SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong năm 2019, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn sẽ thực hiện 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí khoảng 8,000 tỷ đồng ($345 triệu), theo báo Thanh Niên hôm 7 Tháng Tư.
Tờ báo cho biết thêm: “Thành phố sẽ ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km vuông với khoảng 6.5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị; góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường.”
“Cụ thể, nhà chức trách sẽ hoàn thành hai dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều cường,” theo báo Thanh Niên.
Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn được ghi nhận càng lúc càng tệ hại hơn sau mỗi năm, dù nhà chức trách luôn hứa hẹn bằng các tuyên bố “sẽ hết ngập vào năm…” trong lúc đổ hàng trăm triệu đô la từ tiền thuế của dân vào các “dự án chống ngập.”
Điều khiến công luận giận dữ không hẳn vì tình trạng ngập mà còn vì giới chức đưa ra những lời biện hộ trơ trẽn, dùng “uyển ngữ” để đánh tráo khái niệm.
Trong đợt Sài Gòn ngập nặng vào Tháng Năm, 2018, công luận nổi giận vì hàng loạt tuyến đường ngập nặng, người và xe phải lội bì bõm trong lúc đại diện Trung Tâm Điều Hành Chống Ngập Nước công bố rằng trên toàn thành phố “hiện chỉ có 10 điểm ngập, còn lại là… tụ nước.”
Giải thích vì sao chuyện chống ngập tại Sài Gòn sau nhiều năm vẫn không hiệu quả dù được đổ rất nhiều tiền vào các dự án, Tiến Sĩ Hồ Long Phi, cựu giám đốc Trung Tâm Quản Lý Nước-Biến Đổi Khí Hậu thuộc Đại Học Quốc Gia thành phố ở Sài Gòn được Đài Á Châu Tự Do dẫn lời: “Công tác chống ngập ở Sài Gòn hiện đi sau Bangkok, Thái Lan khoảng 20, 30 năm. Đầu tiên phải đi vào xây dựng các công trình truyền thống, không ngoại lệ. Bangkok hoàn thiện cách đây 20 năm rồi, từ 1995 đến 2000 là họ gần như xong hết. Tokyo chẳng hạn, họ đã xong cách đây 50, 70 năm rồi và bây giờ họ đang ở các bước bổ sung. Còn mình thì hiện nay chưa xong bước căn bản.”
“Để chống ngập, các nước thường xây dựng các công trình cứng hay còn gọi là công trình truyền thống, như: cống thoát nước, cống ngăn triều… nhằm giúp giải quyết khoảng 90% tình trạng ngập; 10% còn lại giải quyết bằng các giải pháp phi truyền thống, bao gồm các công cụ về chính sách, về thể chế, về xã hội, cùng các công trình thích nghi với môi trường như hồ điều tiết nước, dải phân cách thấp…,” theo Đài Á Châu Tự Do. (T.K.)
No comments:
Post a Comment