Wednesday, November 15, 2023

Xóa sổ Thành Bưởi

 


Hùng – Sơn   

(VNTB) – Từ giờ, về quê ăn Tết bằng xe đò Thành Bưởi chỉ còn là… kỷ niệm.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không thời hạn với Công ty TNHH Thành Bưởi. 21 nhà xe khác cũng bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn như Công ty cổ phần AST Group, Công ty du lịch Công Vàng, Công ty dịch vụ vận tải HAT, Công ty TNHH Vận tải Thành Công, Công ty vận tải Huỳnh Thiện Phúc, Vận tải Quốc Cường, Công ty hóa chất Bảo Long, Công ty Thương mại dịch vụ Hồng Cầm, Hợp tác xã The X Car… 

Việc thu hồi giấy phép cũng đồng nghĩa “đập nồi cơm” của ngần ấy gia đình các tài xế, khi mà giờ đã bước sang tháng mười âm lịch của chuẩn bị chộn rộn mùa kinh doanh Tết.

Rất nhiều oán thán được ghi nhận khi tin tức về ‘xóa sổ Thành Bưởi’ và 21 nhà xe khác được lan rộng từ chiều ngày 15-11-2023: “Thịnh suy thành bại theo dòng nước. Sừng sững cơ đồ bỗng tay không” – “Nên phạt để răn đe và trong thời hạn ngắn sẽ tốt hơn, vì thời điểm này rất nhiều người mất việc rồi, nếu cứ thế này thì sẽ làm rất nhiều người điêu đứng sắp tới” – “Rồi người lao động lãnh đủ, gần cuối năm rồi…” – “Kinh tế khó khăn doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt. Tước giấy phép kinh doanh không thời hạn, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể sẽ đông hơn”…

Đời sống kinh tế hiện tại vốn ảm đạm, giờ càng thê lương hơn khi ‘liên tục bổ sung’ vào danh sách ngày càng dài ra của thất nghiệp do chính nhà chức trách cố tình tạo ra với nhân danh ‘lập lại trật tự bến bãi’ ở ngành vận tải hàng hóa và hành khách.

Bà Trần Thị Diễm Kiều (quê Đồng Tháp), là công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), có chồng là tài xế chạy thuê cho chủ một đầu xe của hãng Thành Bưởi, kể từ hồi chồng bà mất việc, do công ty mà bà đang làm ít đơn hàng, gần như không có tăng ca nên hiện mức thu nhập của bà khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. 

Với khoản tiền lương đó, mỗi tháng bà dành khoảng 1,5 triệu đồng để trả tiền nhà trọ, điện, nước; tiền ăn uống khoảng 70.000 đồng, nếu tính thêm các chi phí gas, gia vị thì tính ra mỗi tháng riêng cá nhân bà tốn khoảng 2,5 triệu đồng cho việc ăn uống. Tiền xăng, điện thoại khoảng 400.000 – 500.000 đồng/tháng. 

Như vậy, dù sống tiết kiệm, mỗi tháng bà tốn khoảng 4,5 triệu đồng cho các khoản chi bắt buộc. Tuy nhiên, bà Kiều đang mua trả góp chiếc xe máy nên mỗi tháng phải trả thêm 3,5 triệu đồng. Do vậy, nếu chỉ làm việc 8 tiếng/ngày là không đủ, từ hồi chồng thất nghiệp, buổi tối bà Kiều phải đi làm thêm công việc tiếp thị tại quán ăn đến khoảng 23 giờ đêm.

“Hiện tại thì chồng tôi vẫn tiện tặn trong khoảng dành dụm hồi còn chạy xe nên tôi không phải đưa anh tiền xài vặt. Nhưng giờ nghe tin giấy phép bị thu hồi vô thời hạn đến mấy chục nhà xe, coi như Tết này gia đình chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của chồng tôi trắng tay. May là chúng tôi không phải bận bịu chuyện con nhỏ, chứ nếu không thì… ổ chó cũng không có để mà bán như chị Dậu cái thời tắt đèn trong tác phẩm văn học của cụ Ngô Tất Tố…” – bà Diễm Kiều chua chát nhận xét. 

“Mấy tháng nay giá cả tăng cao trong khi thu nhập giảm nên tôi và nhiều anh chị em nghe tin điện tăng giá rất lo lắng. Phòng trọ hai mẹ con chỉ có một chiếc tủ lạnh, một nồi cơm điện, một quạt máy và một một bóng đèn vậy mà tiền điện đã 800.000 đồng/tháng. Nay điện tăng, tôi chưa biết xoay xở ra sao” – bà Trần Thị Lệ, người cùng xóm trọ với bà Trần Thị Diễm Kiều, góp chuyện…

… Tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố kết thúc bằng câu “Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!”. Với bà Kiều, bà Lệ thì ‘cơ đồ’ lúc này của những thân phận lao động như họ cũng ‘đen như cái mõm chó’ thời cụ Ngô Tất Tố vậy thôi.


No comments:

Post a Comment