HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN loan báo họ sẽ lùi thời gian giới thiệu tổng quan về dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và một số cơ chế trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá môi trường đầu tư…
Tờ Pháp Luật TP.HCM giải thích việc Bộ này lùi tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017–2020 “là để công tác chuẩn bị tổ chức được tốt hơn.”
Tờ báo cho biết: “Đối với tám dự án thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công-tư), Bộ Giao Thông-Vận Tải (CSVN) dự kiến trong Tháng Tư sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư và thời gian kết thúc (phê duyệt kết quả sơ tuyển) khoảng 20 Tháng Tám. Sau khi có kết quả phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của tám dự án này, trong vòng 10 ngày, Bộ sẽ cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu, trình lãnh đạo phê duyệt. Sau đó, từ ngày 20 Tháng Mười, Bộ sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư.”
“Nhà đầu tư sẽ có tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thời gian đóng thầu khoảng 20 Tháng Giêng, 2020. Dự kiến, ngày 20 Tháng Ba, 2020, các ban quản lý dự án sẽ công khai kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức PPP,” tờ báo của Sở Tư Pháp ở Sài Gòn viết thêm.
Tin này được loan báo trong bối cảnh mạng xã hội dấy lên lo ngại rằng nhà thầu Trung Quốc sẽ được Bộ Chính Trị CSVN chỉ định thi công tuyến đường huyết mạch của Việt Nam. Người dân càng thêm hoang mang vì họ không được biết gì ngoài bản tin “cuối Tháng Sáu, 2019, khởi công cao tốc Bắc-Nam” mà các báo nhà nước đã đưa.
Theo báo Zing, tuyến cao tốc Bắc-Nam có chiều dài khoảng hơn 2,100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và trị giá $15 tỷ. Việc thi công tuyến đường huyết mạch này được dự trù tiến hành theo ba giai đoạn, từ 2017 đến 2025, và ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân bị giải tỏa mặt bằng.
Đáng lưu ý, một công trình quy mô như thế mà Bộ Giao Thông-Vận Tải, Bộ Xây Dựng (CSVN) và Bộ Chính Trị có thể đưa ra quyết định mà không cần lắng nghe ý kiến phản biện từ giới tri thức, luật sư hoặc các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Công luận cũng lo ngại vì việc đưa tin về quá trình thi công tuyến cao tốc Bắc-Nam của các báo nhà nước rất nhỏ giọt và mơ hồ. Chẳng hạn, báo Zing hồi Tháng Mười Hai, 2018 viết: “Bộ Xây Dựng (CSVN) ngay trong quý I/2019 phải hoàn thành việc rà soát, xem xét điều chỉnh định mức chi phí quản lý dự án, tư vấn phù hợp với các công trình đầu tư xây dựng nói chung theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sát thực tế, tính đúng, tính đủ.”
Luật Sư Lê Công Định ở Sài Gòn đưa cảnh báo trên trang cá nhân: “Đường cao tốc Bắc-Nam mà Trung Quốc sẽ xây dựng chính là một Vạn Lý Trường Thành kiểu mới, bao bọc Việt Nam trong sự bảo trợ kinh tế vĩnh viễn của Trung Hoa, cản trở mọi bang giao kinh tế với phương Tây. Đó là phần quan trọng trong chiến lược ‘Một Vành Đai-Một Con Đường’ của Tập Cận Bình, một Tần Thủy Hoàng thời hiện đại. Do vậy, chấp nhận cho Trung Quốc xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam là biến đất nước thành một chư hầu không lối thoát của đế quốc Trung Hoa, giam cầm dân tộc trong vòng nô lệ ngoại bang.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment