Thursday, May 2, 2024

"Về thu xếp lại"

 Chu Văn

Tôi thích đọc những tản văn của một trong những tác giả nổi tiếng trong nước hiện nay là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, kiến thức khoa học lại uyên bác, tác giả viết về sức khỏe, bệnh tật, tuổi già và ngay cả cái chết với giọng điệu lúc nào cũng lạc quan. Cách đây vài năm, khi bước vào tuổi bát tuần, ông đã thu thập lại những bài viết về cũng những chủ đề trên dưới tựa đề "Về thu xếp lại".

vethuxeplai1

Từ vài năm nay, nhứt là khi bước vào tuổi 75 mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho là tuổi đẹp nhứt của đời người, tôi cũng đã bắt đầu "về thu xếp lại". Từ nơi ăn chốn ở, vườn tược cho đến quần áo... tôi đã từ từ thu dọn lại cho gọn gàng hơn. Nhưng mới đây ý tưởng "về thu xếp lại" trong tôi đã trở nên mãnh liệt và thúc bách hơn sau vài lần thăm viếng một người bạn thân vừa trải qua một cuộc giải phẫu để lấy ra một khối u trong đầu. Cuộc giải phẫu tương đối thành công.

Tôi mừng cho bạn tôi và gia đình bạn tôi. Nhưng tôi mừng cho tôi nhiều hơn. Tôi mừng vì vẫn còn một người bạn tri kỷ theo đúng nghĩa. Chúng tôi có thể chia sẻ cho nhau về đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Ở tuổi già, tôi ngộ ra rằng có được một người bạn tâm giao là điều quan trọng nhứt. Có lúc tôi nghĩ : có được một người bạn thân trong tuổi già là có tất cả !

Những lần thăm viếng người bạn già vừa trải qua cơn bạo bệnh đã khiến tôi "về thu xếp lại" chuyện "bạn bè". Trước kia, tôi rất thích giao du với nhiều người và cũng có rất nhiều "bạn bè". Gặp nhau trong các bữa tiệc để chén chú chén anh là chuyện thường tình. Nhưng phải nói thẳng rằng kể từ ngày "có Trump", cánh cửa xã hội của tôi từ từ khép lại, "bè" từ từ biến mất. Giữa đám đông "bè" nhiều hơn "bạn", tôi cảm thấy tu chính án thứ nhứt của người Mỹ hoàn toàn không có giá trị đối với tôi nữa. Trước kia, giữa đám đông, tôi thấy mình vui vẻ, hoạt náo "tự do ngôn luận" bao nhiêu thì nay tôi lại càng thấy giá trị của châm ngôn "thinh lặng là vàng" tốt hơn bao giờ hết. Một chút sa sẩy trong một phát biểu về "kẻ mà ai cũng biết là ai đó" cũng đủ để ăn miểng, nhứt là từ những người đồng đạo của tôi. Kể từ đó, sinh hoạt xã hội của tôi ngày càng thu hẹp lại. "Lời mẹ dặn" chọn bạn mà chơi được tôi triệt để áp dụng. Ở tuổi già, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người, vì tôi vẫn còn một vài người bạn tâm giao.

Song song với việc vun vén tình bạn, tôi cũng thấy mình đang "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo của tôi. Thật ra, "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo không phải là chuyện ngẫu hứng tôi chỉ mới có sau những lần thăm viếng người bạn thân vừa trải qua cuộc giải phẫu, mà là chuyện trăn trở mỗi ngày của tôi. Nhưng có lẽ qua những lần thăm hỏi với hiền thê của bạn tôi mà tôi thấy ý nghĩ "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo trở nên thúc bách hơn trong tôi. Thật vậy, trước và sau cuộc giải phẫu của bạn tôi, người vợ hiền của ông, vốn là một phụ nữ rất mực đạo đức, lúc nào cũng nói đến sức mạnh của niềm tin tôn giáo, đặc biệt là hiệu năng của lời cầu nguyện. Trước cuộc giải phẫu, gặp bất cứ ai bà cũng xin cầu nguyện và sau cuộc giải phẫu thành công, bà xem đó như một phép lạ và không hết lời tạ ơn Chúa. 

vethuxeplai2

Cuộc sống đức tin rốt cục với tôi là một cuộc đối thoại không ngừng với Thượng Đế về chính nỗi khổ đau và cái chết trong kiếp người.

Từ nhiều năm nay, với những ai xin tôi cầu nguyện hay nói đến "phép lạ" của lời cầu nguyện, tôi thường giữ thái độ thinh lặng. Không hiểu từ lúc nào, câu hỏi mà nhà văn Mỹ gốc Do Thái Elie Wiesel (1928-2016), khôi nguyên của giải Nobel Hòa Bình năm 1986, đã từng đặt ra cho mình lúc bị giam trong một trại tập trung Đức quốc xã : "Thượng Đế ở đâu ?" cũng chính là câu hỏi mà tôi thường tự đặt ra cho mình khi đứng trước bao nhiêu thảm kịch, đau khổ, chết chóc mà những người vô tội trên khắp thế giới đã và đang trải qua từng ngày từng giờ. Elie Wiesel đã nêu lên câu hỏi ấy khi chứng kiến cảnh những người lính Đức trong một trại tập trung Đức quốc xã treo cổ một thiếu niên. Với câu hỏi "Thượng Đế ở đâu ?", cuộc hành trình niềm tin tôn giáo của tôi không còn là một chuỗi những lời van xin "phép lạ", mà là một cuộc tra vấn Thượng Đế. Cuộc sống đức tin rốt cục với tôi là một cuộc đối thoại không ngừng với Thượng Đế về chính nỗi khổ đau và cái chết trong kiếp người.

Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo thuần thành. Mới ba ngày tuổi, chưa mở mắt và còn đỏ hỏn, tôi đã được ẵm tới nhà thờ để được rửa tội và đặt cho một cái "tên thánh" lạ hoắc lạ huơ. Ba tuổi, vừa bập bẹ biết nói, tôi đã được dạy để học thuộc lòng bài giáo lý vỡ lòng : con ai ? – thưa con Chúa ; cháu ai ? – thưa cháu ông Adong và bà Evà ; dòng dõi ai ? – thưa dòng dõi vua David... Thế giới thần tiên tuổi thơ của tôi là thế giới của các thiên thần, của những người hùng trong sử thi của người Do Thái và dĩ nhiên cũng của người Tây phương da trắng. Chúa Giêsu và Đức Mẹ chẳng phải là người da trắng đó sao ? Qua các hình tượng của Chúa Giêsu, ánh mắt trẻ thơ của tôi nhìn người da trắng nào cũng đẹp đẽ cả. Cả thể xác lẫn tinh thần ! Nhớ có lần một nữ tu thày dạy tiểu học của tôi đã thốt lên khi nhìn những người lính đánh thuê "Lê dương" (légionnaire) : "Sao họ giống Chúa Giêsu quá !". Có lẽ bà quên rằng chính mấy ông giống Chúa Giêsu này từng rượt những phụ nữ trong làng tôi chạy bán sống bán chết.

Tôi đã không chọn niềm tin tôn giáo. Chính cha mẹ tôi đã trao niềm tin tôn giáo cho tôi như một sản nghiệp quí giá. Mà quí giá thiệt. Lúc nào tôi cũng biết ơn cha mẹ tôi vì đã trao cho tôi một sản nghiệp quí giá, bởi nhờ sản nghiệp đó tôi đã làm quen và hấp thụ được nền văn minh Tây Phương và cũng chính sản nghiệp ấy đã hun đúc trong tôi một lý tưởng phục vụ cao đẹp cũng như giúp tôi rèn luyện nhân cách. Nhưng cùng với sản nghiệp cao quí đó là cả một gánh nặng của vô số tội ác mà chính tôn giáo của tôi đã gây ra trong suốt dòng lịch sử của mình. Trong hàng bao thế kỷ, tôn giáo của tôi đã sử dụng bạo lực để tiêu diệt người Do Thái với lý do họ là người "kẻ giết Chúa" vì đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Thời Trung Cổ, với những cuộc thập tự viễn chinh nhằm chiếm lại điều được gọi là "thành thánh Giêrusalem", tôn giáo của tôi cũng đã sử dụng bạo lực để sát hại người Hồi giáo. Song song với những cuộc thập tự viễn chinh, tôn giáo của tôi cũng đã sử dụng tối đa bạo lực để loại trừ và ngay cả xử tử một cách tàn bạo những người bị cho là lạc giáo. Rồi sang Thế kỷ 16, kể từ sau cuộc Cải Cách của Tin Lành, tôn giáo của tôi lại dính vào không biết bao nhiêu cuộc chiến tương tàn giữa những người tự xưng là tín hữu Kitô, tức bạn hữu của Đấng mà cốt lõi của những lời giáo huấn chỉ xoay quanh sự khoan nhượng, tình yêu thương, sự cảm thông và lòng tha thứ và đã chết trên thập giá để thể hiện chính lời rao giảng ấy.

Mà có riêng gì Kitô giáo của tôi đâu. Dường như tôn giáo nào, ít hay nhiều và mãi cho đến ngày nay, cũng đều sa vào con đường bất khoan nhượng và bạo lực. Tựu trung, khi cái cốt lõi của tôn giáo, như ông bà ta thường nói : "đạo nào cũng tốt vì đạo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành", bị đẩy ra lề niềm tin tôn giáo thì đó chính là lúc tôn giáo chạy theo những phù phiếm, mê hoặc.

Xét cho cùng, bỏ qua một bên chủ trương bạo động, khủng bố, đấu tranh giai cấp và hận thù, Karl Marx cũng có lý phần nào khi ông lên án : "tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng".

Có lẽ nắm vững chân lý "tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng" cho nên các đệ tử của Karl Marx ở Việt Nam ngày nay đã dùng thứ thuốc phiện đó để ru ngủ quần chúng. Sau khi thu tóm và biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo "nhà nước" hay được gọi một cách nôm na là "quốc doanh", Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thành công trong việc sử dụng tôn giáo này để mê hoặc một bộ phận không nhỏ quần chúng Việt Nam hiện nay. Tôn giáo đã trở thành một thứ tà giáo, nhưng lại có sức thu hút và mê hoặc một đám đông không nhỏ. Tiến sĩ Chu Mộng Long, một tác giả thường xuất hiện trên báo điện tử Tiếng Dân trong nước, đã nhận định về hiện tượng này trong một bài viết có tựa đề "Tà giáo lộng hành": "Có thể phòng chống tham nhũng chưa đạt được như mong muốn, nhưng dẫu sao, vẫn đang được nhà nước giải quyết bằng những vụ khởi tố ra tòa. Trong khi tà giáo thì lại được tự do hoành hành. Nó tự do đến mức, chỉ cần một cá nhân cạo trọc đầu là có thể ngang nhiên tuyên truyền mê tín dị đoan, công khai những thủ đoạn lừa đảo mà hàng triệu người là nạn nhân. Việc các tăng lữ dùng ma đe dọa dân, gieo rắc sự sợ hãi trong dân để thu gom tiền vàng, nhà đất và hứa hẹn "kiếp sau" cho dân làm ma giàu sang, phú quý, là lừa đảo trắng trợn, không thể biện minh" (1).

vethuxeplai3

"Trong "lễ sớt bát", hàng ngàn Phật tử xếp hàng hai bên đường, đứng, quỳ gối, chắp tay dâng hoa, tiền, bánh kẹo… trong khi các nhà sư chùa Ba Vàng đi dọc đường trong chùa thu nhận liên tục từ tay người dân.

Khi cái cốt lõi của tôn giáo bị gạt ra bên lề niềm tin tôn giáo thì tôn giáo trở thành tà giáo để mê hoặc quần chúng. Bị cực đoan hóa hay đánh mất tính khoan nhượng vốn là cốt lõi của tôn giáo, con người cũng trở nên mê muội. Trong những ngày này, thế giới đang chú ý theo dõi cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ, quốc gia được xem là có nền dân chủ lớn nhứt thế giới. Đảng đang cầm quyền tại nước này có tên là Đảng Quốc gia Ấn giáo (Bharatiya Janata Party gọi tắt là BJP) muốn biến Ấn giáo thành quốc giáo. Mahatma Gandhi đã dựa vào cốt lõi của tôn giáo này là sự khoan nhượng để đề ra chủ trương tranh đấu bất bạo động và thành công trong việc chấm dứt chế độ thực dân của người Anh tại nước này. Nhưng ngày nay, tinh thần khoan nhượng ấy đã nhường chỗ cho bạo lực chống lại các tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo.

Tại một quốc gia văn minh và tiến bộ nhứt thế giới hiện nay là Hoa Kỳ tôi cũng đang nhìn thấy sự trỗi dậy của một trào lưu bất khoan nhượng tôn giáo như thế. Cựu tổng thống Donald Trump là một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Về trí tuệ thì ngu dốt, về luân lý và đạo đức thì đồi bại, về tư cách thì đốn mạt, về tâm lý thì bất ổn... Chỉ cần nghe những gì ông nói, cụ thể qua những lời cầu chúc sặc mùi hận thù vào những dịp lễ lớn của Kitô giáo cũng đủ để thấy tư cách của ông. Vậy mà năm 2016, người Mỹ đã bầu ông vào vị thế lãnh đạo quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới cũng như lãnh đạo thế giới tự do. Chính lá phiếu của đa số tín hữu Tin Lành da trắng là yếu tố then chốt đã đưa ông lên cầm quyền. Ngày nay, mặc dù biết rõ, như trường hợp cựu Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr, Donald Trump không có đủ tư cách để làm tổng thống, nhóm tín đồ Tin Lành da trắng này vẫn không tỏ ra suy suyển trong sự ủng hộ dành cho ông. Một thái độ như thế, nếu không gọi là mê muội, thì phải dùng tĩnh từ nào cho xác đáng hơn ?

v

Chính lá phiếu của đa số tín hữu Tin Lành da trắng là yếu tố then chốt đã đưa Donald Trump lên cầm quyền năm 2016.

Mỗi khi suy nghĩ về những chế độ chuyên chế hay độc tài hiện hành hoặc có khuynh hướng trở thành độc tài, tôi vẫn cứ phải nhớ mãi lời của cụ Tản Đà : "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn cho nên quân nó dễ làm quan". Không biết có liên tưởng đến lời cụ Tản Đà không, một người bạn thời tỵ nạn của tôi và nay đang là một luật sư, vốn là một người ủng hộ ông Trump hết mình, đã nói như tát vào mặt tôi : "Bộ ông tưởng người Mỹ chúng tôi ngu cả sao ?".

Gần đây, ở Úc Đại Lợi này, khi bàn về tình hình chính trị ở Mỹ, một người bạn trẻ, cũng đã nêu lên thắc mắc : "Có rất nhiều người Mỹ đang ủng hộ ông Trump, chẳng lẽ họ ngu cả sao !".

Mỗi lần có ai đó biện luận như thế, tôi thường nghĩ đến hiện tượng Đức Quốc Xã của Adolf Hitler. Người dân Đức có ngu và mê muội không khi họ đưa Hitler lên cầm quyền để cai trị với bàn tay sắt và sát hại 6 triệu người Do Thái cũng như gây ra đau thương tang tóc cho cả thế giới ?

Ngày 30 tháng Tư hằng năm, tôi cũng có một suy nghĩ tương tự. Đất nước có lâm vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn và ngày nay đang bị cai trị bởi một lũ tham tàn độc ác, cũng bởi một nửa nước, trong đó cả một lớp trí thức khoa bảng, đã mê muội chạy theo những lời dụ dỗ của một tên điếm đàng. Một mình Hitler, một mình Hồ Chí Minh hay một mình bất cứ một nhà độc tài nào trên thế giới này... cũng không có đủ ba đầu sáu tay để gây ra tội ác, nếu không có một đám đông ngu muội tiếp tay.

vethuxeplai5

Sống theo cái cốt lõi của tôn giáo là tình yêu thương, sự khoan nhượng, tính cảm thông và sự tha thứ.

Trong tiến trình "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo của tôi, tôi luôn cố gắng gạt bỏ hết lớp phấn phù phiếm dễ làm cho lòng người ra cực đoan và mê muội để chỉ chú tâm sống theo cái cốt lõi của tôn giáo là tình yêu thương, sự khoan nhượng, tính cảm thông và sự tha thứ. Tựu trung cái cốt lõi ấy được gói ghém trong hai chữ "Tử tế". Tôi nghĩ có lẽ đã cắt xén và chắt lọc giáo huấn của Phật Giáo cho đến cùng cho nên trong một cuộc phỏng vấn dành cho một nhà thần học người Ba Tây cách đây khá lâu, khi được hỏi : "Theo ngài, tôn giáo nào là tôn giáo tốt nhứt ?", nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng đã trả lời : "Tôn giáo nào giúp bạn trở thành tử tế đó là tôn giáo tốt nhứt". Nữ minh tinh Kiều Chinh có ghi lại trong cuốn Hồi ký của bà rằng trong lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ dạo tháng Tư năm 2014, nhà lãnh đạo tôn giáo đã nói với bà : "I am just a simple monk. My religion is very simple, it is kindness" (tôi chỉ là một tu sĩ. Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó là sự tử tế) (2). Lời dạy thật đơn sơ, nhưng hẳn phải chất chứa một lẽ khôn ngoan thâm sâu. Khi con người cố gắng sống tử tế với mọi người, họ mới thật sự "sống đạo" và thoát ra khỏi sự ngu muội và u mê của mình.

Chu Văn

(01/05/2024)

Chú thích :

1. Chu Mộng Long, Tà giáo lộng hành, Thoibao.de, 26/04/2024

2. Kiều Chinh, Nghệ sĩ lưu vong, Hồi ký, Văn học Press 2021, trg 406

No comments:

Post a Comment