Sunday, September 29, 2019

Quy định về kiểm soát quyền lực có chặn được nạn cát cứ sứ quân?


Nhan nhản cảnh tượng cảnh sát cơ động được các nhóm lợ ích sử dụng như một lực lượng làm thuê để chống lại phong trào phản kháng BOT.
Thường Sơn – (VNTB) – Đáng lo ngại hơn cho Trọng là tình trạng cấu kết giữa các nhóm chính trị – tài phiệt giữa các tỉnh thành, bộ ngành với nhau, tạo thành một mạng nhện ngày càng tán rộng và khó gỡ.
Tháng 9 năm 2019, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng bất ngờ ký ban hành Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ.
Đáng chú ý, quy định trên được ban hành chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền – dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2019.
Hội nghị trung ương 11 có tầm quan trọng đặc biệt, bởi trong cuộc họp của Ban chấp hành trung ương tại hội nghị đó sẽ nhiều khả năng ‘chốt’ danh sách sơ bợ các ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Nếu Hội nghị trung ương 10 chỉ là cuộc đấu giữa những ‘cá bé’, thì Hội nghị trung ương 11 mới thật sự là cuộc sát phạt của ‘cá mập’ với nhau.
Đặc thù của thời đại mới đã được tô thắm bới tính chất đa phe phái, đa trung tâm quyền lực hơn và do đó cũng kéo theo nhiều nhóm lợi ích hơn.
Nếu cuộc chiến trước đại hội 12 chủ yếu xoay quanh trục Trọng – Dũng, thì thế trận trước đại hội 13 phong phú hơn khá nhiều: các phe phái – chủ yếu là ‘phe chính phủ’ và ‘phe đảng’ tranh giành quyền lực, còn Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt với một nhóm đối thủ mà có thể bao gồm phe chính phủ lẫn bên đảng muốn triệt tiêu ‘sự nghiệp cách mạng’ của ông ta.
Tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương cũng bởi thế đang diễn tiến mau lẹ, trở thành một nguy cơ mà thâm tâm đảng cầm quyền có thể còn lo sợ hơn quốc nạn tham nhũng.
Từ sau đại hội 12, bất chấp quyền uy gần như tuyệt đối của Tổng bí thư Trọng, tình trạng cát cứ quyền lực đã nổi lên tràn lan ở một số bộ ngành và địa phương. Tất cả đều lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’.
Không phải vô cớ mà Trọng chọn Đà Nẵng, TP.HCM và sau đó đến Đồng Nai là những tỉnh thành cần phải ‘đốt lò’. Đã từ lâu, ở những tỉnh thành này đã xuất hiện nhiều biểu hiện về lãnh đạo gia đình trị và hoành hành như thể những ông vua con vào thời ‘Mười hai sứ quân’ trong lịch sử Việt Nam.
Cũng không phải vô cớ mà Nguyễn Phú Trọng lại ‘xẻ thịt’ Bộ Công an, xóa bỏ toàn bộ cấp tổng cục của bộ này vào đầu năm 2018, trong khi vẫn giữ nguyên 6 tổng cục ở Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên sau những hành động có vẻ khá kiên quyết trên, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương vẫn âm thầm diễn biến ở nhiều bộ ngành và địa phương. Và thật trớ trêu, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này lại do chính chủ trương ‘nhất thể hóa’ của Nguyễn Phú Trọng đưa vào thực hiện từ năm 2017, như một cách ‘gậy ông đập lưng ông’.
Trước đây, các bí thư tỉnh/thành ủy và chủ tịch ‘tỉnh’thành ủy luôn là hai người. Nhưng sau khi thực hiện ‘nhất thể hóa’ bí thư và chủ tịch làm một, ở nhiều địa phương đã hiện hình những ông vua con, vừa nắm khối đảng vừa nắm khối chính quyền, và trong thực tế có bí thư – chủ tịch còn chi phối luôn cả bộ máy hoạt động của hội đồng nhân dân cùng cấp.
Những ông vua con trên, ngoài mặt vẫn tuân thủ trung ương và lấy lòng Nguyễn Phú Trọng, nhưng bên trong đã xuất hiện ngày càng nhiều những tổ hợp tài phiệt. Nếu trước đây bí thư hoặc chủ tịch tỉnh/thành khi quyết một vấn đề gì quan trọng của địa bàn đều phải hỏi ý kiến người kia, thì nay những ông vua con hoàn toàn có thể tự quyết, cùng lắm thì hỏi ý kiến bên hội đồng nhân dân như một thủ tục cho có.
Đáng lo ngại hơn cho Trọng là tình trạng cấu kết giữa các nhóm chính trị – tài phiệt giữa các tỉnh thành, bộ ngành với nhau, tạo thành một mạng nhện ngày càng tán rộng và khó gỡ.
Đó chính là mối họa cho Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta trong một ngày không còn xa nữa, bất chấp Quy định về kiểm soát quyền lực vừa được ban hành.

No comments:

Post a Comment