Minh Quân (VNTB)| Không thể có chuyện ngân sách ‘có thặng dư 6.000 tỷ đồng’, mà đã bội chi gấp 10 lần con số đó trong quý 1 năm 2019 và khiến tỷ lệ bội chi ngân sách của quý này và có thể cả năm 2019 vẫn đội trên 5%…
Tiếp theo năm 2018 được hệ thống tuyên giáo và báo đảng tung hô ‘lần đầu tiên sau 13 năm, ngân sách thặng dư 400 tỷ đồng’, quý 1 của năm 2019 còn đạt được ‘thành tích’ cao hơn thế nhiều: chi ngân sách quốc gia thấp hơn thu ngân sách quốc gia 6.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 250 triệu USD.
Ngay lập tức, con số 6.000 tỷ đồng trên được một số tờ báo nhà nước – mà bị nghi ngờ là kênh truyền thông của cánh chính phủ và của riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – tuyên truyền ầm ĩ. Tức đây là quý hiếm hoi mà ngân sách Việt Nam không những không bị bội chi mà còn có được một chút dôi dư – điều trở nên kỳ diệu khi so sánh với mức bội chi ngân sách thời sếp của Nguyễn Xuân Phúc là Nguyễn Tấn Dũng, bình quân 5 – 6% GDP, tức luôn vượt hơn mức 5% mà Liên hiệp quốc quy định là ‘mức nguy hiểm’.
Từ năm 2016, Thủ tướng Phúc đã quan tâm và chỉ đạo một vấn đề mà có lẽ vào thời Nguyễn Tấn Dũng đã chẳng nghĩ ra: không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.Nhưng có thực là ngân sách quý 1/2019 ‘có thặng dư 6.000 tỷ đồng’?
Đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định “ém” mà không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố ép tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống để làm đẹp báo cáo, cùng với sự toa rập của một quốc hội mà chắc chắn thừa biết cái nguyên tắc đương nhiên phải tính nợ gốc vào cơ cấu bội chi, nhưng chỉ biết ‘gật’. Đó cũng là một bí mật riêng có của một chính thể độc đảng và độc quyền về công bố báo cáo thu chi ngân sách, bất chấp yêu cầu về minh bạch tài chính ngân sách của Liên hiệp quốc và các tiêu chuẩn hướng tới một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa mà chính thể này đang rất thèm muốn có được để được vay các nguồn tài chính ưu đãi từ quốc tế.
Đến năm tiếp theo – 2017, tỷ lệ bội chi ngân sách lập tức được kéo giảm đầy bất ngờ và kỳ lạ.
Cần nhắc lại, kế hoạch của chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm khoảng 2/3 trong số đó, tức khoảng 170 ngàn tỷ đồng.
Với dự toán bội chi ngân sách năm 2017 là khoảng 250 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách năm 2017, con số bội chi thực sự sẽ lên đến khoảng 420 ngàn tỷ đồng, chiếm đến khoảng 8–9% GDP (so với GDP năm 2017 khoảng 210 – 220 tỷ USD) tức còn cao hơn hẳn mức bội chi kỷ lục “thời Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2013 là 6,6% GDP.
Cũng với thủ thuật ‘ém nợ gốc’như thế, năm 2018 đã được hệ thống tuyên giáo và báo đảng tung hô ‘lần đầu tiên sau 13 năm, ngân sách thặng dư 400 tỷ đồng’.
Vào quý 1 năm 2019, ngân sách Việt Nam phải trả nợ 4 tỷ USD, tương đương khoảng hơn 90.000 tỷ đồng. Nếu tỷ lệ nợ gốc/tổng nợ phải trả vẫn khoảng 2/3, con số nợ gốc mà ngân sách Việt Nam phải trả vào quý 1 năm 2019 là 60.000 tỷ đồng. Mà như vậy, không thể có chuyện ngân sách ‘có thặng dư 6.000 tỷ đồng’, mà đã bội chi gấp 10 lần con số đó trong quý 1 năm 2019 và khiến tỷ lệ bội chi ngân sách của quý nà và có thể cả năm 2019 vẫn đội trên 5%, biến ‘thành tích’ của Thủ tướng Phúc thành nỗi bất hạnh cho cá nhân ông ta, nhưng trên hết là cả một dân tộc bị đè đầu bóp họng để có tiền trả nợ./.
No comments:
Post a Comment