Theo RFA
Tình trạng nhà ở xã hội “lọt” vào tay “người giàu” (nghĩa là người có thu nhập cao) đã xảy ra từ nhiều năm qua dù nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm “lấy lại” các suất mua nhà ở xã hội cho đúng đối tượng được thụ hưởng là “người nghèo” (người có thu nhập thấp).
Giành giật suất mua
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dù luật đã quy định khá rõ điều kiện cũng như đối tượng nào có thể mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, nhưng thực tế, phần lớn nhà ở xã hội lại rơi vào tay người giàu do quy định của pháp luật có nhiều khe hở.
Một người mua bán bất động sản, không muốn nêu tên, nói với RFA sáng ngày 1 tháng 5:
“Trong bối cảnh của Việt Nam hiện hay cũng như từ vài chục năm qua, người nghèo rất khó tiếp cận những căn nhà dành cho họ, gọi là nhà ở xã hội. Theo tôi, nó có những lý do khiến nhà ở xã hội rơi vào tay người giàu. Thứ nhất là do cách quản lý của chính quyền. Họ quản lý theo kiểu ban phát thời bao cấp. Họ toa rập (cấu kết-pv) với người giàu để những người này có tên trong danh sách người nghèo. Thứ hai, không có chính sách trả góp cho người nghèo. Điều này không thể thực hiện được vì đồng tiền Việt Nam mất giá kinh khủng khiến các chủ đầu tư và các ngân hàng không dám cho vay.”
Bà Thi, từng làm tổ trưởng dân phố ở quận 3 phân tích với RFA nguyên nhân khiến nhà ở xã hội không đến tay người nghèo:
“Chính phủ cấp quỹ cho những người nghèo không có nhà ở, những người thu nhập thấp, những người bị giải tỏa nhà. Những người này sẽ nộp đơn để được xét duyệt mua theo tiêu chuẩn rất rẻ, có khi được cho không. Ví dụ căn nhà giá 100 triệu thì được mua với giá chỉ năm triệu. Vấn đề là suất đó phải được địa phương, được công an khu vực xác nhận mới được nộp lên chính phủ xem xét. Nhưng khi xuống tới địa phương thì những suất này lọt vào tay người nhà cán bộ từ cấp quận xuống tới cấp tổ dân phố để xét ưu tiên.
Do đó người thật sự nghèo sẽ mất cơ hội. Một khi thủ trưởng đã ký duyệt thì ở dưới có biết cũng chẳng làm gì được. Nó cũng tương tự như cứu trợ vậy. Địa phương nó vẫn ưu tiên cho người thân của nó trước dù chưa chắc họ đói khổ. Đó là nỗi bức xúc của người nghèo”.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều cơ quan chi phối việc xét duyệt, lập danh sách, bán nhà ở xã hội, khiến thủ tục rườm rà, thời gian hợp thức hóa các thủ tục kéo dài. Cũng có trường hợp dự án đang xây phải ngưng, đến khi xây xong thì giá nhà tăng cao không phù hợp cho người nghèo nữa, dẫn đến xét duyệt không đúng đối tượng. Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến người nghèo không thể sở hữu nhà ở xã hội vì giá nhà, giá đất quá cao so với thu nhập của người nghèo.
Ví dụ căn nhà giá 100 triệu thì được mua với giá chỉ năm triệu. Vấn đề là suất đó phải được địa phương, được công an khu vực xác nhận mới được nộp lên chính phủ xem xét. Nhưng khi xuống tới địa phương thì những suất này lọt vào tay người nhà cán bộ từ cấp quận xuống tới cấp tổ dân phố để xét ưu tiên.- Bà Thi
Theo báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. Trong đó, 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 38.000 căn, đạt 8,9% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Giải pháp
Về vấn đề này, thạc sĩ Ngô Gia Hoàng được truyền thông nhà nước dẫn lời cho rằng, “việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dường như chỉ là một giải pháp tình thế để các doanh nghiệp tư nhân giải quyết tình trạng tồn kho hoặc để được tiếp cận các chính sách ưu đãi về tài chính nhằm duy trì hoạt động trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản. Mặt khác, do chỉ chú trọng đến mục tiêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp sẽ không quan tâm đến việc nhà ở xã hội đã xây dựng có được phân phối đúng đối tượng hay không, từ đó dẫn đến việc trục lợi chính sách và nhà ở xã hội rơi vào tay người giàu”
Để tránh tình trạng nhà ở xã hội rơi vào tay người giàu như lâu nay, TP.HCM mới đây ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp, bán nhà ở xã hội cho đúng đối tượng.
Một người từng kinh doanh bất động sản, yêu cầu ẩn danh, nêu giải pháp:
“Do Luật đất đai đã quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nên theo tôi, đây là căn cứ quan trọng nhất để nhà nước mạnh dạn quốc hữu hóa toàn bộ những dự án bỏ hoang, những dự án dang dở từ hàng chục năm qua. Nhà nước sẽ trưng mua với cái giá lấy lệ rồi sau đó phân phối cho những người thật sự nghèo bằng cách hóa giá cho họ.
Nếu thực hiện đồng loạt trên toàn quốc thì ngoài cái lợi là người nghèo thật sự sẽ có nhà, còn một cái lợi nữa là nhà nước sẽ kéo giảm giá nhà, giá đất xuống. Hiện nay giá nhà, giá đất đang cao một cách bất hợp lý so với thu nhập của tuyệt đại đa số người nghèo”.
Do Luật đất đai đã quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nên theo tôi, đây là căn cứ quan trọng nhất để nhà nước mạnh dạn quốc hữu hóa toàn bộ những dự án bỏ hoang, những dự án dang dở từ hàng chục năm qua. Nhà nước sẽ trưng mua với cái giá lấy lệ rồi sau đó phân phối cho những người thật sự nghèo bằng cách hóa giá cho họ. - Một người kinh doanh bất động sản
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, trước nay, nhu cầu về nhà ở đối với người dân trong nước rất cao, nhưng họ không thể nào sở hữu được vì giá bán bất động sản trong nước đã bị các tập đoàn kinh doanh bất động sản với mục đích thu lợi tối đa đã thổi giá cao đến mức vô lý, cao hơn cả các quốc gia có nền kinh tế phát triển khiến cho người dân trong nước không thể nào mua được nhà để ở, ổn định cuộc sống. Ông nêu giải pháp:
“Giải pháp không chỉ ngoài quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường, mà chính quyền cũng có thể tác động bằng chính sách, như buộc các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản phải dành một tỷ lệ nhất định cho nhà ở xã hội, dành cho người dân có thu nhập thấp, hoặc thay thế bằng tiền đóng góp để các công ty công ích thuộc chính quyền xây dựng nhà ở, cho thuê hay bán cho người dân có nhu cầu.
Tuy nhiên, với việc chính quyền cho tu chính Luật Đất Đai mới vào tháng 01/2024 theo sự lũng đoạn chính sách của các tập đoàn xây dựng bất động sản, nhắm đến năm triệu người Việt định cư ở nước ngoài để giải quyết nguồn bất động sản đang bị ứ đọng trong nước. Do đó, tôi e rằng nhu cầu về nhà ở của người dân có thu nhập thấp vẫn bị đặt ngoài lề chính sách”.
Cũng theo LS. Mạnh, vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế yếu kém khiến cho sức mua giảm dần, thị trường bất động sản theo đó cũng bị đóng băng chính là cơ hội để nền kinh tế thị trường tự điều chỉnh giá nhà phù hợp để người dân trong nước có cơ hội mua được nhà ở với giá cả hợp lý.
No comments:
Post a Comment