HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Năm giới chức của Bộ Công Thương CSVN và tập đoàn Điện Lực Việt Nam vừa bị bắt, khởi tố với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.”
Theo báo Thanh Niên hôm 4 Tháng Mười Một, danh tính năm bị can gồm các ông: Trần Quốc Hùng, phó trưởng Phòng Cấp Phép và Quan Hệ Công chúng, Cục Điều Tiết Điện Lực, Bộ Công Thương; Trịnh Văn Đoàn, chuyên viên phòng nêu trên; Nguyễn Hữu Khải, trưởng Phòng Kinh Doanh Mua Điện, công ty Mua Bán Điện, EVN; Đỗ Ngọc Tuyền, chuyên viên EVN, và Trương Hoàng Dũng, chuyên viên phòng Kỹ Thuật và Công Nghệ Thông Tin, công ty Mua Bán Điện.
Bản tin giấu chi tiết về hành vi phạm pháp của năm bị can và chỉ cho biết rằng Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đang “làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.”
Đáng nói, những bị can trong vụ án nêu trên chỉ là giới chức quản lý cấp phòng trở xuống, trong lúc cấp trên của họ dường như vẫn “vô can” trong các vụ bê bối của ngành điện.
Theo báo VNExpress hôm 4 Tháng Mười Một, trong vụ để xảy ra tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, một phó tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện, một giám đốc, hai phó giám đốc Trung Tâm Điều Độ Hệ Thống Điện Quốc Gia (A0) chỉ bị… khiển trách.
Danh tính của những giới chức này không được tiết lộ.
Các báo ở Việt Nam cho hay từ hồi cuối Tháng Năm đến giữa Tháng Sáu, các tỉnh miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là “lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính, bị sụt giảm huy động do hạn hán.”
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp có nhà máy đặt tại các khu công nghiệp phía Bắc vì thế bị cắt điện nhiều giờ, nhiều ngày liên tiếp.
World Bank (Ngân Hàng Thế Giới) ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tại miền Bắc Việt Nam là khoảng $1.4 tỷ, tương đương 0.3% GDP.
Trong một diễn biến khác, theo tờ Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ Công Thương muốn “điều chỉnh”, tức tăng giá điện cứ ba tháng một lần, nhằm “giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế.”
Bên dưới bản tin, độc giả “Phong” đặt hai câu hỏi: “Tại sao điện cần điều chỉnh giá như xăng dầu trong khi nguồn cung là các nhà máy của Việt Nam và nguồn than nếu có nhập cảng thì cũng có mức giá tính theo năm rồi? Tại sao [chính phủ] lại cho EVN tự quyết, vậy người đá bóng và thổi còi là một thì tác dụng [của] nhà nước để làm gì?” (N.H.K) [kn]
No comments:
Post a Comment