Kính Hòa RFA-2018-11-05
Công nhân một nhà máy ở Đà Nẵng biểu tình tháng 1/2008.AFP
Ngày 2/11/2018, Ông Ngô Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng công đoàn lao động Việt Nam, nói trước Quốc hội rằng ông lo ngại 2 điều khi Việt Nam gia nhập Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 11 nước (CPTPP), mà Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký đề nghị Quốc hội phê chuẩn. Hai điều đó là sẽ có những tổ chức mà ông gọi là “công đoàn vàng” xuất hiện, và điều thứ hai là những tổ chức của công nhân sẽ hoạt động chính trị, chống phá nhà nước.
Sở dĩ như vậy là vì khi Việt Nam gia nhập CPTPP, và có thể là cả hiệp định thương mại tự do với Châu Âu sau này, Việt Nam sẽ phải cho phép các nghiệp đoàn độc lập của công nhân hoạt động, thay vì chỉ có công đoàn của nhà nước như hiện nay.
Vậy “công đoàn vàng” là ai? Và công đoàn có hoạt động chính trị hay không?
Khái niệm công đoàn vàng bắt đầu từ nước Pháp để chỉ những tổ chức công đoàn do giới chủ nhân thành lập nhằm cản trở công nhân đình công đòi quyền lợi của họ. Theo một số tài liệu thì việc này bắt đầu từ cuộc đình công của thợ mỏ ở Pháp vào ngày 8/11/1899, sau khi nhóm nghiệp đoàn do giới chủ thành lập cản trở cuộc đình công, họ đã bị công nhân tấn công, ném đá, khi đang nhóm họp trong một quán cà phê. Cửa kính của quán này sau đó được sửa chữa bằng những tờ giấy dầu màu vàng. Tên gọi công đoàn vàng bắt đầu từ đó, để chỉ những nghiệp đoàn mạo danh của giới chủ.
Theo tôi công đoàn vàng với công đoàn của nhà nước là một. Vì họ chẳng tổ chức được cuộc đình công nào cho công nhân mà còn có khi đàn áp, ngăn cản họ, đứng về phía giới chủ.
-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Nhưng các nhà hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến tại Việt Nam thì lại gọi tổ chức công đoàn của nhà nước hiện nay là công đoàn vàng với lý do là họ chẳng những không giúp công nhân đòi quyền lợi mà còn cản trở những cuộc đình công của họ. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, đứng đầu tổ chức Hội nhà báo độc lập nói:
“Theo tôi công đoàn vàng với công đoàn của nhà nước là một. Vì họ chẳng tổ chức được cuộc đình công nào cho công nhân mà còn có khi đàn áp, ngăn cản họ, đứng về phía giới chủ.”
Chúng tôi có liên lạc với ông Ngô Duy Hiểu để bình luận về cáo buộc này, nhưng ông nại cớ bận việc nên không trả lời được.
Theo ông Phạm Chí Dũng, tổ chức công đoàn của nhà nước hiện nay nhận 2% quĩ lương từ các công ty xí nghiệp, tức là họ trên thực tế lãnh lương của giới chủ.
Trên trang báo Người Lao Động của nhà nước Việt Nam, số ra ngày 8/12/2014, có trích dẫn Luật Công đoàn của Việt Nam, ghi rõ là các doanh nghiệp phải nộp 2% quĩ lương của mình cho công đoàn của nhà nước.
Đầu năm 2017, trong một lần trao đổi với RFA, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói về quan hệ giữa giới chủ đầu tư và công đoàn nhà nước như sau:
“ Giới chủ đầu tư trả lương cho những người đại diện công đoàn, cho nên khi những người này đấu tranh cho quyền lợi công nhân liền bị sa thải.”
Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Việt Nam cho phép nghiệp đoàn độc lập hoạt động?
Sau buổi điều trần ở Nghị viện Châu Âu về nhân quyền Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có trả lời RFA rằng không loại trừ việc Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức những công đoàn do họ điều khiển.
Những người hoạt động công đoàn độc lập hiện nay tại Việt Nam không lo ngại việc xuất hiện công đoàn vàng.
Ông Đoàn Huy Chương, của tổ chức Phong trào lao động Việt cho chúng tôi biết:
“Lo ngại đó cũng chính đáng nhưng tôi cho là công nhân hiện nay hiểu biết nhiều, họ sẽ biết ai là đại diện cho họ.”
Bà Trần Thị Thuận, của tổ chức Liên đoàn lao động Việt tự do nói về phát biểu của ông Ngô Duy Hiển:
“Nhà cầm quyền cộng sản họ lo ngại quá xa, vì họ có mục đích gì đấy thôi. Cả thế giới đều phát triển được công đoàn một cách mạnh mẽ thì tại sao Việt Nam phải lo ngại?”
Một nhà quan sát khác là ông Nguyễn Thiện Nhân ở Bình Dương cho rằng chuyện thành lập công đoàn vàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không có gì đáng ngại cả.
Ông Nhân là người quan sát những hoạt động đình công của công nhân ở Bình Dương bấy lâu nay.
Chính trị là phạm vi rất rộng. Quyền hoạt động chính trị cũng là của công nhân, miễn họ không làm trái pháp luật.
-Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bình Dương.
Bình luận về sự lo ngại về hoạt động chính trị của tổ chức công nhân, ông nói:
“Chính trị là phạm vi rất rộng. Quyền hoạt động chính trị cũng là của công nhân, miễn họ không làm trái pháp luật.”
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, sự lo ngại của các giới chức Việt Nam về hoạt động chính trị của các tổ chức công nhân độc lập, là sự ám ảnh về hoạt động của Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan vào những năm cuối của chế độ cộng sản ở nước này.
Bà Trần Thị Thuận nói rằng chuyện chính trị hay được những người cộng sản Việt Nam đem ra làm cái cớ để đàn áp.
“Trong cương lĩnh của Liên đoàn lao động Việt tư do có ghi rằng chúng tôi không hoạt động chính trị, mà chỉ tranh đấu cho quyền lợi của công nhân. Thế nhưng Liên đoàn lao động Việt tự do luôn bị cáo buộc là một tổ chức chính trị phản động.”
Bà nói thêm là ngay trong những qui định điều lệ, của tổ chức công đoàn của nhà nước hiện nay đều có ghi rằng Tổng công đoàn của nhà nước hiện nay là một tổ chức chính trị.
Chúng tôi vào trang web Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam thì thấy ghi rằng Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân Việt Nam.
No comments:
Post a Comment