Ánh Liên (VNTB) Trong tuần qua, nhiều báo đưa tin về việc, tại phiên chất vấn sáng 1.11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, liên quan đến việc ‘chủ động từ chức khi không còn uy tín’. Trả lời câu hỏi này, ông Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ chức là một vấn đề mới và mang tính tự nguyện, bởi luật chưa quy định rõ ràng.
Vấn đề từ chức trong hệ thống cán bộ Việt Nam hiện nay là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go và phức tạp, nó không chỉ biểu hiện bằng sự giằng co giữa lợi ích nhóm, mà còn là biểu hiện đặc trưng của tính chất bám rễ trong đời sống chính trị Việt Nam.
Từ dự thảo nêu gương đến ‘mất mát’ trong quy định chính thức
Cách đây không lâu, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN đã thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương trước hết của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhiều báo sau đó đã đưa những thông tin liên quan đến Dự thảo này, trong đó nổi bật nằm ở Điều 2 (dự thảo chỉ có 4 điều): Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật…
Nguyên lý của quy định nêu gương này sau đó được ông Nguyễn Phú Trọng - TBT ĐCSVN giải thích bằng cụm từ: phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Điều này là nhằm chấn chỉnh lại đạo đức và tác phong cán bộ để ‘tránh đánh mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng’.
Nhưng sau khi kết thúc thảo luận, trong bản chính thức được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành (25.10.2018), thì nội dung của Điều 2 nêu trên bị cắt bỏ một phần quan trọng, chỉ còn vỏn vẹn: Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, từ quy định tính trách nhiệm cực kỳ cao là ‘bản thân không còn đủ điều kiện, uy tín, để mất đoàn kết, để cấp dưới tham nhũng, lãng phí,..’ thì nay chỉ còn dừng ở phạm vi rất chung chung ‘không đủ điều kiện năng lực, uy tín’.
Sự thay đổi này chứng tỏ trở lực của quy định từ chức ngay trong nội bộ ĐCSVN cũng gặp nhiều khó khăn, và càng cho thấy rằng, quá trình chống tham nhũng (khi không gắn với tính trách nhiệm) là cực kỳ khó khăn, gian nan. Hiệu quả chống tham nhũng nếu có (xuất phát từ phong trào ‘đốt lò’ của ông TBT) chỉ giải quyết ở mức ngọn, và sẽ tiếp diễn tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’. Hệ quả giám sát của cấp ủy trên đối với cấp dưới trở nên vô nghiệm và không mang tính răn đe cao. Ít nhất, khi mà bản thân lãnh đạo không còn chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cấp dưới, sẽ khiến họ có xu hướng ‘giơ cao đánh khẽ’.
Không đâu xa xôi, tuyên bố của ông Đoàn Ngọc Hải phó Chủ tịch quận 1, TP. HCM đã nói ra vào ngày 20.02.2017 về vấn đề trật tự đô thị vẫn là một bài học đáng giá về cái gọi là tự nguyện... từ chức.
‘Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn...’.
Không đâu xa xôi, tuyên bố của ông Đoàn Ngọc Hải phó Chủ tịch quận 1, TP. HCM đã nói ra vào ngày 20.02.2017 về vấn đề trật tự đô thị vẫn là một bài học đáng giá về cái gọi là tự nguyện... từ chức.
Từ chức là tự nguyện hay bắt buộc?
Ông Phó Thủ tướng diễn giải rằng, sau khi có Nghị quyết T.Ư 8, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể thể hóa ở các văn bản quy phạm pháp luật.
Vấn đề mâu thuẫn mà bản thân ông Phó Thủ tướng không thể lý giải được rằng, văn bản quy phạm pháp luật dù cụ thể hóa từ Nghị quyết T.Ư 8, thì nó phải mang tính rõ ràng, ràng buộc, và chế tài. Nhưng tại Quy định số 08 nêu trên, chỉ có cụm từ ‘chủ động xin từ chức’ thay vì ‘từ chức’. Điều này có nghĩa gì, đó là việc từ chức dù cụ thể hóa đến bao nhiêu thì nó vẫn mang tinh thần ‘tự nguyện’, chứ không phải từ Nghị quyết đảng, đi sang văn bản quy phạm pháp luật lại chuyển hóa bản chất của từ chức, bởi điều này không khác gì việc Nghị quyết chỉ đạo 1 đàng, văn bản quy phạm pháp luật đi theo một nẻo. Ngược lại, muốn ràng buộc trách nhiệm chắc chắn, thì Quy định 08 phải sửa lại câu từ như đề cập bên trên.
Đặt vấn đề rằng, các văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ đầy đủ ý chí của Quy định 08, thì lúc này từ chức trong tinh thần tự nguyện sẽ vẫn là một việc làm cực kỳ khó đối với các quan phụ mẫu xứ Việt Nam này. Ít nhất là về mặt danh dự và nhân cách lãnh đạo vẫn chưa đủ để tiến hành điều đó, trong khi những lợi ích về quyền và tiền nảy sinh từ chức vụ là cực kỳ lớn.
Trong một bối cảnh, tại Tp. Đà Nẵng đã đề ra chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng cho cán bộ, lãnh đạo tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ trẻ, sắp xếp lại bộ máy. Và vị ‘cán bộ’ đầu tiên thực hành chính sách này là ông Lê Văn Quang - Phó ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng. Mặc dù tự nguyện, nhưng vấn đề là ông Quang sinh năm 1959 (tức lúc từ nhiệm ông đã 59 tuổi). Theo Điều 187 Luật lao động, thì độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, và ông Quang cũng không nằm trong trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian công tác theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Đồng nghĩa, thay vì ngồi thêm 1 năm, thì ông Quang có thể nghiễm nhiên lãnh được 160 triệu và được tiếng làm gương.
Sự kiện tại Đà Nẵng cho thấy, ngay cả khi có nguồn tiền được chi ra, thì nguồn tiền đó cũng không tạo đủ sự hấp dẫn cho cán bộ từ chức. Thay vào đó, để cán bộ ‘tự nguyện’ thì cần gắn liền với trách nhiệm quản lý, nếu quản lý yếu kém thì buộc tự nguyện ra đi, nếu không sẽ tiến hành kỷ luật.
Khi chưa làm được điều nêu trên, thì quy định nêu gương vẫn mang tính hình thức là chính, bởi đối với cán bộ Việt Nam, chẳng ai có thể rời nhiệm sở nếu như vẫn còn lợi lộc và mối quan hệ được nảy sinh trên ghế. Nói cách khác, sẽ khó có chuyện 'nêu gương' ở đây.
No comments:
Post a Comment