lúc này có quyền yêu cầu ghi nhận thủ tục thừa phát lại về chứng cứ liên quan đến các ý kiến cho rằng VTV đã dàn dựng không đúng sự thật về hành giả Thích Minh Tuệ, từ đó sẽ tiến hành các bước thủ tục tố tụng tương ứng về việc xử trí dân sự hoặc hình sự đối với những ý kiến mang tính vu khống trong vụ việc này.

 

Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối

Trong một diễn biến liên quan truyền thông về hành giả Thích Minh Tuệ, Công an tỉnh Gia Lai quay clip tại trụ sở công an được cho là vào chiều ngày 8-6-2024, về một nội dung “tuyên truyền pháp luật” của một cán bộ công an khi trao căn cước công dân cho ông Lê Anh Tú, tức hành giả Thích Minh Tuệ. Và trong khuôn hình của video này lại xuất hiện cảnh ngoài trời của hành giả Minh Tuệ với màu trắng của cây cổ thụ cùng các cận cảnh về bàn tay, đôi mắt… như trong clip ngày 9-6-2024 trên VTV.

Trong video clip của Công an tỉnh Gia Lai, có một câu hỏi mang tính gợi ý của vị cán bộ công an: “Có căn cước công dân rồi biết đâu một cái cơ duyên nào đó được về thăm Đức Phật ở Ấn Độ chẳng hạn, thì ông nghĩ sao về điều này?” (phút 1:24).

Và ở clip do báo Người Lao Động phát trên ấn phẩm điện tử của tờ báo này lúc 15:36 ngày 10-6-2024, thì cắt – ráp có chủ đích của biên tập viên, là hành giả Thích Minh Tuệ nói rằng – phút 0:42: “Cái dự định thì con…, mình tiếp tục học tập bình thường, khất thực sống chỗ này, chỗ kia theo đời sống giới luật của Phật giáo”.

Tư cách cá nhân, người viết bài này nghĩ rằng nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng…

Tu… online và quyền hình ảnh lại thuộc về chùa Ba Vàng

 

VNTB – Tu… online và quyền hình ảnh lại thuộc về chùa Ba Vàng

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Hình ảnh lúc “tu trực tuyến”/ “tu online” không nên là toàn quyền khai thác như thỏa thuận về nội quy mà chùa Ba Vàng đưa ra.

 

Chùa Ba Vàng bất ngờ thay đổi thời gian và cách thức của “Khóa tu mùa hè lần 1 – Năm 2024 – Con sẽ lớn khôn”, là “tu trực tuyến tại nhà, không về chùa”.

Khi nhấp chuột truy cập vào trang web của chùa Ba Vàng sẽ tự động xuất hiện một cửa sổ nhỏ mà thuật ngữ gọi là “pop-up”, với nội dung ngay khi truy cập: [THÔNG BÁO] Thay đổi chương trình tu Bát quan trai ngày 08/5/Giáp Thìn (Tu trực tuyến tại nhà, không về chùa).

Trang chi tiết về tin này mở đầu ghi: “Kính mong quý phụ huynh cùng các em khóa sinh hoan hỷ! Nhà chùa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới quý vị khi có sự thay đổi”.

Tiếp đó thì sự thay đổi đầu tiên có toàn văn như sau với một số từ được viết bằng chữ in để nhấn mạnh:

“Kính thưa quý phụ huynh và các em khoá sinh!

Vì lý do nhà chùa có một số phận sự bận đột xuất, nên thời gian tổ chức Khóa tu mùa hè lần 1 năm 2024 tại chùa Ba Vàng với chủ đề “Con sẽ lớn khôn” được thay đổi như sau:

– Thời gian CŨ: Từ ngày 09/6 – 17/6/2024

– Thời gian MỚI: Từ ngày 12/6 – 20/6/2024 (tức 07/5 – 15/5/Giáp Thìn)

Trong đó:

  • Ghi danh và tiếp nhận khóa sinh: Ngày 12/6/2024
  • 7 ngày chính: Từ ngày 13/6 – 19/6/2024
  • Trả khóa sinh: Sáng ngày 20/6/2024

Kính mong quý phụ huynh cùng các em khóa sinh hoan hỷ! Nhà chùa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới quý vị khi có sự thay đổi.

Lưu ý: Thời gian tổ chức các khóa khác hiện tại chưa có gì thay đổi.

Trân trọng thông báo”.

Chùa Ba Vàng khẳng định: “Các khóa sinh không phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào”.

Trước đó Ban Tổ chức Khóa tu mùa hè năm 2024 chùa Ba Vàng thông báo nội quy của khóa tu mà các khóa sinh cần thực hiện như sau – trích:

“1. Ăn, ngủ, sinh hoạt đúng giờ giấc; phải giữ im lặng trong giờ nghỉ, không đùa giỡn, đi lại hay nói chuyện ảnh hưởng đến người khác.

2. Mặc đúng trang phục đã quy định (đồng phục khóa sinh); đầu tóc gọn gàng.

3. Gấp chăn, gối gọn gàng và ngay ngắn sau khi thức dậy. Hành lý để đúng nơi quy định.

4. Không được lấy quần áo và đồ dùng của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ.

5. Không làm bẩn, đóng đinh, dán giấy lên tường hoặc tác động vật lý khác vào các tài sản, công trình của chùa; giữ gìn vệ sinh tại khu vực nghỉ, sinh hoạt và xung quanh khuôn viên chùa.

6. Sử dụng tiết kiệm và đúng hướng dẫn sử dụng các tài sản Tam Bảo.

7. Sau khi kết thúc khóa tu mùa hè (KTMH), Khóa sinh gửi lại Ban Tổ chức KTMH các đồ dùng đã được phát trong KTMH, không được mang về (các đồ bao gồm: quần áo đồng phục, thẻ,…)”.

Ở mục VII của bảng nội quy có một điều khoản rất đáng lưu ý là “Ban Tổ chức được sử dụng hình ảnh cá nhân của những đối tượng được nêu tại Mục A.I Nội quy này trong suốt các hoạt động, sinh hoạt, chương trình của KTMH và đăng tải, truyền thông vào bất kỳ thời điểm nào, mà không cần phải xin phép hay có thêm chấp thuận nào khác của chủ sở hữu hình ảnh, dữ liệu cá nhân”.

Nội dung của mục A.I là: “1. Khoá sinh.

2. Người tham gia KTMH 2024, bao gồm phụ huynh của kh sinh, người giám hộ của khoá sinh, người được uỷ quyền tham gia khoá tu.

3. Nhân sự thuộc Ban Tổ chức KTMH.

4. Các cư sĩ, Phật tử, tình nguyện viên tham gia KTMH”.

Như vậy khi chuyển sang hình thức của khóa tu trực tuyến, liệu hình ảnh sinh hoạt của các khóa sinh cùng những người liên quan sẽ được chùa Ba Vàng khai thác ra sao cho nhu cầu phục vụ tuyên truyền của chùa này?

Chuyện “tu online/ tu trực tuyến” từng được áp dụng ở chùa Giác Ngộ của trụ trì Thích Nhật Từ trong thời gian của dịch Covid-19 hoành hành tại TP.HCM.

Tôn giáo lạ ở tỉnh Long An

 

VNTB – Tôn giáo lạ ở tỉnh Long An

Hùng – Sơn

(VNTB) – Danh xưng là “Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu” nhưng nơi đây lại dáng dấp của một tôn giáo lạ.

Theo tự giới thiệu thì pháp môn thứ 6 của Đức Phật Thích Ca đã bí mật truyền lại cho thời văn minh ngày nay, và chùa Thiền Tông Tân Diệu vinh dự được nhận nhiệm vụ công bố pháp môn này cho nhân loại biết.

“Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu chuyên phổ biến pháp môn thiền tông, (tức Như Lai thanh tịnh thiên của Đức Phật bí mật truyền theo dòng thiền tông, nơi giải thích được tất cả những lời của Đức Phật dạy” là nội dung của tấm bảng lớn treo trên cao của cổng bước vào nơi gọi là chùa Tân Diệu, tại địa chỉ 273 Ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trên trang web được cho là của Trung tâm tin tức HTV Đài Truyền hình TP.HCM đăng hôm 21-11-2023 thì – trích nội dung bài báo với nhiều chi tiết nhầm lẫn: “Vào ngày 14-5-2017, tại chùa Thiền Tông Tân Diệu, chính quyền tỉnh Long An và Hội đạo Phật đã cấp phép cho công bố quyển Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền Tông do soạn giả Nguyễn Nhân biên soạn.

Nhờ có những nét đặc trưng này, nên vào tháng 12-2019, chùa Thiền Tông Tân Diệu được:

– Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương, chứng nhận chùa là “Không gian Văn hóa Tâm Linh” và kết nạp chùa làm thành viên của Hội.

– Hội Di Sản Văn hóa Việt Nam trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương cho chùa và công nhận chùa là Di sản Văn hóa của Dân tộc.

Đồng thời, chùa Thiền Tông Tân Diệu góp phần giảm bớt sự mê tín dị đoan nơi người dân. Phù hợp với con đường của Đảng và Nhà nước đang hướng tới: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Bài báo trên sở dĩ được cho rằng có nhiều chi tiết không đúng sự thật, vì về mặt pháp lý, Việt Nam không có tổ chức nào gọi là “Hội đạo Phật”, và Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì không có chức năng về thẩm quyền cho “công nhận chùa là Di sản Văn hóa của Dân tộc”.

Theo tìm hiểu của nhóm thực hiện bài viết này thì về pháp lý, chùa Tân Diệu được UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 2217/QD-UBND, ngày 13-9-2006, với diện tích ở hai thửa đất 963 và 964 là 282m2, tên sử dụng là pháp nhân chùa Tân Diệu.

Chùa Tân Diệu có nguồn gốc do ni sư Thích Nữ Đức Thảo thành lập năm 1956. Sau khi ni sư viên tịch (1972), chùa do người con của cố sư cô là ông Nguyễn Công Nhân (sinh năm 1938) quản lý đến nay với tư cách là chùa gia tộc.

Ông Nguyễn Công Nhân, theo giấy tờ quản lý hành chính thì thường trú tại quận 3, TP.HCM, và thường lui tới chùa Tân Diệu sinh hoạt tín ngưỡng. Con dấu của chùa do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ của tỉnh Long An cất giữ.

Khoảng từ năm 2000 đến 2009, theo lời mời của gia tộc, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, Ban Đại diện Phật giáo huyện Đức Hòa lần lượt cử 2 sư cô và 3 đại đức về quản lý chùa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị liên quan đến gia tộc nên các vị tăng ni được cử đến đều phải rời khỏi đây.

Pháp lý về xuất bản các ấn phẩm tôn giáo do ông Nguyễn Công Nhân biên soạn, theo ghi nhận của nhóm thực hiện bài viết này thì đều mang tính hợp pháp, với hơn mười mấy đầu sách của tác giả Nguyễn Công Nhân được các nhà xuất bản Tôn giáo, Hồng Đức và Văn Hóa – Văn Nghệ TP.HCM cấp phép.

Trên trang web chùa Tân Diệu đã đăng một lá thư của ông Nguyễn Công Nhân khẳng định rằng ông hoàn toàn tôn trọng, và tuân thủ theo đúng quy định luật pháp về xuất bản ấn phẩm tôn giáo.

Hiện tại thì cá nhân ông Nguyễn Công Nhân tự xưng là Viện chủ Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu. Trong nội dung lá đơn gửi ngày 14-5-2019 gọi là “xin Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ (1917- 2021) – Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, xác nhận chùa Thiền Tông Tân Diệu không còn là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nữa, để hoạt động theo Luật số 02 – Luật tín ngưỡng và tôn giáo của Quốc hội”, do ông Nguyễn Công Nhân soạn gửi.

 video phát hành hôm 3-6-2024 trên kênh youtube Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu, người xem không khó để nhận ra đây là một kịch bản được dàn dựng mang màu sắc pha trộn giữa Phật giáo – thần giáo với những lý thuyết vẻ ngoài của khoa học huyền bí.

Nếu so với cách thức tu hành của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền viện Bên Bờ Vũ Trụ” cũng ở huyện Đức Hòa, Long An, thì với “Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu” có đầy đủ sắc màu của một tôn giáo lạ đầy huyền bí, nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.