Ông Bút (Danlambao) - Khi xưa Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH, chia môn Quốc Văn, bậc trung học làm hai thể loại.
1. Kim Văn: Những bài văn xuôi, thường trích những tác giả: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng v.v...
2. Cổ Văn: Học những bài thơ của: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ v.v...
Kim hay Cổ văn, đều phải học thuộc lòng, để đến giờ thầy cô dò bài. Năm lên lớp đệ thất (lớp 6) năm học đầu tiên trung học, bài văn tôi học đầu tiên là bài: Làng Từ Lâm, thường những bài văn xuôi học thuộc lòng rất khó, rất lâu, riêng bài Làng Từ Lâm (hình như của Thạch Lam) có âm điệu trầm bổng, du dương, êm đềm, nên học thuộc khá nhanh, phần nhập đề còn nhớ:
"Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm, xa xa toàn là núi, núi ngọn nọ ngọn kia không dứt, núi màu lam buổi sáng, buổi chiều mây bay sương phủ..."
Hồi ấy cô giáo Nguyễn Thị Chung, dạy văn chúng tôi, cô trẻ lắm, chừng 22, 23 tuổi thôi, cô đang có bầu con so, nhà cô ở Chùa Cầu, Hội An. Lúc bấy giờ trời đang về chiều, hanh hanh nắng nhạt, qua khung cửa sổ lớp học, bên kia sân trường là dãy nhà phố, nhìn ra con đường đất nhỏ bé, chạy thẳng vào trường trung học tư thục Diên Hồng, mấy bạn Nữ Trung Học Hội An, tan giờ lẻ (1) ra về.
Bỗng giọng cô giáo thánh thót cất lên "Tôi đến một nơi, gọi là Từ Lâm..." như kéo hồn tôi về thực tại và chìm hẳn vào bài văn... ôi, mới ngày hôm qua, chúng tôi phải há óc, nhá cho hết 600 bài tính mẫu, 1000 bà toán Pháp, để hầu bon chân vào trường công lập, giờ đây Làng Từ Lâm, cứ như giòng suối tưới mát tâm hồn, nó như một nhịp cầu đẹp, đưa tôi vào thế giới văn chương lạ lẫm, tôi mê văn thơ từ đó.
Hơn một năm sau, bạn bè chuyền tay những tập thơ: Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng... những truyện tiểu thuyết, kiếm hiệp, mê nhất là Duyên Anh!!
Hầu như bạn bè chúng tôi, đều có chung một câu hỏi rất ư ngớ ngẩn:
"Không biết nhà văn, nhà thơ, họ ăn cái chi, mà viết hay quá chừng!!"
Chúng tôi mơ màng, không biết họ ăn cái chi, nhưng chắc không ăn tạp như mình. Tuổi thơ chúng tôi lớn vội theo chiến tranh, những mùa hè đầy ắp kỷ niệm, hoa phượng rực đỏ sân trường, tiếc quá những mùa hè tuổi thơ ít ỏi, rồi đến "mùa hè đỏ lửa" Cộng quân xâm lăng, tràn qua giới tuyến, TT Nguyễn Văn Thiệu ban hành lệnh đôn quân, tổng động viên. Thầy cô xoa đầu, chúc các em "lên đường bình an", giả biệt tuổi học trò. Tuổi lính của chúng tôi, những ông lính già, thường đùa khi dễ "chưa ăn hết một dề cơm cháy" đã đưa tới thảm họa 30/4/1975, sau ngày đau thương này, ở miền Nam đắc ý nhất tựa đề bản nhạc "đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng", vâng chỉ mỗi cái tựa đề thôi, và cũng là lúc chúng tôi "ngộ" ra những nhà văn yêu kính ngày xưa ăn gì rồi. Họ ăn bobo, ăn cơm mốc, độn khoai lang, khoai mì, ăn bắp v.v...ở trong tù họ ăn luôn cỏ, sinh vật thì con gì cụ cựa là ăn. Biết như vậy, nhưng lòng tôn kính càng thêm lên.
Một đêm nào đó, lâu rồi chừng 5, 7 năm trước, đang ngồi làm báo, chị Dung Krall, gởi email, truyện "Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ", (TBĐG NNL) thường bắt đầu đọc truyện, văn thơ của ai, tôi có thói quen, "ngửi qua" cái tên tác giả trước, cái tên có mùi gập gềnh: Phạm Tín An Ninh, sau đó lướt qua nhập đề, nếu không hợp gu, thì dọt lẹ, truyện TBĐGNNL, tôi sém dọt trước câu:
- Chú cứ đùa. Trông chú chẳng phải người quê cháu.
Sau câu này, tôi bị lún sâu, mới đầu còn cười với đoạn hóm hỉnh:
"Khởi nghiệp là đi xin, sau đó cũng chạy theo “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, ba thằng chung vốn làm ăn, kiểu công ty hợp doanh… Một thằng bán vé số, một thằng bán báo, còn thằng bé nhất đánh giày. Vậy mà cũng sống thoải mái (dù chỉ trên vỉa hè) lại còn dành dụm tiền gởi về cứu trợ gia đình."
"Sau đó bị cuốn hút chuyện tù ngoài Bắc, chuyện qua lâu rồi, nhưng khiến người đọc, mừng vui lây với tác giả và 3 người bạn đồng tù, được bà Vương Chu Khánh Hà, đãi ăn ngon lành, người Việt có câu "Một miếng khi đói..." cùng kiệt, đằng này không chỉ một miếng, mà rất nhiều miếng, bởi một tấm lòng nhân hậu, bà Vương Chu Khánh Hà, hồi tưởng một quá khứ khổ ải của đời mình, do chế độ CS trút xuống bà và hàng trăm ngàn gia đình khác, khi mới tiếp thu cai trị miền Bắc, hòa quyện vào đời tù của người lính miền Nam. Được ăn no, ăn ngon, được sống bên cạnh người đồng cảm, ai dám nói tù không hạnh phúc? Dòng truyện chơn chất chảy đều, nhân duyên sắp đặt hết sức khéo léo.
Bẵng đi một thời gian khá xa, tình cờ tác giả gặp Khiêm, cháu nội bà Khánh Hà trên đất Sài Gòn, gặp trong những ngày áp chót, tác giả sém lên tàu về lại Nauy, thằng bé Khiêm vì "tác nghiệp" hắn xin đánh giày cho tác giả đang ngồi ăn, qua tâm tình mới biết mối liên quan ngày xưa, tuy chỉ gặp Khiêm, có lẽ tác giả mừng như gặp bà Khánh Hà, ân nhân của mấy bạn tù thời Nghĩa Lộ, nhân viên quán ăn xua đuổi Khiêm, và những bạn của nó, nhưng tác giả mời mấy cháu cùng mâm, đưa về khách sạn, Khiêm được ngủ chung phòng với tác giả, mấy cháu kia ngủ riêng, ở phòng khác, hôm sau được đi Vũng Tàu, cuộc trùng phùng thật thấm thía, thiên địa khéo thiêng liêng, đoạn hóm hỉnh phần trên, người đọc được một nụ cười ý nhị. Đoạn kết một chuỗi bi thương đớn đau, bé Khiêm mang của tác giả tặng gia đình một ngàn Đô, về quê trùng tu mộ phần, do ước muốn của bà Khánh Hà, bị ăn cướp trấn lột, cháu khư khư giữ túi tiền, tiền còn, cháu mạng vong, một nỗi bi thương xót xa, nhờ số tiền đó gia đình đã qui tập mộ phần ông bà Khánh Hà, mộ người con gái út, cùng bé Khiêm về chung một nghĩa địa, cái di nguyện của bà Khánh Hà bao năm qua, giờ mới toại nguyện, hẳn là niềm vui khó tả, niềm vui cùng khổ đau, cứ hòa quyện vào nhau.
Truyện của PTAN hay quá, tôi quên mất chuyện làm báo, quên cả đêm khuya, bắt bén, tôi vào google, đọc thêm truyện: Ông quản giáo Thà.
Cái nghề cai ngục, hiếm ai có tình người, lại là cai ngục của chế độ phi nhân Cộng Sản, thế mà trong cội chua, cũng có trái ngọt, cái tên của ông quản giáo này, giống như trời đặt, quản giáo Thà với tác giả có "duyên tiền định" từ mùa hè 1972, tác giả thuộc trung đoàn 44, sư đoàn 23, có thể là đại úy, cầm quân đánh nhau với thượng uý Thà, đơn vị tăng, sư đoàn 320, chính ông Thà nói bên SĐ 320 thua xiểng liểng, ông Thà bị thương nặng, được anh em quân nhân QLVNCH chăm sóc tử tế, sau chuyển viện bằng trực thăng, được cứu chữa tận tình, những ân tình "bên kia chiến tiến" làm ông Thà hối ngộ, năm 1973 được trao trả tù binh, những thuốc men quý báu, ông Thà đành phải vứt bỏ, ông muốn giữ lại một ít trụ sinh, cũng không được, vì chúng khám kỹ quá, việc này càng làm cho ông Thà suy nghĩ, ông mang ơn sâu đậm, không ngờ một ngày trớ trêu, ông gặp lại tác giả trong nhà tù Việt Bắc, dịp "may" ông Thà trả ơn nghĩa ngày xưa, ông Thà đãi những bạn tù một bữa sắn no nê, trời mưa lạnh buốt giá, ông mặc áo tơi, đi đặt lờ, được bao nhiêu cá, ông giấu trong bụi, dành cho tù nhân kiết lị.
Về sau tác giả, có dịp đền ơn xứng đáng bội phần, cho ông Thà tại Việt Nam và hai người con, người chị tên Hà đang sống bất hợp pháp, và em trai tên Tĩnh, đang ở tù tại Ba Lan, tất cả nhờ mối thân tình của tác giả với đại tá không quân Zbigniew Piwko, ông này đào tỵ CS, được Nauy cưu mang, về sau Công Đoàn Đoàn Kết thắng lợi, Piwko về lại Ba Lan, nhận nhiệm vụ quan trong, trong ngành Cảnh Sát, đã cứu chị em Hà & Tĩnh, được cư trú hợp pháp, được đi làm và đi học.
Chỉ hai truyện này thôi, người đọc thấy Phạm Tín An Ninh, đã vạch lằn ranh rõ ràng, không phải lằn ranh giới tuyến, để AK 47, XM 16 chong nhau chờ giết, mà lằn ranh giữa thiện và ác, Cộng Sản tàn ác, sâu hiểm trong chiến tranh, sau chiến tranh, cướp đất, cướp nhà người dân, bao nhiêu thủ đoạn gian manh, cái tàn ác, gian manh, nó thường trực luân lưu trong huyết quản người CS, cái thiện của phía bên bị giải phóng, đã hình thành từ khi cha sinh mẹ đẻ, nó lớn lên theo hình hài của con người, cho đến khi trở về với đất.
Truyện thật hay, nó dung dị, hiền từ như tác giả ("văn là người", tôi đoán vậy) những phân đoạn, những ngã rẽ, cách hành văn trong truyện cũng chơn chất, "như sắn phơi khô, như khoai xắt lác" (2)
Câu hỏi ngớ ngẩn, thời tuổi thơ lại phảng phất "không biết ăn cái chi, mà viết hay quá thể!" Tôi mong có ngày gặp được tác giả, nói lời hâm mộ, ngày kia trên báo mạng, tôi đọc truyện PTAN, thời may mấy khi có được, tôi "bắt quàng làm họ" nắn nót (tâm hồn) viết lời comment, để lại chi tiết, ngày tháng đi qua, bóng chim tăm cá. Bỗng một hôm đầu tháng 10/2108, tôi nhận cú phone của tác giả, gọi từ Cali, vui rơn. Tôi mời anh chị đến Atlanta, ở đây có nhiều người mến mộ anh, họ gọi PTAN, là nhà văn quân đội, riêng tôi, qua 4, 5 lần phone, mỗi lần trung bình 3 phút, qua cách nói chuyện, tôi biết (đoán mò) anh vui tính, nhưng có quy cũ, khi tào lao chi sự ngoài quán, tôi hay nói với bạn bè về nhà văn PTAN, và nhiều nhà văn khác, nhưng với anh, tôi sợ anh nhíu mày, có lẽ tính anh khiêm nhường, thích tự nhiên, nên tựa đề để chay:
"Đọc tác phẩm Phạm Tín An Ninh"
Qua phone, tôi hỏi mua (tạm nói như vậy) một tác phẩm của anh, tựa đề "Sau Cuộc Biển Dâu," nếu anh không có, nhờ anh ra tiệm sách mua hộ, anh trả lời: Sẽ tặng Bút, chứ không được trả tiền, phần tôi cũng ray rứt, khó nghĩ khi đọc "chùa" làm sao yên lòng được, tôi gởi money order $50, nói khéo biếu anh uống café, khi tiền tới tay anh, tôi ngốn hết ráo 243 trang, đó là tôi đọc nhín, từng đêm trước khi ngủ, đọc có liều lượng như thuốc! sách dày 243 trang, không tính 2 trang bìa, 4 trang trình bày, 5 trang rưởi, bài viết của giáo sư Nguyễn Phụng, về "Chân dung PTAN."
Sau Cuộc Biển Dâu: (SCBD)
Anh em đám lính chúng tôi, rất mong được phục vụ dưới quyền chỉ huy của những sĩ quan, như Thiếu Tá Liên Thành, Vương Mộng Long, Phạm Tín An Ninh, và còn nhiều, rất nhiều nữa, trước hết họ cần mẫn, đồng cảm và thương lính hết mực, đọc sách họ viết, tự người đọc nhận biết, nhiều sĩ quan sống đúng với câu "quên mình phục vụ"
Trong SCBD có tất cả 18 truyện, truyện "Sau Cuộc Biển Dâu", trang 17. Thật ra những truyện khác trong tác phẩm này, đều mang dấu ấn "Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trong thấy mà đau đớn lòng." Không đau đớn sao được, khi nước mất nhà tan, mộ chí còn không giữ được, trước lòng tham, ác của quân thù, vợ con cũng tan tác, chia lìa, ly biệt. Điều lạ, là anh bộ đội, nhân vật chính trong truyện: "Người tù binh hồi chánh bên bờ sông Ba", trang 191, những đổi thay trong đời họ, được trọn vẹn hạnh phúc, anh này ra hồi chánh mang theo một khẩu K54, và thỉnh được cô vợ đẹp hơn cả liêu trai chí dị, không "kinh qua" cưới hỏi, trên đường trốn chạy, anh bộ đội vớt cô nàng bên rừng hoang biền biệt. Sau ngày mất nước họ ở trên "thiên đường" Mỹ Quốc, nhà cửa tráng lệ, cuộc sống dư dả, con cái thành đạt, kỳ dư còn lại, đều là: "Hạnh phúc xót xa", truyện trang 201.
Thêm nữa: Trong truyện "Đằng sau cuộc chiến" trang 109, đơn vị của tác giả PTAN, đụng trận, tại làng Sơn Hải, Phan Rang, phía Cộng quân tử thương gần 30 chục, khoảng 10 bộ đội bị bắt sống, trên chiến trường ngổn ngang đó, có một bé trai ở trong hốc núi, chừng 2, 3 tuổi bị thương nhẹ, được Trung Sĩ Kỳ, thuộc cấp của tác giả đem về làm con nuôi, đặt tên Ngộ, TS Kỳ bị thương, vì vết thương ảnh hưởng, vợ chồng TS Kỳ không có con, xem Ngộ như con ruột, Ngộ lớn lên cũng không hề hay biết, mình là con nuôi của ông bà Kỳ, sau cuộc biển dâu, gia đình ông Kỳ vượt biên qua Tây Đức, nuôi Ngộ ăn học thành tài, trong trận chiến năm xưa mẹ ruột của Ngộ, bị đơn vị của TS Kỳ bắn chết, bởi vì bà ta ở hàng ngũ đối nghịch, bố ruột của Ngộ thoát thân, sau 1975 trở về làm lớn ở Ninh Thuận, tay này ra Bắc, làm rể "bác" Hồ, sinh được một cậu con trai, nhưng ăn chơi theo băng đảng, rồi bị đánh chết, tay cán bộ này, cũng nằm trong bầy sâu lớn, no cơm ấm cật, bỏ bà vợ già xứ Bắc, lấy một á hậu chân dài, váy ngắn ngon lành, đến lúc bầy sâu cắn xé, mạnh được yếu thua, bố ruột của Ngộ thuộc phe yếu, vợ bé ôm tên Cộng An thuộc cấp, cùng bạc tiền xây tổ ấm mới, bố ruột Ngộ trở thành "vô sản" chính hiệu, lúc xuống chó lại tứ cố vô thân, lâm trọng bịnh, ông đăng tìm con đã bỏ lại chiến trường năm xưa. Nhờ những người thân của TS Kỳ còn ở lại Việt Nam, giúp cho bố ruột của Ngộ gặp mặt con, với điều kiện ông ta không được nhận Ngộ là con, vì gia đình sợ Ngộ bị xáo trộn tâm lý, ông ta phải đóng vai bác. Giây phút trùng phùng ngắn ngủi, chỉ ôm Ngộ vừa giáp vòng tay, ông cán bộ đã thở hơi cuối cùng, giây phút lìa đời của một con sâu, đã được người quốc gia ban ân huệ, chứng tỏ họ không hề oán hận, vẫn ban ơn cho kẻ thất thế.
Đọc, thích nhất truyện "Nhà thơ đi lính" trang 37, ba nhân vật chính: Chuẩn Úy PTAN, Trung Sĩ Y-Broc Niê, khỏe mạnh, to con kiến thức tràn đầy, giỏi tiếng Pháp như tiếng Việt, thích thơ phú, biết làm thơ, Hạ Sĩ Lại Trọng Hà, lè phè, râu tóc bờm xờm. HS Hà đi vào cuộc chiến, như kẻ du ngoạn lạc lối vào một nơi nào đó, không cần biết danh địa, 3 người không nói lời kết nghĩa như ở vườn đào, Tam Quốc Chí, song họ yêu thương nhau như ruột thịt, như tay chân. Điều bất ngờ HS Hà lè phè, nhưng đánh giặc hạng cừ khôi, một lần đụng độ, cánh quân TS Y- Broc Nie bị hỏa lực địch uy hiếp, một bàn tay chạm vào vai Chuẩn Uý PTAN, xây lại hóa ra là Hà, anh ta dúi cây 79 hết đạn vào Ch/Úy, xin hai trái lựu đạn, trong mấy phút 3 tiếng lựu đạn M 26 nổ chát chúa, họng đại liên quân thù bị khớp mỏ, đoàn hùng binh xung phong làm chủ tình hình, trận đó đơn vị PTAN hoàn toàn thắng lợi, về sau Lại Trọng Hà bị thương, phải cưa mất hai chân, tác giả đã cất công tìm khắp nơi, vẫn không biết tăm tích. Có thể đây là một trong những lý do, khiến tác giả PTAN, góp phần không nhỏ giúp Thương Phế Binh ở quê nhà, TS Nguyễn Phụng, ở North Carolina cũng là đồng hương Quảng Nam, cho tôi biết: Cả trăm cuốn sách của PTAN, bán nhanh chóng, tất cả tiền bán sách, đều ủng hộ hết TPB và $50 tôi gởi anh, anh cũng "sung vào công quỹ," giúp anh em TPB. Cầu xin ơn trên cho Lại Trọng Hà bình an, để thầy trò đoàn viên, hạnh phúc thay!
Đối với Thầy
243 trang sách, tác giả trải lòng với quê hương, với bạn bè đầy ắp nghĩa tình, với thuộc cấp hết lòng thương yêu nâng đỡ. Ngoài ra tác giả còn có ông thầy, không kém phần kỳ bí, rất khác người, trong hoàn cảnh kỳ ngộ bất đắc dĩ, tác giả ứng xử thật vẹn toàn, Truyện "Người bạn học và ông thầy cũ" trang 91".
Kết: 13 năm rưỡi làm báo, có thể tôi đã viết gần 300 bài, chưa có bài nào dài 1400 chữ, bài này phá kỷ lục khá xa, vì viết dài sẽ làm ngao ngán người đọc. Tiếc rằng truyện Phạm Tín An Ninh hay quá, làm tôi vụng về, không thể vén khéo gọn được.
Atlanta ngày 15 tháng 11 năm 2018
________________________________
Chú thích:
(1) Ngày xưa thời khóa biểu, bậc trung học chia học giờ
(2) Chữ của nhà thơ Tường Linh
No comments:
Post a Comment