Thới Bình
(VNTB) – Con đường cải cách hành chính kéo dài từ Võ Văn Kiệt đến Phạm Minh Chính.
Thăm thẳm con đường cải cách
Theo báo cáo tại phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, thì từ 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ…
“Phải có cảm xúc với tình hình, với những gì mà người dân và doanh nghiệp đang vướng mắc, để làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính – trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, có phát biểu đầy dân túy như vậy tại phiên họp lần thứ sáu hồi trung tuần tháng này.
Diễn biến về cải cách hành chính ở Việt Nam đang đưa đến cảm giác tương tự như tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần đã nhận xét: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (*).
Cần dũng khí Võ Văn Kiệt
Nhìn lại chặng đường mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “đổi mới”, có thể thấy rằng bắt đầu từ lúc ông Võ Văn Kiệt là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (một tên gọi trước khi chuyển sang Thủ tướng).
Ông Võ Văn Kiệt được lịch sử ghi nhận là người đã đề xuất và chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều chính sách có tính đột phá như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,… chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc tổ chuyên gia thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, thành lập thanh tra, quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thành lập thị trường liên ngân hàng, áp dụng biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và thay cho khối lượng tiền tệ duy ý chí trước đây.
Từ kết quả thực tiễn, ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo tổ cải cách tập trung xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng và Pháp lệnh các Hợp tác xã tín dụng, sau đó là xây dựng Luật ngân hàng và Luật Hợp tác xã tín dụng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành theo quy luật thị trường – lưu ý, khi ấy chưa có cái gọi là “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Một ‘cải cách tư duy’ đáng nhắc khác là với tư cách là Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt mời Thủ tướng Singapore là Lý Quang Diệu sang góp ý kiến cho công cuộc xây dựng và cải cách kinh tế Việt Nam – việc làm được cho là mới lạ với không ít cán bộ lãnh đạo cao cấp của nhà nước cộng sản Việt Nam khi ấy.
Thể chế chính trị là kẻ ngáng đường?
Kế nhiệm ông Kiệt là ông Phan Văn Khải. Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính – đó chính là dấu ấn để đời của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Chính phủ nhiệm kỳ Phan Văn Khải đã chủ trương giám/ bỏ “giấy phép mẹ”, “giấy phép con”, những rào cản của kinh tế tư nhân.
“Cải cách hành chính là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra sáng 2-8-2006, tại Hà Nội. Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, người trực tiếp chỉ đạo cải cách hành chính trong nhiều năm qua đã đến dự phiên họp này.
Phát biểu với hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành và các địa phương phải ban hành, quy chế hóa quy trình xử lý các thủ tục hành chính. Quy chế càng cụ thể, càng công khai thì nhân dân càng có điều kiện giám sát chặt chẽ hơn, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước hơn.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, kịp thời sẽ liên quan đến hiệu quả của công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Dứt khoát phải phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành và địa phương gắn liền với các quy định và công tác hậu thanh tra, kiểm tra.
“Công tác cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố đầy hùng hồn như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
Đến thời Thủ tướng Phạm Minh Chính thì dường như con đường của cải cách vẫn… thăm thẳm với các nhận xét của người đứng đầu chính phủ: ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số người đứng đầu, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, có nơi thực hiện còn “tính hình thức”…
Phải chăng ‘kẻ ngáng đường’ ở đây chính là thể chế chính trị được Hiến định tại Điều 4.1: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
____________
Tham khảo: (*) https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-185392364.htm
No comments:
Post a Comment