Monday, June 24, 2019

Việt Nam còn nhiều ‘hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam’

CEO Tập Đoàn Asanzo Phạm Văn Tam (giữa) từng được các báo nhà nước ca tụng là doanh nhân “tay trắng làm nên sự nghiệp.” (Hình: VnEconomy.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai ngày sau vụ Tập Đoàn Asanzo bị phác giác “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam,” bà Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, và là người khởi xướng chương trình “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” lên tiếng giãi bày trên trang cá nhân.
Trong vụ này, bà Hạnh chịu nhiều chỉ trích và cáo buộc bán danh hiệu “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” cho Asanzo cũng như các doanh nghiệp khác buôn hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để họ đánh lừa người tiêu dùng.
Bà Hạnh viết trên trang cá nhân hôm 23 Tháng Sáu: “Danh hiệu ‘Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao’ không phải là do nhà nước cấp mà là danh hiệu do Hội cùng tên, của tư nhân, cấp trong 23 năm qua. Toàn bộ chi phí là do Hội này tự lo và khi trao danh hiệu, cũng hoàn toàn không thu phí. Đây là hoạt động phi lợi nhuận nhằm xác lập danh sách doanh nghiệp được người tiêu dùng tin cậy, để khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt. Toàn bộ chi phí điều tra [khảo sát về thương hiệu] do Hội tự lo.”
“Về trường hợp của Asanzo, [trước khi vụ việc vỡ lỡ] cơ quan chức năng không phát hiện doanh nghiệp làm ăn gian dối; báo chí và các đoàn thể của người tiêu dùng cũng không có ý kiến nào về Asanzo, và đó là sự thực đã diễn ra vào thời điểm của cuộc điều tra của Hội. Thực tế là tình hình quản lý gian lận thương mại của nhà nước chưa bao quát hết và việc thực thi trên cả nước cũng chưa nghiêm. Các cơ quan đã quản lý lỏng lẻo để cho doanh nghiệp làm ăn gian lận tung hoành lâu dài. Nếu cơ quan quản lý bất cập như vậy thì hiện nay, vẫn đang diễn ra một thực tế mà doanh nghiệp làm ăn chân chính Việt Nam rất lo âu là: sẽ còn không ít doanh nghiệp hành xử như Asanzo nhưng quy mô nhỏ hơn, ít truyền thông ồn ào mà chưa được phát hiện,” theo Facebook Vu Kim Hanh.
Cùng thời điểm, CEO Tập Đoàn Asanzo Phạm Văn Tam được báo VietNamNet dẫn lời thanh minh: “Sản phẩm Asanzo không phải ‘Made in Việt Nam’ mà xuất xứ tại Việt Nam và nhập các linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp. Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình, do vậy, Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước.”
Phát ngôn của ông Tam bị cho là “đổ dầu vào lửa” vì ông này đánh tráo khái niệm hàng “xuất xứ tại Việt Nam” để che đậy nguồn gốc sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Hiện tại, một số trang web của các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam đã cho gỡ các sản phẩm của Asanzo khỏi kệ hàng hoặc chuyển sang trạng thái “hết hàng.” Tuy vậy, chưa có chỉ dấu gì cho thấy tập đoàn này sẽ bị cơ quan quản lý thị trường điều tra về tội gian lận.
Facebooker Hà Thanh Phúc bình luận trên trang cá nhân: “Nói ra thì đụng chạm chứ còn nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam cũng toàn nhập hàng từ Quảng Châu về rồi thay mác thôi, hoặc đặt người ta gia công ra thành phẩm luôn. Bạn muốn gì ở Quảng Châu cũng có. Mình từng là dân đi buôn ở Quảng Châu một thời gian và bạn bè là dân buôn chuyên nghiệp hàng Quảng Châu đều biết điều này. Việt Nam còn lâu mới sản xuất được, mà có làm được thì giá thành cũng quá cao, sẽ kinh doanh không có lãi. Không chỉ ‘made in Vietnam’ mà từ Trung Quốc thành Ý, Pháp cũng dễ ẹc luôn!” (T.K.)

No comments:

Post a Comment