HÀ NỘI (NV) – Đang có những dấu hiệu cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính leo thang đến mức nguy hiểm với những hệ quả có thể không lường trước được.
Theo nhóm thông tin Biển Đông IndoPacific_SCS_Info, ngày 3 Tháng Mười, 2019, gửi tới nhóm chuyên viên quốc tế lâu nay thường phân tích, bình luận về tình hình Biển Đông như Greg Poling, Collin Koh, Alex Vuving v.v… thì tình hình khu vực Bãi Tư Chính 24 giờ qua có những dấu hiệu leo thang căng thẳng.
“Các tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu 37111 và 31302 đã có những hành động nguy hiểm, chận đường đi của chiếc tàu tiếp liệu Crest Argus 5 có nhiệm vụ tiếp tế cho giàn khoan Hakuryu-5 đang hoạt động tại lô 6-1.”
Theo nhóm thông tin vừa kể, “Trung Quốc đang cố ngăn chặn hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 6-1 bằng cách chặn tàu tiếp liệu của Việt Nam. Đây là sự leo thang nguy hiểm có thể có những hậu quả không thể lường trước.”
Theo nhóm IndoPacific_SCS_Info, từ ba tháng qua, người ta đã thấy xảy ra những vụ tàu Trung Quốc xịt vòi rồng và cả ủi vào tàu của Việt Nam mà người thấy báo Thanh Niên hồi tháng trước trưng ra tấm hình tàu Trung Quốc xịt nước đuổi tài Cảnh Sát Biển Việt Nam. Đây là diễn biến mới nhất có vẻ như Bắc Kinh muốn tăng áp lực với Hà Nội.
Rất có thể vì vụ chặn tàu tiếp liệu Crest Argus 5 mà cùng ngày 3 Tháng Mười, 2019, người ta thấy bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội: “Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.”
Tàu Crest Argus 5 cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí, đi lại giữa Vũng Tàu và lô 6-1 (phía Ðông Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cách bờ khoảng 370km). Tại lô 6-1 ở Bãi Tư Chính, liên doanh Việt Nam Gas và Rosnelf của Nga đang khai thác hai mỏ khí đốt (Lan Tây và Lan Đỏ) thuộc dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Liên doanh này thuê dàn khoan Hakuryu 5 của Nhật đào thêm giếng mới từ khoảng Tháng Năm thì bị nhóm tàu Trung Quốc bắt đầu tới kiếm chuyện, kéo dài tới bây giờ.
Một ngày trước cuộc họp báo của bà Hằng, đại sứ CSVN tại Ấn Độ là Phạm Sanh Châu nói với báo chí địa phương rằng từ đầu năm đến nay, có 28 chiếc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam mà Hà Nội đã phản đối ngoại giao với Bắc Kinh 40 lần. Dù vậy, vẫn không thấy có tác dụng.
Vài ngày trước ngày diễn binh quân sự nhân ngày Quốc Khánh 1-10, Trung Cộng khoa trương những loại võ khí tối tân đe dọa cả thế giới và công bố cuốn Sách Trắng “Trung Quốc và thế giới trong thời đại mới” trắng trợn viết rằng: “Suốt 70 năm qua, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không hề phát động một cuộc chiến tranh hay cuộc xung đột nào, hoặc xâm lăng một vuông đất nào của đất nước khác.”
Có rất nhiều bằng chứng chứng minh là quyển “Sách Trắng” của Bắc Kinh dối gạt mọi người. Năm 1949, Trung Cộng đánh chiếm Tây Tạng. Năm 1962, cướp nhiều vùng đất biên giới của Ấn Độ. Năm 1974, cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh. Năm 1979, xua quân tràn sang đốt phá, đánh suốt 6 tỉnh biên giới của Việt Nam. Năm 1988, cướp một số bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa, giết 64 lính CSVN.
Nay các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính đang chịu sức ép ngày càng nặng hơn từ Bắc Kinh. (TN)
No comments:
Post a Comment