Tâm Don – (VNTB) – Trong ba năm ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức bộ trưởng Bộ Giáo dục- đào tạo, ngành giáo dục hiện hình lên đầy đủ những bế tắc, những đau xót, những ung nhọt, những thối rữa tận cùng….Và ông đã có chiến lược gì để vực nó dậy?
***
Tuổi Trẻ online ngày 9-4 có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, có tựa đề “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Làm giáo dục là đóng góp, không phải làm chính trị”, sau đó Tuổi Trẻ online sửa lại tựa đề thành “Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ trải lòng sau 3 năm ngồi ghế nóng” (https://tuoitre.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-trai-long-sau-3-nam-ngoi-ghe-nong-20190408220524909.htm). Trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Nhạ có nhiều vấn đề không rõ ràng, không cấp tiến, trong đó có vấn đề lựa chọn mô hình giáo dục. Trong bài phỏng vấn, BT Nhạ nói:
“Tham khảo các mô hình tiên tiến để chọn lọc mô hình phù hợp, có thể áp dụng hài hòa trong điều kiện Việt Nam là cách Bộ GD-ĐT đang làm. Ví dụ mô hình của Anh, Mỹ rất tốt, nhưng chưa phù hợp với mình, hay Trung Quốc quá lớn và đa dạng cũng không giống Việt Nam…
Thưa BT Nhạ, tại sao Việt Nam nhận thấy mô hình giáo dục Anh, Mỹ rất tốt nhưng lại không áp dụng vào Việt Nam? Nếu nhận thấy cái tốt, cái ưu việt mà không noi theo, không áp dụng thì bộ trưởng đã có tội rất lớn với các em học sinh sinh viên, với nhân dân, với đất nước và với cả tương lai của đất nước.Các nhà nghiên cứu sau khi khảo sát thì thấy mô hình thành công trong điều kiện gần gũi với Việt Nam là Hàn Quốc và Malaysia. Họ đã trải qua nhiều giai đoạn có những nét tương đồng với Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy, sự tác động của giáo dục đối với sự phát triển của các quốc gia này là rất mạnh mẽ. Mình hoàn toàn có thể tham khảo.”
Bộ trưởng nên nhớ rằng, học sinh sinh viên Việt Nam hoàn toàn thích ứng và thích thú với chương trình- mô hình giáo dục của Anh- Mỹ. Bằng chứng là, khoảng 20 năm trở lại đây, hàng trăm ngàn học sinh sinh viên Việt Nam đã theo học chương trình- mô hình giáo dục kiểu Anh- Mỹ cả ở phổ thông và đại học thông qua các con đường du học. Họ đã nuốt trọn chương trình này một cách nhẹ nhàng và có hiệu quả. Bằng chứng là, hiện nay trên cả nước có hàng trăm trường quốc tế do các nhà đầu tư Mỹ- Anh- Úc- Canada- New Zealand, Singapore….đầu tư đã tiến hành giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục Anh- Mỹ. Học sinh Việt Nam đã nắm bắt rất nhanh, và thích thú, thoải mái với chương trình này. Nếu có một đánh giá và khảo sát công phu và khách quan, chắc chắn rằng, tương lai của những học sinh đã học ở các trường quốc tế sáng sủa hơn các học sinh học trong hệ thống trường học nhà nước vốn có phương pháp sư phạm quá cũ rích.
Hãy ngược lại quá khứ! Việt Nam cộng hòa trước đây, dù vướng vào binh đao lửa đạn nhưng vẫn mạnh dạn áp dụng mô hình giáo dục Anh-Mỹ/Pháp, và đã nhanh chóng thành công. Các bằng cấp của giáo dục Việt Nam cộng hòa được hàng chục nước công nhận. Nền giáo dục Việt Nam cộng hòa đã tạo ra hàng chục ngàn kỹ sư và chuyên viên giỏi, hàng chục ngàn giáo viên giỏi và có trách nhiệm. Trong khi đó, nền giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa với sự chính trị hóa sâu sắc đã không gặt hái được thành tựu nào.
Hãy ngược lại quá khứ! Việt Nam trước thời kỳ năm 1945 đã được thụ hưởng nền giáo dục Pháp khai sáng dù nền giáo dục Pháp vào thời điểm ấy nặng nề về từ chương và hàn lâm. Được hưởng thụ một nền giáo dục khai sáng, Việt Nam trước năm 1945 đã có một thế hệ trí thức vàng lừng danh.
Có lẽ nào bộ trưởng không biết rằng, một trong những ước mơ mãnh liệt của các bậc phụ huynh ở Việt Nam là ước mơ con cái mình được học hành ở những hệ thống giáo dục Anh- Mỹ. Tại sao Bộ trưởng không nhận ra điều đó khi mà chắc chắn rằng bộ trưởng có rất nhiều người thân có con cháu du học ở Anh- Mỹ- Úc- New Zealand…..?
Mô hình giáo dục Anh- Mỹ không phù hợp với Việt Nam ở chỗ nào, thưa bộ trưởng? Có phải nó quá tốt, nó quá ưu việt nên không phù hợp với Việt Nam? Bộ trưởng ạ, mô hình nào càng quá tốt, càng ưu việt thì càng phù hợp và cần áp dụng ngay! Bộ trưởng nên nhớ rằng, mô hình giáo dục chỉ là phương tiện để đạt đến cái tốt, cái ưu việt. Vậy tại sao bộ trưởng lại từ chối phương tiện- giải pháp tốt ấy? Nếu bộ trưởng cho rằng, cơ sở vật chất của Việt Nam quá nghèo để áp dụng mô hình giáo dục Anh- Mỹ, thì đó là một ngụy biện. Miền Nam trước năm 1975 nghèo hơn bây giờ rất nhiều, nhưng đã vận dụng thành công mô hình giáo dục Anh-Mỹ. Việt Nam trước năm 1945 nghèo hơn bây giờ rất nhiều nhưng cả người Pháp và người Việt Nam đều áp dụng thành công mô hình giáo dục khai sáng của Pháp. Và nước Anh, nước Mỹ cách đây 200 năm chắc chắn nghèo hơn Việt Nam hiện tại rất nhiều, nhưng họ vẫn áp dụng thành công mô hình giáo dục tiên tiến của mình.
Mô hình giáo dục Anh- Mỹ dù không được quảng cáo, dù không được tuyên truyền, nhưng nó có sức sống mạnh mẽ, sức lan tỏa rộng lớn. Đến thời điểm hiện nay, mô hình giáo dục Anh- Mỹ đã được 140 nước trên thế giới áp dụng triệt để, hoặc áp dụng phần lớn và đã thu được rất nhiều thành tựu, qua đó giúp đất nước phát triển. Iraq là một đất nước Hồi giáo, trải qua rất nhiều tang thương nhưng khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, Iraq đã áp dụng mô hình giáo dục Anh- Mỹ, và đã có thành quả: vào năm 2018, Iraq lần đầu tiên trong lịch sử có một trường đại học nằm trong nhóm 1000 trường đại học tốt nhất thế giới trong khi mô hình giáo dục xã hội chủ nghĩa của Việt Nam không có trường đại học nào lọt vào nhóm 1000 trường đại học tốt nhất thế giới.
Mô hình giáo dục Anh- Mỹ không tuyên truyền nhồi sọ, không tuyên truyền chính trị, không có các tổ chức đoàn đội, không có các tổ chức đảng…, có phải vì vậy mà Bộ trưởng đã chối từ?
Mô hình giáo dục và hệ thống giáo dục tự thân nó là phi chính trị, phi văn hóa, phi tôn giáo, phi chủng tộc nên nó có thể phù hợp với bất cứ quốc gia nào, trong bất cứ điều kiện nào. Có lẽ, những điều cơ bản này có vẻ xa lạ với những kẻ bị chính trị nhồi sọ và đè nén quá lâu.
Nếu bộ trưởng Nhạ nói riêng và chính thể Việt Nam nói chung cứ mãi chối từ cái tốt đẹp, cái tiến bộ, đất nước này sẽ mãi mãi đắm chìm trong đêm đen của ngu muội và lạc hậu.
No comments:
Post a Comment