HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Do thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách nhập cảng khiến nhiều thế mạnh nông sản của Việt Nam gặp khó, hàng vạn gia đình nông dân rơi vào cảnh bất an vì đầu ra bế tắc, theo báo cáo của Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN được báo VietNamNet dẫn lại hôm 7 Tháng Tư 2019.
Tờ báo cho biết: “Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang lao dốc. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu – thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, đang giảm mạnh khi khối lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt 1.43 triệu tấn, giá trị đạt $593 triệu, giảm 3.5% về khối lượng và giảm 20.2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm 2019 đạt $404/tấn, giảm 17.8% so với cùng kỳ năm 2018.”
Ông Lê Thành Hòa, cục phó Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản được VietNamNet dẫn lời: “Cục Bảo Vệ Thực Vật đã có báo cáo đánh giá năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam gửi cho phía hải quan Trung Quốc, cũng như xem xét lại việc giám sát với ba doanh nghiệp bị cấm do hạt cỏ. Hiện tại, chúng tôi vẫn chờ hải quan Trung Quốc thông qua danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trở lại vào thị trường này. Tuy nhiên, 2019 sẽ là năm khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Bởi, dù Trung Quốc dự kiến nhập khẩu tới 5.3 triệu tấn gạo nhưng họ sẽ xả kho dự trữ.”
Bài báo cho thấy tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đến nay phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc và bị động trước việc thay đổi chính sách của nước này.
Việc tìm lối ra ở các thị trường khác được ghi nhận là khá mù mờ vì Bộ Công Thương CSVN mới chỉ dự trù “sẽ tiến tới đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo” với Nam Hàn nhưng chưa rõ thời điểm.
Trước đó, báo Dân Trí hồi Tháng Hai, 2019 cho biết: “Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA), từ Tháng Sáu, 2018 đến nay, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này. Đáng lưu ý, không chỉ với gạo mà tới đây, toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đều phải đảm bảo các điều kiện mới của họ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp.”
Theo báo Dân Trí, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6.1 triệu tấn gạo, nhưng trong số đó chỉ có 1.33 triệu tấn xuất sang thị trường Trung Quốc, tức chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu. (T.K.)
No comments:
Post a Comment