Monday, October 21, 2019

Em trai Phạm Nhật Vượng nhẹ tội ‘nhờ làm công đức nhiều’ cho ‘Phật giáo quốc doanh’


Ông Phạm Nhật Vũ (thứ hai, trái qua) trong một lần đưa cả trăm nhân viên AVG đến tu tập tại tổ đình Viên Minh ở Hà Nội. (Hình: Phatgiao.org.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong thương vụ Mobifone mua AVG, ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Công Ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) và là em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bị cơ quan điều tra xác định hưởng lợi hơn 5,800 tỷ đồng ($250.7 triệu) nhưng thoát tội.
Trong lúc cả hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao truy tố với cáo buộc “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ,” ông Vũ chỉ bị truy tố về tội đưa hối lộ vì đã “lại quả” cho hai cựu bộ trưởng và lãnh đạo MobiFone hàng triệu đô la.
Tờ Tuổi Trẻ giải thích: “Ông Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, ông Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận. Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương có đơn đề nghị xem xét cho ông Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.”
“Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, Viện Kiểm Sát cho rằng cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của Bộ Luật Hình Sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ của bị can Phạm Nhật Vũ,” tờ báo cho biết.
Trước khi bị bắt hồi Tháng Tư, 2019, ông Vũ được công luận biết đến với pháp danh “cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ, phó ban thường trực Ban Truyền Thông Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”
Một bản tin đăng trên trang web của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hồi Tháng Giêng, 2014 cho biết: “Cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ đưa gần 100 cán bộ công nhân viên AVG về dự đàn lễ quy y tại chùa Ráng – tổ đình Viên Minh ở Phú Xuyên, Hà Nội. Mỗi cán bộ, công nhân viên AVG và các bà con cô bác thân hữu của họ đã vô cùng xúc động và tự hào được nhận điệp quy y. Từ nay, đã có pháp danh, chính thức trở thành đệ tử Phật, đặc biệt từng thành viên sẽ ý thức về bổn phận, trách nhiệm của Phật tử.”
Báo Thanh Niên hôm 20 Tháng Mười dẫn cáo trạng viết: “Tại thời điểm thương vụ chuyển nhượng cổ phần được tiến hành, giá trị tài sản của AVG dựa trên các báo cáo kiểm toán xác định khoảng 3,103 tỷ đồng ($134.1 triệu), sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả thì giá trị tài sản ròng của AVG chỉ còn lại khoảng 1,970 tỷ đồng ($85.1 triệu). Ngoài ra, AVG còn bị thua lỗ kéo dài trong nhiều năm… Vì mong muốn bán AVG giá cao, nên Phạm Nhật Vũ đã đưa ra các thông tin thổi phồng giá trị doanh nghiệp. Ông Vũ đã gọi cho ông Nguyễn Bắc Son tổng cộng 85 cuộc điện thoại, 206 tin nhắn để ông này chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện mua cổ phần.”
Theo VietNamNet, ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, quê tại Hải Phòng. Ông từng sống, kinh doanh tại Đông Âu trong suốt thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Sau đó, ông Vũ trở về Việt Nam và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông Vũ nổi lên từ năm 2004, bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền và thành lập AVG hồi năm 2008. (T.K.)

No comments:

Post a Comment