Mấy tháng nay, báo chí và các nhà khoa học cho rằng vấn nạn “hạn mặn” ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau là hệ quả tất yếu của việc Trung Quốc, Lào, Thái Lan xây đập ở thượng nguồn sông Mekong, và báo động viễn cảnh lưu lượng dòng chảy sông Tiền và sông Hậu sẽ cạn kiệt sau khi Campuchia đào kinh Phù Nam dẫn nước Mekong ra vịnh Thái Lan.
Đáng tiếc, không có nhà khoa học hoặc chính khách nào xem lại Quốc hội Việt Nam từng thông qua các Luật Tài Nguyên nước, Luật Thủy lợi và Luật Quy hoạch nhưng đã để lại những điều khoản chồng chéo nhau về quản lý nguồn nước sông.
Có lẽ gần 500 đại biểu Quốc hội chỉ chú tâm đến việc thường bỏ phiếu bầu hay bãi miễn chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội và coi đó là việc trọng đại, còn việc nước sông ngọt hay mặn, lũ hay cạn là chuyện của nông dân, cứ nhắm mắt thông qua cho đủ luật, như đủ “tụ”.
Năm 1998, Quốc hội thông qua “Luật Tài nguyên nước” giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý tài nguyên nước và quy hoạch lưu vực sông. Năm 2005, Bộ NN&PTNT thành lập “Hội đồng Quản lý Hệ thống Thủy lợi vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp”, nhưng đặt Văn phòng tại TP.HCM, mỗi năm họp 1-2 lần, nên việc điều tiết nước liên tỉnh không thể phối hợp! Nước sông công lính, mẹ nó lo gì!
Đến năm 2002, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong mấy chục chức năng, có “quản lý tài nguyên nước”, nên Bộ Tài – Môi thành lập “Ủy ban Bảo vệ Môi trường Lưu vực sông” tranh chấp với các “Hội đồng Quản lý Lưu vực sông” của Bộ NN&PTNT. “Uỷ ban Bảo vệ” kình với “Hội đồng Quản lý”, năm 2008, Chính phủ quyết định giao cho Bộ Tài-Môi “Quản lý Lưu vực sông”, mà không cần Quốc hội sửa đổi “Luật Tài nguyên nước 1998”! Năm 2012, Quốc hội “vâng lời” Chính phủ, thông qua “Luật Tài nguyên nước” giao cho Bộ TN&MT quản lý nước lưu vực sông!
Được Quốc hội chiều chuộng thông qua các luật chồng chéo, đến phiên Chính phủ cũng ban hành các Quyết định chồng chéo: Ngày 6/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 174 phê duyệt “Quy hoạch Tổng hợp Lưu vực sông Cửu long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” giao cho Bộ TN&MT thực hiện. Ngày 7/7/2023, ông Trần Hồng Hà ký Quyết định 816 ban hành “Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” giao cho Bộ KH&ĐT thực hiện.
Như vậy, việc chống thay đổi dòng chảy ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sau dự án kinh đào Phù Nam và việc chống hạn mặn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ dựa vào “QUY HOẠCH LƯU VỰC SÔNG” hay “QUY HOẠCH ĐỒNG BẰNG SÔNG”?
Chẳng lẽ Chính phủ không rành tiếng Việt? Lưu vực (Catchment) là vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra một cửa chung hoặc thoát ra biển. Đồng bằng (Delta) chỉ vùng đất rộng lớn có địa hình bằng phẳng!
Trước khi trách nước ngoài ngăn đập, thay đổi dòng chảy, hãy xem Quốc hội và Chính phủ đã có quyết sách, quyết tâm gì để bảo vệ môi trường thủy lợi bền vững của Lưu vực ĐBSCL? Ngày xưa, “thực dân” Pháp gọi lưu vực từ Biển Hồ và hai bên bờ Mekong và Bassac là Mekong Delta.
No comments:
Post a Comment