SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người dân ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, tỏ ra không đồng tình và lo lắng các con hẻm, nhà ở có thể sẽ biến thành hầm chứa nước một khi chính quyền nâng cao tuyến đường này để chống ngập.
Hôm 3 Tháng Mười, 2019, sau khi nhà chức trách cho biết sẽ nâng 500 mét đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn, đang bị lún lên cao hơn hiện nay từ 0.5 mét đến 1.2 mét nhằm “bảo đảm yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên.” Bên cạnh đó, về tổng thể, gần 3.2 cây số con đường này cũng sẽ được “nâng cấp, sửa chữa và cải tạo, cùng lúc với việc cải tạo hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…”
Theo báo Zing, dự án nâng và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh tiêu tốn ngân sách gần 473 tỷ đồng ($20.4 triệu), được thi công trong 14 tháng và sẽ khởi công vào ngày 5 Tháng Mười. Điều này không làm người dân vui mừng mà còn lo lắng.
Bà Trần Thị Tư (81 tuổi, ở đoạn gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh), lo lắng cho biết hồi đầu Tháng Chín vừa qua, cán bộ phường 22 (quận Bình Thạnh) cùng vài nhân viên khảo sát đến kiểm tra hiện trạng căn nhà của bà để làm cơ sở bồi thường nếu xảy ra lún, nứt trong lúc thi công.
“Họ nói đoạn trước nhà tôi nâng cao khoảng 70 cm để chống ngập. Nâng chừng đó thì vỉa hè chỉ cao đến bậc tam cấp. Tuy tôi không phải nâng nền nhà như nhiều hàng xóm, nhưng sau này tái diễn ngập thì chết,” bà Tư nói.
Sát bên cạnh, nhà bà Huỳnh Thị Ngọc Châu cao hơn mặt đường. Gia đình bà Châu vừa nâng nền nhà gần một mét, nhưng đến nay chỉ còn 30 cm. Cũng như nhiều người khác, bà Châu chưa biết được nhà mình thời gian tới sẽ thấp hơn mặt đường bao nhiêu.
“Tôi hy vọng đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập chứ đừng như mấy lần trước, đường nâng xong nhà vẫn ngập,” bà Châu nói.
Theo chủ đầu tư, mặt đường đoạn trước tòa nhà The Manor là rốn ngập của tuyến đường này được nâng cao nhất (1.2 mét) sẽ giúp xe cộ không bị chết máy, nhưng có thể sẽ khiến nước tràn vào nhà dân.
Bà Cao Kim Tào (ngụ hẻm 113 Võ Duy Ninh, cạnh tòa nhà The Manor), cho rằng nâng đường thêm 1.2 mét là quá cao, việc này sẽ khiến nước mưa từ ngoài đường tràn vào trong hẻm. Người dân trong hẻm đã chứng kiến cảnh nước ngập lênh láng suốt một ngày mới rút, nên khi nghe tới việc nâng đường họ lại thấy bất an.
“Nâng khoảng 70-80 cm là vừa, vì khi đó nền đường ngang với trong hẻm. Chứ nâng cao cả mét, nước tràn vào nhà thì người dân sống chung với ngập,” bà Tào phân tích.
Nói với báo Đất Việt, Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Lê Huy Bá, cựu viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường, đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Các Công Trình Giao Thông Sài Gòn, phải khảo sát địa chất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, cũng như mức độ chênh lệch giữa mặt đường và nhà dân.
Theo ông Bá, thành phố Sài Gòn là đô thị nền đất yếu, riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên mặt phẳng nghiêng, trên nền một dòng sông cổ. Do đó, đất ở khu vực này cứ chuội dần và lún xuống.
“Không thể làm chắp vá, tốn tiền, chạy theo cái vòng luẩn quẩn mà đường lún vẫn hoàn lún, mà cứ nâng mãi thì biết đến khi nào mới xong,” ông Bá bất bình nói.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết “sẽ xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để khắc phục tình trạng đường cao hơn nhà, giúp người dân đi lại dễ dàng.”
Chưa hết, đường Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp nhận hàng chục ngàn xe cộ lưu thông mỗi ngày, nhất là đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn là “điểm đen” về ùn tắc. Vào giờ cao điểm, cảnh kẹt xe xếp dài hàng trăm mét thường xuyên diễn ra và chắc chắn trong thời gian tới khi thi công dự án, tình trạng kẹt xe sẽ còn trầm trọng hơn. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment