HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Người dân ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, bất ngờ thấy hàng tấn cá chết chưa rõ nguyên nhân bị sóng biển đánh dạt vào bờ trải dài bốn cây số.
Tối 27 Tháng Chín, 2019, xác nhận với báo Thanh Niên, ông Phan Văn Nhàn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trưa cùng ngày, người dân ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, phát hiện cá chết bất thường, bị sóng đánh dạt vào bờ biển. Số lượng cá chết hầu hết là cá trích và cá nóc, nằm rải rác trên bờ biển.
“Số lượng cá chết ước lượng khoảng hai tấn, kéo dài từ điểm giáp ranh giữa xã Thịnh Lộc với xã Thạch Bằng. Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Hà Tĩnh đã cử đoàn công tác về địa phương lấy mẫu để xác định nguyên nhân việc cá chết bất thường này. Trong khi chờ kết quả, ủy ban huyện đã cho các lực lượng thu gom, đưa về chôn lấp ở vị trí quy định,” ông Nhàn nói.
Đến khoảng 7 giờ tối cùng ngày, lực lượng hữu trách huyện Lộc Hà vẫn đang thu gom số cá bị chết dạt vào bờ.
Cũng theo ông Nhàn, thời gian gần đây nước biển ở xã Thịnh Lộc “không có hiện tượng gì bất thường. Cá chết dạt bờ cũng chỉ xẩy ra tại bờ biển thuộc xã này trong khi tại biển Thạch Bằng cùng huyện không thấy hiện tượng trên.”
Nói với báo Lao Động, ông Võ Tá Bình, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Lộc Hà, cho biết cá chết nghi “do một số tàu thuyền đánh cá trên biển dùng mìn, hoặc kích điện đánh bắt,” đồng thời khuyến cáo người dân không vớt cá chết về ăn.
Liên quan đến vụ 100 tấn cá nuôi lồng bè chết bất thường hàng loạt ở xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà), xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh) và xã Cẩm Phúc, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) liên tục trong ba ngày từ 8 đến 10 Tháng Chín, báo Hà Tĩnh dẫn kết quả phân tích của Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường và Bệnh Thủy Sản Miền Bắc, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến cá lồng chết hàng loạt tại các địa phương trên là do sự biến động của độ mặn dẫn đến thay đổi đột ngột các quá trình trao đổi chất, quá trình thẩm thấu của tế bào dẫn đến cá nuôi bị sốc, giảm khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, độ kiềm thấp làm giảm độ pH, giảm sự sinh trưởng của thực vật phù du. Hàm lượng Fe cao trong nước cũng tác động xấu đến sức khỏe của cá. Mặt khác, thời điểm cá chết vào rạng sáng là lúc hàm lượng oxy trong môi trường nước xuống thấp nhất và nước thượng nguồn đổ về mang theo vật chất hữu cơ và các chất thải… làm cá nuôi chết hàng loạt…” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment