Ben Ngô BBC Tiếng Việt 06-11-2018
Một nhà quan sát nói với BBC rằng thử thách lớn nhất của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam tới đây là "làm sao dung hòa được các quyền lợi đối nghịch của các bên tham gia", trong lúc một nhà hoạt động cho rằng nhiệm vụ trước mắt là giải nghĩa cho công nhân hiểu công đoàn "không làm chính trị".
Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang xem xét thông qua CPTPP, truyền thông nói Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có "tổ chức khác cạnh tranh" và tránh đề cập đến khái niệm "công đoàn độc lập".
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh hôm 5/11 dẫn lời: "Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình."
"Trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định thật sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện."
"Đặc biệt, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp."
'Chỉ còn trên lý thuyết'
Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh nói với BBC hôm 6/11: "Trong quá trình tham gia đàm phán TPP và sau này là CPTPP, Việt Nam thừa biết sẽ phải thay đổi rất nhiều luật lệ trong nước để phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nhưng Việt Nam vẫn luôn chần chừ để mua thời gian không thực hiện những cam kết của mình."
"Điển hình là năm 2012, Việt Nam vẫn thông qua luật Công đoàn dù biết rằng đang trong giai đoạn chót để thông qua TPP. Ở thời điểm kết thúc đàm phán TPP, ngoài cam kết chung trong chương 19, do áp lực của Mỹ, Việt Nam buộc phải ký riêng với Hoa Kỳ một bản phụ lục để phía Mỹ có thể giám sát tiến trình tuân thủ này nhưng Việt Nam đã xin được triển hạn thi hành điều khoản này từ 3 đến 5 năm."
"Nhưng khi chính quyền Trump đã rút ra khỏi TPP cho nên, điều kiện giám sát này cũng bị mất luôn mà chỉ còn cam kết chung của tất cả mọi thành viên theo chương 19 của Hiệp định CPTPP."
"Như thế thì khả năng Chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do nghiệp đoàn chỉ còn trên lý thuyết vì trong 10 nước thành viên còn lại của CPTPP không có ai có đủ trọng lượng để áp lực Việt Nam thực thi điều này. Đó là chưa kể đến Việt Nam sẽ viện dẫn trường hợp đặc biệt để kéo dài thời gian thực hiện cam kết."
"Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội Việt Nam có thể thông qua Hiệp định CPTPP để có thể hưởng lợi về kinh tế trước mắt và từ từ, có thể là 3 đến 5 năm nữa, Chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi một số luật, trong đó có luật Công đoàn 1992 để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới."
Ông Vũ Đức Khanh, từ đảng Dân chủ Việt Nam ở hải ngoại, nói thêm: "Tôi nghĩ đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đương nhiệm không có lý do gì phải lo sợ các lực lượng nghiệp đoàn tự do, độc lập với họ."
"Thứ nhất, Đảng đã có một quá trình kinh nghiệm đấu tranh công đoàn gần 90 năm từ những năm đầu của cách mạng từ năm 1929."
"Thứ hai, một bộ máy Đảng và Nhà nước độc quyền như hiện nay thì tại sao lại phải sợ cạnh tranh với những tổ chức chỉ mới vừa được thành lập và tập tễnh bước vào sân chơi."
"Và thứ ba, việc các nghiệp đoàn này đào tạo được một lãnh đạo xứng tầm quốc gia và quốc tế cũng phải đòi hỏi ít nhất gần một thế hệ, có nghĩa là phải mất khoảng 20 năm."
"Về phần công đoàn Nhà nước, họ buộc phải thay đổi một cách toàn diện để tồn tại. Chấp nhận quy luật cạnh tranh để sinh tồn."
"Thử thách lớn nhất của họ là làm sao luôn là người đại diện chân chính và thiết thực đối với tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt trong bối cảnh khi Nhà nước lại đóng vai trò của giới chủ nhân kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường đa thành phần."
"Quyền lợi của đảng chính trị cầm quyền, của Nhà nước trực tiếp làm kinh tế, của tầng lớp tư bản ngoại quốc và tư sản dân tộc, và của người lao động cần phải được các lãnh đạo công đoàn cân nhắc. Sự sống còn của họ đã bắt đầu nằm trong tay của người lao động khi tầng lớp này thực hiện quyền lựa chọn."
"Còn đối với các nghiệp đoàn độc lập, tự do, thử thách lớn nhất và trước mắt của họ là làm sao có thể dung hòa được các quyền lợi đối nghịch của các bên tham gia."
"Để tồn tại, lãnh đạo các nghiệp đoàn độc lập, tự do phải đạt được tính chính danh từ người lao động đã lựa chọn họ."
"Đồng thời, họ phải chứng tỏ rằng họ không nguy hại cho Đảng mà ngược lại có thể là đối tác chiến lược. Riêng đối với giới chủ doanh nghiệp dù đó là doanh nghiệp quốc doanh, tư doanh trong nước hay các nhà đầu tư nước ngoài, các vị lãnh đạo này cũng cần phải học bài học "hợp tác" mà quên đi "đấu tranh giai cấp". Vì đơn giản là nếu không có tư bản đầu tư thì sẽ không có người lao động."
'Cái nhìn lạc quan'
Cùng ngày 6/11, ông Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động công đoàn, nói với BBC: "Việc cho lập công đoàn độc lập là tin vui cho giới hoạt động công đoàn, đem lại cái nhìn lạc quan."
"Tuy vậy, cũng có lo ngại về một dạng mang danh nghĩa là "công đoàn độc lập" nhưng thực chất là có sự điều hành của Nhà nước."
"Cần nhìn nhận thực tế là luật Lao động chưa phù hợp với công nhân Việt Nam nên cần phải sửa đổi một số điều luật."
"Tôi nghĩ thách thức trước mắt của giới hoạt động là hướng dẫn cho người lao động biết rõ quyền lập công đoàn độc lập."
"Đại đa số công nhân có thể vẫn chưa hiểu công đoàn độc lập nếu có thì giúp ích được gì cho họ và có khác gì công đoàn Nhà nước."
"Điều mấu chốt là giải nghĩa cho công nhân hiểu công đoàn "không làm chính trị" như cách họ bị tuyên truyền lâu nay."
Ông Chương, người từng thụ án 7 năm tù giam vì hoạt động đòi hỏi quyền lợi cho công nhân, cũng nói thêm với BBC: "Tôi cũng như những nhà hoạt động công đoàn khác nhận thấy có thể học hỏi mô hình công đoàn Ba Lan và Úc."
"Quan trọng là tìm hiểu cái nào thích hợp với tình hình ở Việt Nam và điều chỉnh thế nào."
"Mặt khác, giới hoạt động công đoàn cũng cần thời gian để củng cố tổ chức chặt chẽ hơn trong lúc tăng cường thay đổi nhận thức cho công nhân."
Trong một bài viết trên BBC hồi tháng 2/2016 khi có những đàm phán về TPP, nhà quan sát Nguyễn Quang Duy từ Úc nhận định: "Một cách cơ bản các công đoàn phải thực sự phát xuất từ công nhân, phải do công nhân lập ra, được công nhân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân."
"Những người lãnh đạo công đoàn phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ."
No comments:
Post a Comment