Friday, November 16, 2018

Bộ Công thương thừa nhận tình trạng tro xỉ ở Nhiệt điện Vĩnh Tân

RFA-2018-11-16
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận
  Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận-RFA
Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ, thừa nhận tình trạng tro xỉ gây ô nhiễm và dự kiến quá tải của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/11 cho biết Bộ Công thương xác nhận ba nhà máy Vĩnh Tân 2, 4 và ‘4 mở rộng’ dùng chung bãi chứa tro, xỉ có diện tích 38 ha, sức chứa khoảng 9,3 triệu m3. Hiện nay bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 tro, xỉ và dự kiến sẽ đầy trong 2 năm tới với lượng thải phát sinh thiết kế là 3,8 triệu m3/năm cho mỗi nhà máy.
Bộ Công thương xác nhận vị trí bãi tro, xỉ nằm gần đường quốc lộ và vận chuyển bằng ô tô nên ‘tiềm ẩn rủi ro’ gây bụi bởi gió biển và phát tán tiếng ồn.
Văn bản của Bộ Công thương nói lượng tro, xỉ thải phát ra nhiều nhất từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 2 với lý do là vì dùng than antraxit. Nhà máy Vĩnh Tân 1 đã được Thủ tướng cho phép lưu tro, xỉ dài hạn, còn Vĩnh Tân 2 đang chịu ‘áp lực’ lớn vì không tiêu thụ được tro, xỉ.
Nhà máy Vĩnh Tân 2 được nói đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh trọn đời dự án sản xuất gạch không khung. Công ty này mới lắp đặt 3/28 dây chuyền sản xuất và chỉ tiêu thụ được 450 tấn tro, xỉ mỗi ngày; trong khi đó hiện nay mỗi ngày Vĩnh Tân 2 thải ra 4.500 tấn tro, xỉ  mỗi ngày.
Các cam kết tiêu thụ tro, xỉ tại Nhà máy Vĩnh Tân 2 được đánh giá khó có khả năng thành hiện thực vì khó khăn về tài chính, công nghệ, và sản phẩm gạch không nung khó tiêu thụ vì giá thành cao.
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện: 1,2,3,4 và 4 mở rộng. Nhà máy Vĩnh Tân 2 do Tổng công ty Phát Điện 3 và Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Nhà máy Vĩnh Tân 4 do Trung Quốc đầu tư dự kiến phát điện từ tháng 9/2018. Nhà máy Vĩnh Tân 4 mở rộng dự kiến vận hành chính thức từ tháng 12/2019 và Vĩnh Tân 3 đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Năm 2008, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có vốn đầu tư dự kiến là 32.200 tỷ đồng; nhưng đến 2017, con số này đã tăng lên 104.900 tỷ đồng.
Cư dân địa phương ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng, suốt nhiều năm qua đã lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy này gây ra. Tháng 4/2015, người dân đã chặn Quốc lộ 1A; nhiều người bi cho quá khích đã dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng.

No comments:

Post a Comment