Sunday, September 29, 2019

CSVN sợ dân, không cho tổ chức tuần hành vì khí hậu



Cảnh khói bụi ở Sài Gòn trong những ngày này. (Hình: Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 27 Tháng Chín, giới hoạt động môi trường, xã hội dân sự đồng loạt bày tỏ sự bất mãn vì sự kiện “Tuần Hành Vì Khí Hậu” (Climate Strike) bị hủy vào giờ chót sau khi chính quyền ở Sài Gòn thông báo “từ chối cấp phép” mà không rõ nguyên do.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Sài Gòn cũng như Hà Nội được ghi nhận lọt vào top “Các Thành Phố Ô Nhiễm Hàng Đầu Thế Giới”, căn cứ vào chỉ số AirVisual.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường và là người sáng lập Tổ Chức CHANGE, chia sẻ trên trang cá nhân: “Người dân thì è cổ đóng 4,000 đồng ($0.17) tiền thuế môi trường trong mỗi lít xăng, nhưng cũng không được biết thuế môi trường dùng vào việc gì, mà thành phố vẫn ô nhiễm đến thế? Còn khi các bạn trẻ chỉ muốn tổ chức một hoạt động ôn hoà, với những thông điệp tích cực cho môi trường sống, thì không cho. Hay là vì ô nhiễm quá, nên chín người đã phải đi nhờ máy bay chủ tịch quốc hội, rồi bỏ trốn ở Nam Hàn?”


Người dân Sài Gòn không còn lòng tin vào cơ quan môi trường do phương pháp quan trắc thủ công, phải chờ ba ngày mới có kết quả. (Hình: Zing)

“Hàng trăm người đang hồ hởi chuẩn bị tham gia cuộc tuần hành ngày 27 Tháng Chín để rồi chưng hửng khi nhận thông báo hủy. Cho nên giới trẻ lại đi xem ngôi sao Nam Hàn, chơi điện tử, và đánh lộn ở trường thôi. Báo chí cũng không nên trách chúng nó sống hời hợt làm gì,” bà Hồng viết thêm.
Không chỉ bà Hồng, nhiều Facebooker khác cũng phản ứng trước quyết định hủy sự kiện nêu trên của chính quyền. Facebooker Quyet Ho bày tỏ trên trang cá nhân: “Ngay cả khi người dân tỏ rõ thiện chí qua việc xin phép tổ chức tuần hành ôn hòa vì môi trường để hưởng ứng phong trào #ClimateStrike đang diễn ra khắp thế giới thì chính quyền cũng không cho. Họ quyết tâm chây ì luật biểu tình. Cuối cùng vì vẫn phải quyền ta thì ta cứ làm mà thôi. Bởi trong con mắt của chính quyền độc tài thì mọi hình thức tuần hành biểu tình đều là nguy cơ lật đổ chính quyền đối với họ. Thử hỏi hai chữ “chính danh” như vậy thì để làm gì? Khi suốt ngày lo sợ nhìn tứ phía đâu cũng ra kẻ thù?”
Đến nay, việc chính quyền tại Sài Gòn cũng như Hà Nội cho ngăn cản hoặc trấn áp các cuộc xuống đường vì môi trường đã có tiền lệ, với nguyên do được các báo nhà nước diễn giải là người tuần hành “bị các thế lực thù địch kích động, xúi giục”.
Liên quan đến cáo buộc này, báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 18 Tháng Chín viết: “Một số nhân vật chuyên chĩa mũi dùi vào một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội như một nhà máy gây ô nhiễm môi trường, một quan chức tham nhũng… Do bị tác động bởi các thông tin một chiều, nhiều người dân đã bị lôi kéo xuống đường, gây mất trật tự an ninh trong vụ Formosa Hà Tĩnh [thảm họa cá chết tại vùng biển miền Trung] hồi Tháng Tư 2016…”
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ hôm 29 Tháng Chín đưa ra lời khuyên cho bạn đọc: “Bạn không cần xuống đường biểu tình chống biến đổi khí hậu hoặc trở thành một nhà khoa học có công trình nghiên cứu lớn lao. Bằng những việc làm nhỏ mỗi ngày, bạn cũng có thể cứu trái đất.”
Cũng cần nói thêm, Việt Nam mới đây được ghi nhận tham gia phong trào #globalclimatestrike, sau 185 quốc gia khác. (T.K.)

No comments:

Post a Comment