BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Trên chiều dài khoảng 120 km của cả tỉnh lộ và quốc lộ, nhà cầm quyền tỉnh Bình Phước với sự toa rập của các Bộ Giao Thông Vận Tải và Bộ Tài Chính đã cho đặt tới 6 “trạm thu phí.”
Một số báo mạng như các tờ Đất Việt, Tiền Phong vừa cho hay, giới kinh doanh của tỉnh Bình Phước kêu la chói lói về các “trạm thu phí” dày đặc trong phạm vi tỉnh, tạo khó khăn thêm tốn kém dẫn đến khả năng kém cạnh tranh.
Theo quy định của nhà cầm quyền trung ương, các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km nhưng ở tỉnh Bình Phước lại chỉ cách nhau có 20 km mà tờ Đất Việt hôm Chủ Nhật nói rằng “Xứng đáng đạt kỷ lục Guiness” thế giới.
Tờ Đất Việt thuật lại cuộc họp ngày 4 Tháng Tư, 2019 “với cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước” của ông Võ Quang Thuận – chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước, nói ông bày tỏ “sự lo ngại về các dự án BOT trên địa bàn” trong khi “Doanh nghiệp đã phải trả phí trên nhiều tuyến đường nhưng chất lượng đường thì không được nâng cấp, thậm chí còn hỏng hóc trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà…”
Theo lời ông Thuận, trung bình mỗi năm doanh nghiệp của ông mất hơn 1 tỷ đồng để trả phí qua các trạm BOT. Điều này khiến cho chi phí vận chuyển, giá cả hàng hóa tăng cao, thời gian vận chuyển cũng không được cải thiện nhiều.
Phản bác lại lại lời kêu ca, “Sở Giao Thông Vận Tải Bình Phước lại cho rằng, quy định trạm trên tuyến đường tỉnh dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo tính khả thi, tính thực tế của dự án và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh cũng đã báo cáo Hội Đồng Nhân Dân tỉnh thông qua theo quy định.”
Tờ Đất Việt thuật lời ông Đặng Đình Đào, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Phát Triển, đại học Kinh Tế Quốc Dân cho biết “về lịch sử, tỉnh lộ 741 là quốc lộ, không phải đường mới để địa phương và nhà đầu tư phải khai phá, mở đường. Địa phương cũng không thể vì lý do lịch sử để lại, do từng giai đoạn đầu tư mà đổ gánh nặng lên đầu người dân và doanh nghiệp.”
“Địa phương nhìn thấy sự bất hợp lý nhưng lại đòi doanh nghiệp phải chia sẻ. Không thể lấy lý do khó khăn mà đòi hỏi doanh nghiệp phải chia sẻ. Chia sẻ là gì khi nhà đầu tư chỉ đổ một ít tiền làm đường rồi dựng trạm thu phí trong 25-30 năm rồi bắt doanh nghiệp đóng góp? Điều đó không thể chấp nhận được. Tại sao lại bắt doanh nghiệp phải chấp nhận bất cập và chịu đựng gánh nặng chi phí?”
Dịp này ông Đào cũng nhắc lại những vụ chống đối kịch liệt các trạm thu phí trên cả nước tại nhiều địa phương mà tỉnh Bình Phước “phải lấy đó làm bài học để đừng để xảy ra chuyện tương tự.”
Tờ Lao Động hôm 5 Tháng Tư cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh này vừa có văn bản kêu ca về việc có quá nhiều trạm BOT mọc lên ở Bình Phước, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kém cạnh tranh…
Tại “đơn thỉnh cầu” của Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước cho biết: Bình Phước là tỉnh nghèo của cả nước; nhưng hiện nay, lại có nhiều trạm thu phí (BOT) nhất cả nước, với mật độ dày đặc trên hai tuyến đường Quốc Lộ 13 và đường ĐT 741.
“Chỉ tính riêng trên đường ĐT 741 từ thị xã Phước Long đến Sài Gòn có chiều dài khoảng 150km; nhưng có tới 6 trạm thu phí là: Phước Long – Bù Nho, Bù Nho – Đồng Xoài (hai trạm nằm trong đoạn đường khoảng 46 km), Đồng Xoài – Tân Lập 29km, Tân Lập – Bố Lá 30km, Bố Lá – Suối Giữa 58km và Suối Giữa – Lái Thiêu cách nhau 17,2km,” tờ Lao Động viết. “Trong khi đó, trên tuyến Quốc Lộ 13 từ huyện Chơn Thành đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lưu đặt 2 trạm thu phí. Trên Quốc Lộ 14 đoạn qua Bình Phước đặt 1 trạm thu phí. Đó là chưa tính kế hoạch xây dựng thêm tuyến đường BOT mới nối từ Đồng Phú – Bình Dương…”
Vẫn theo tờ Lao Động, “Mỗi sản phẩm sản xuất ra ở Bình Phước, tính từ đầu vào đến đầu ra phải chịu đến 24 lần thu phí, khi đi qua 6 trạm BOT trên đường ĐT 741 từ Bình Phước đến Sài Gòn. Doanh nghiệp mỗi lần nhập hàng về đi qua 6 trạm thu phí phải chịu mất phí tới 12 lần. Hàng sản xuất xong và chở đi tiêu thụ lại chịu thêm 12 lần phí nữa. Tổng cộng 24 lần phí đã kéo theo giá thành sản phẩm lên rất cao.”
Một năm trước, báo Bình Phước ngày 7 Tháng Tư, 2018, tờ báo xưng danh là “Cơ quan của đảng bộ đảng CSVN tỉnh Bình Phước. Tiếng nói của đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước” có một bài viết dài về các dự án BOT trong tỉnh với tựa đề “Thực trạng các dự án BOT trên địa bàn tỉnh.”
Trong bài viết này, báo Bình Phước khoe: “Từ khi các dự án BOT được triển khai và đi vào khai thác, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Diện mạo của tỉnh, nhất là khu vực có các dự án BOT đi qua đã có những đổi thay tích cực. Nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ vì sản xuất và đời sống được cải thiện đáng kể.”
Không những vậy, bài viết của báo Bình Phước còn cho biết các dự án BOT dày đặc tại địa phương rằng “các trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc không đảm bảo khoảng cách 70km/trạm trên cùng một tuyến đường thì phải được Bộ Tài Chính, Bộ Giao Thông vận tải có ý kiến thống nhất. Do các dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao nên để bảo đảm tính khả thi, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan thống nhất vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí và được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính chấp thuận.”
Trên mạng xã hội và cả mặt báo chính thống trong nước, người ta thấy những lời tố cáo “Lợi ích nhóm” của các quan chức Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Tài Chính, với đám tư bản đỏ và đám quan quyền các địa phương cấu kết với nhau.(TN)
No comments:
Post a Comment