Tuesday, November 6, 2018

Ông Trọng tự sướng về nền giáo dục hiện nay!


Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân

Trong buổi gặp mặt thân mật đại diện ngành Giáo dục và các em học sinh, sinh viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc năm học 2017-2018 vào chiều 3/11/2018, sau khi nghe Bộ trưởng bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ báo cáo, ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phán rằng: “Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay”.
Phải nói rằng độ khoảng vài năm nay, bà con đã dần quen với những tuyên bố kiểu hùng dũng (có lẽ phải nói là hùng hổ thì đúng hơn) như thế này. Vào dịp cuối năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, không biết vô tình hay cố ý, đã nhấn mạnh cụm từ “vai trò đầu tàu” của TP. HCM và thủ đô Hà Nội cùng nhiều địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, thậm chí là Long An, với kỳ vọng các địa phương này “trở thành đầu tàu kinh tế cho cả nước”. Nhiều người khôi hài rằng như thế nền kinh tế sẽ như cỗ xe nhiều đầu, mỗi cái chạy theo một hướng. Nhưng có người cho rằng đó là chuyện bình thường vì chúng chỉ là những phát biểu mang tính… khích lệ.

Chuyện phát biểu mang tính khích lệ này nghe giống giống như chuyện Tăng Sâm thời Đông Chu, hay gần đầy hơn là câu nói của Goebbels, Bộ trưởng bộ tuyên truyền của Đức Quốc Xã: “Khi sự dối trá đủ lớn và được lặp đi lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành sự thật”.
Tại sao gọi đó là “những điều dối trá”? Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, tôi chỉ xét về các khía cạnh của giáo dục, còn về “các đầu tàu kinh tế” xin để lại dịp khác.
Về kết quả trong học tập, phải nói điểm sáng gần đây nhất là vào cuối tháng 10/2018 hai đại học của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM được lọt vào danh sách  top 1.000 thế giới theo xếp hạng của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS). Tuy nhiên ngay việc này còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Khoa học công nghệ của trường Đại học Tôn Đức Thắng, trên thế giới có rất nhiều tổ chức đánh giá xếp hạng đại học như Leiden, QRWU, THE, UMultirank chứ không chỉ duy nhất tổ chức QS, nhưng có lẽ do QS làm tốt công tác quảng bá nên được biết nhiều. Ông cho rằng những tổ chức xếp hạng uy tín họ tự đánh giá chứ không cần các trường phải nộp hồ sơ, họ dựa vào cơ sở dữ liệu của ISI và tự nhận thấy những trường đại học nào đang lên để đưa vào đánh giá. Ông Út cho rằng điều này tạo ra hệ lụy hết sức nguy hiểm. Nó làm thay đổi quan điểm học thuật trong đại học theo hướng xem nhẹ việc nghiên cứu và từ đó kéo đại học xuống thành những trường đào tạo nghề nghiệp, đại học ứng dụng chứ không còn là đại hoc thuần túy và nghiên cứu hàn lâm”.
Cũng theo ông Út, một việc tệ hại khi QS Ranking khá thương mại vì thường tổ chức các hội thảo, mời gọi quảng cáo với giá vài nghìn Mỹ Kim. Họ mời gọi các trường tham gia với lý giải rằng sẽ nhận được cơ hội đề cử cao khi xếp hạng. Tôi cho đó là điều làm biến tướng việc xếp hạng đại học.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng cho biết là người được tổ chức QS gửi thư mời đề cử cũng phải nhìn nhận: “Ngay như xếp hạng của QS cũng mang tính chất thương mại, họ mời tổ chức hội nghị rồi tặng mình bằng khen và mình phải đóng tiền. Tham gia vào bảng xếp hạng là một bài toán tốn kém, các trường đại học tầm trung không nên chạy theo bởi nó không phù hợp với mình.”.
Với kinh nghiệm ngắn ngủi 10 năm ở Đại học Bách Khoa Sàigòn cũng như tinh thần cầu thị và tôn trọng đối với các đồng nghiệp cũng như các sinh viên của mình, nhưng tôi không thể nào không ngỡ ngàng trước những tiêu cực của giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung. Tôi đã từng thấy những luận văn được “sao chép công phu” từ các sách giáo khoa của Pháp (mà người sinh viên ấy không ngờ có người biết tiếng Pháp như tôi được tư vấn), tôi đã từng được mời tham dự các đề án nghiên cứu khoa học cực kỳ vô bổ, nó chỉ có giá trị đem lại lợi nhuận cho người thực hiện cũng như người duyệt (thường là bạn bè với nhau), tôi đã từng biết những giáo sư nổi tiếng của Pháp đã bị từ chối tham gia các khóa bồi dưỡng toán học chỉ vì trong danh sách bạn bè có những người như cá nhân tôi… và còn nhiều nữa. Tất cả cho thấy tình trạng nghiên cứu – cơ bản lần ứng dụng – còn rất yếu, và việc lọt vào “top 1000” của hai đại học lớn nhất nước cũng rất hình thức nếu không muốn nói là vô giá trị.
Còn nói về giáo dục chung chung thì có lẽ không cần phải chi tiết ra đây. Chỉ xin được tóm gọn một vài chuyện buồn từ đầu năm 2018: Chỉ vì dám phạt con của mình, một cô giáo ở Long An bị phụ huynh (một đảng viên CS) ép quỳ; một thầy giáo đâm nữ đồng nghiệp vì ghen, 94 trong 1224 thầy cô được phong hàm bị tố cáo là không xứng đáng; đạo văn; bằng giả; thầy sàm sỡ nữ sinh lớp 3; cô bắt trò uống nước từ giẻ lau bảng; phụ huynh bắt cô giáo quỳ, đánh cô đang mang thai; kinh khủng hơn cả là chuyện thầy trường tiểu học An Thượng A (Hoài Đức, TP. Hà Nội), bị tố có hành vi dâm ô với con họ. Và chắc chắn mọi người cũng nhớ đến quy định “bán dâm bồn lần” mới đây.
Các vấn nạn vừa nói xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới, nhưng có điều ở các nước khác cũng xuất hiện chừng mực và chính quyền xử lý mạnh tay. Ngược lại, ở Việt Nam thì tình hình càng ngày càng xấu. Cách đây 5, 10 năm, tệ nạn vừa nêu cũng có nhưng không tràn lan. Các chuyên gia như Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Khải cũng gào lên hàng năm nhưng tất cả đều chìm vào hư không.
Nếu bỏ ra ngoài các vấn nạn mang tính xã hội, giáo dục chúng ta còn vô số vấn đề như: quan tâm đến số lượng nhiều hơn chất lượng, nội dung, chương trình giảng dạy còn lạc hậu, lỗi thời, chưa phát huy được tính sáng tạo, năng lực thực hành cho học sinh; chỉ quan tâm đến việc dạy “chữ” cho học sinh. Và việc dạy “nhân” và “nghĩa” thì lại bị buông lỏng; hệ thống giáo dục các cấp bậc từ đại học đến phổ thông còn thiếu đồng bộ, chưa có sự cân đối; tư duy của nền giáo dục còn chậm đổi mới, chưa theo kịp tốc độ phát triển, đổi mới của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, phát triển và hội nhập với thế giới; tư duy “phản biện” không hề có trong việc đào tạo con người…
Chuyện phát ngôn có tính khích lệ bản thân nó không xấu, nhưng dùng nó vào mục tiêu chính trị hoặc che giấu những khuyết tất của nó mới xấu. Cũng nhân nói về những phát ngôn này, mọi người còn nhớ năm 2008, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, ngày 30/9/2008, duyệt kinh phí 10 ngàn tỷ đồng (gần 500 triệu Mỹ Kim) cho “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.
Ông Nhân đã tuyên bố: “Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam sẽ có đủ năng lực ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.” Một đề án cực kỳ quy mô và có tham vọng quá lớn. Đề án hoạt động đến nay đã 10 năm, chỉ còn hai năm nữa là kết thúc nhưng “năng lực ngoại ngữ” của các thanh niên (chứ không phải sinh viên nhé) đến đâu thì mọi người đã rõ. Cũng cần nói thêm là một số lớn những thanh niên này đang định cư dùng ngoại ngữ để phục vụ cho “sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của các nước đang giẫy chết. Còn 500 triệu Mỹ Kim đi đâu thì trời biết.
Nếu muốn thực sự vực dậy nền giáo dục, thiết nghĩ nhà nước phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhìn thẳng vào thực tế nguồn gốc của tất cả sự băng hoại của nền giáo dục lúc này chính là ý thức hệ Mác-Lê vô thần duy vật và chế độ độc tài toàn trị để xóa bỏ những ràng buộc chính trị như quy định trong Luật giáo dục cũng như Đề cương “Chiến lược Phát triển giáo dục 2011–2020”.
Và những phát ngôn kiểu Tăng Sâm giết người hay của Goebbels của “Tân Hoàng đế” chỉ để nói trong lúc trà dư tửu hậu thì nghe có lý hơn.

No comments:

Post a Comment