Sunday, September 29, 2019

Mô hình thái thượng hoàng, một hủ tục được CS duy trì trong bộ máy cai trị


Đỗ Ngà|

Thái thượng hoàng là một chức danh của một số triều đại phong kiến Á Đông. Lịch sử tước vị thái thượng toàng theo ghi chép là bắt đầu từ thời Nhà Hán. Khi Hán Cao Tổ – Lưu Bang lên ngôi, ông ta phong cho cha mình Lưu Thái Công một chức danh là Thái Thượng Hoàng để tôn kính, chức danh thái thượng hoàng khi đó là có danh chứ hoàn toàn không có thực quyền.
Nguồn gốc là như vậy, nhưng về sau một số triều đại phong kiến Á Đông lấy đó làm chuẩn mực. Vua ở các triều đại đó thay vì ngồi ngai đến hết đời thì họ chủ động thoái vị nhường ngôi cho con. Mục đích của việc nhường ngôi là vua cha muốn dìu dắt đứa con nối ngôi của mình đi một đoạn trên con đường cai trị trước khi ông băng hà. Hơn nữa, việc đưa con lên nối ngôi khi vua cha còn sống thì sẽ giảm bớt nguy cơ anh em chém giết lẫn nhau sau khi vua cha băng hà. Cho nên, ở những triều đại đó, thái thượng hoàng rất có thực quyền. Tuy không điều hành triều chính nhưng thái thượng hoàng điều hành được vua con, những quyết sách của vua con đòi hỏi phải có cái gật đầu của thái thượng hoàng. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, có nhà Trần là làm theo mô hình này.
74 năm cai trị của ĐCSVN so với lịch sử thì nó chỉ mới là chớp mắt, ấy vậy mà ĐCS cũng đã trải qua 2 loại mô hình phong kiến như vậy. Lãnh đạo đời đầu gồm Hồ Chí Minh và Lê Duẩn là 2 người ngồi ở ngôi báu cho đến chết, riêng từ thời Nguyễn Văn Linh trở về sau thì hoàng đế sẽ thoái vị và rút về hậu trường làm thái thượng hoàng. Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh sau khi hết nhiệm kỳ thì vẫn ôm chức “cố vấn ban chấp hành trung ương ĐCSVN” – một chức danh tương đương với chức thái thượng hoàng thời phong kiến. Ở ĐCS, Bộ Chính Trị là một đám vua tập thể thì chức “cố vấn ban chấp hành trung ương đảng” cũng là một đám thái thượng hoàng tập thể. Chức danh này đã được bãi bỏ năm 2001, nhưng về thực chất từ 2001 đến nay, các ông lãnh đạo về hưu vẫn tham tham gia vào việc triều chính trong các hội nghị quan trọng.
Ngày 27/09/2019, tại Hà Nội, trong dự thảo văn kiện Bộ Chính Trị ĐCSVN đã mời những ông lãnh đạo đã về hưu như Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng tham gia dự thảo văn kiện địa hội 13. Nói thẳng những cái đầu như Đông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng lúc minh mẫn nhất cũng không làm nên trò trống gì cho đất nước chứ đừng nói chi là khi về hưu. Đây chính là một hình thức thái thượng hoàng tham gia triều chính của ĐCS. Nó vẫn được duy trì mặc dù chức danh “cố vấn ban chấp hành trung ương ĐCSVN” đã không còn nữa.
Hình thức thái thượng hoàng trong chính trị cần phải bãi bỏ vì 2 lý do sau: thứ nhất, thời này là thế kỷ 21 nên những gì thuộc về phong kiến xưa cũ và nó không còn phù hợp thời nay nên cần phải loại bỏ; thứ nhì chính hình thức thái thượng hoàng can dự triều chính kiểu này đã làm cho những chính sách nhà nước bị trói buộc bởi những cái đầu cai trị lạc hậu và lú lẫn. Điều này rất nguy hiểm cho tương lai đất nước.
Vì sao ở các nước dân chủ người ta giới hạn tổng thống chỉ tối đa 2 nhiệm kỳ? Vì đơn giản trong khoảng 10 năm, một đường lối dù có đúng như thế nào thì nó cũng đến lúc bộc lộ yếu điểm, chính vì thế mà sau 2 nhiệm kỳ thì đất nước cần thay đổi người lãnh đạo mang tính bắt buộc. Nước pháp thời tổng thống Jacques Chirac trở về trước, nhiệm kỳ tổng thống kéo dài đến 7 năm và không giới hạn số nhiệm kỳ, như vậy một tổng thống tại vị chỉ 2 nhiệm kỳ thôi thì thời gian cầm quyền lên đến 14 năm, quá dài. Đây là một điều bất hợp lý, cho nên năm 2000 quốc hội Pháp đã bỏ phiếu rút ngắn nhiệm kỳ xuống còn 5 năm, và đến năm 2008 quốc hội nước này đã sửa luật cho phép tổng thống pháp tại vị không quá 2 nhiệm kỳ. Đó là xu hướng chung của những hệ thống chính trị tiến bộ trên thế giới, và Pháp không muốn tụt hậu phải cải tổ thôi.
Ngày nay, tổng thống pháp đương nhiệm đắc cử khi tuổi đời còn rất trẻ. Và trên thế giới không thiếu những quốc gia có người lãnh đạo đất nước là lớp trẻ năng động dám đột phá. Nhân tố mới và nhân tố trẻ là xu hướng đang thịnh hành tại các phát triển hàng đầu. Ấy và mà tại Việt Nam, nguyên tắc thái thượng hoàng can dự triều chính vẫn duy trì. Và kết quả là, đất nước càng ngày càng tụt hậu mọi mặt như mọi người thấy. Đó là một trong những yếu tố cấu thành cái họi là “Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học” của Cộng Sản. Khoa học của họ thế đấy, một hình thức mót vét những cặn bã thời phong kiến để làm nên thứ “khoa học” của riêng họ và hậu quả thì nhân dân và đất nước lãnh đủ./.

No comments:

Post a Comment