RFA-2018-11-16
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 12 tháng 9 năm 2018.AFP
Nợ nước ngoài của quốc gia sắp chạm trần sẽ làm Việt Nam đối mặt những khó khăn gì, trong khi vẫn đang căng thẳng với tình hình nợ công?
Sẽ ảnh hưởng hàng loạt vấn đề về đầu tư
Ủy ban Tài chính Ngân sách vừa trình Quốc hội ‘Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018’, trong đó cho biết tỷ lệ nợ công trên GDP đã giảm nhẹ trong những năm gần đây, tuy nhiên nợ nước ngoài của quốc gia lại đang tăng lên hàng năm đến gần mức trần cho phép là 50% GDP.
Cụ thể theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2017 là 45,2% GDP; năm 2018 là 49,7%GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9 %GDP.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia gồm nợ nước ngoài chính phủ, các khoản vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp. Tuy nhiên Luật Quản lý nợ công cũng quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ hạn mức vay của doanh nghiệp.
Nợ nước ngoài sắp chạm trần, thì nó cũng thì nó cũng có khả năng vượt trần. Đó là cái điều chúng ta không mong muốn nhưng có thể nó vẫn xảy ra. Như vậy là nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về đầu tư.
-GS. TS. Vũ Văn Hóa
Khi nợ nước ngoài của Việt Nam gần chạm trần cho phép là 50% GDP sẽ dẫn đến hệ quả gì? Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Hiệu phó trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết:
“Thật ra thì cái nợ nước ngoài sắp chạm trần, thì nó cũng thì nó cũng có khả năng vượt trần. Đó là cái điều chúng ta không mong muốn nhưng có thể nó vẫn xảy ra. Như vậy là nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về đầu tư cũng như những công việc khác của chính phủ, nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vấn đề tài chính gặp khó khăn.”
Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng, không một chính phủ nào mong muốn như thế, nhưng do tình hình tài chính trong nước đang gặp khó khăn, cho nên cần vay của nước ngoài. Việc đó là bất khả kháng của một nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông nói tiếp:
“Tất nhiên là nó sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối tài chính trong nước, bởi vì tất cả những khoảng nợ nước ngoài trước đây cũng đã đến hạn trả một số rất là lớn. Cho nên bây giờ vay nước ngoài nữa thì nó làm cho vấn đề tài chính càng gặp khó khăn hơn. Và nếu không trả nợ nước ngoài đúng hạn còn ảnh hưởng vấn đề uy tính với các tổ chức tín dụng hoặc các quốc gia cho Việt Nam vay.”
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại không tỏ ra lo ngại về tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Việt Nam hiện nay:
“Tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam theo tôi là nằm trong vòng kiểm soát và không gây áp lực quá nhiều đối với vấn đề thanh toán của Việt Nam. Cho nên mức trần nợ nước ngoài của Việt Nam là một giới hạn tượng đối an toàn.”
Ông Huỳnh Bửu Sơn chỉ lo ngại việc vay nước ngoài bằng ngoại tệ đặt ra một nhu cầu cần phải có ngoại tệ để thanh toán. Điều đó tạo ra một áp lực khá lớn đối với chính phủ. Theo ông, nếu vay trong nước thì việc thanh toán khoản nợ đó bằng tiền nội tệ tuy cũng là một áp lực nhưng dù sao đây cũng là đồng nội tệ nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có thể chủ động để có tương đối dễ dàng!?
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, nợ trong nước cũng đã có nhiều và đang tăng lên, nên không thể vay thêm nữa hoặc không dám vay thêm nữa vì lo ngại mất cân đối kinh tế trong nước.
Khi trình Quốc hội ‘Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018’, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây: năm 2017 là 62,6%GDP, năm 2018 có thể giảm còn 61,4%GDP và dự kiến xuống còn 61,3%GDP trong năm 2019.
Tốc độ tăng nợ công hiện vẫn rất cao
Tuy nhiên theo Phó Giáo Sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội thì tốc độ tăng nợ công hiện vẫn rất cao:
“Hiện nay tỷ lệ nợ công cũng như bội chi ngân sách thì giảm so vơi trước thôi, chứ tốc độ tăng hiện vẫn rất cao. Nợ nước ngoài hay trong nước mà cao thì đều ảnh hường và rủi ro cả, nhưng tất nhiên nợ nước ngoài thì nhiều áp lực hơn nợ trong nước.”
Theo số liệu Ủy ban Tài chính Ngân sách công bố vào cuối tháng 10 năm 2018, số tuyệt đối về nợ công vẫn tiếp tục tăng: nợ công năm 2017 là 3,13 triệu tỷ đồng; năm 2018 ước tính khoảng 3,41 triệu tỷ đồng, tăng hơn 280 ngàn tỷ đồng.
Tôi đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam đang là căng thẳng và nợ nước ngoài cũng không thể xem thường. Cách chúng ta tính toán và xử lý cho đến nay thì vẫn ở trong một tình hình rất căng thẳng, chứ chưa phải là có sự cải thiện đáng kể gì.
-TS. Lê Đăng Doanh
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết:
“Tôi đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam đang là căng thẳng và nợ nước ngoài cũng không thể xem thường. Cách chúng ta tính toán và xử lý cho đến nay thì vẫn ở trong một tình hình rất căng thẳng, chứ chưa phải là có sự cải thiện đáng kể gì. Tôi rất mong chính phủ tiếp tục cải cách ngân sách, tái cơ cấu ngân sách, giảm các khoản chi thường xuyên, giảm bộ máy nhà nước để làm sao có một đề án tái cơ cấu ngân sách một cách hiệu quả hơn, và giảm tỷ lệ nợ công.”
Hiện khả năng huy động vốn trong nước của Việt Nam cũng bị hạn chế, mặc dù huy động vốn trong nước thì lãi suất cao hơn vay nước ngoài rất là nhiều. Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong điều kiện lạm phát, bội chi ngân sách và thâm thủng như hiện nay thì lãi suất trong nước sẽ luôn luôn là cao. Chính vì vậy, Việt Nam luôn cố gắng huy động, cũng như vay ở nước ngoài nếu có điều kiện cũng như mức lãi suất phù hợp.
Vào ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc Hội Việt Nam thông qua nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, Việt Nam sẽ gia tăng vay vốn ODA nước ngoài thêm 60.000 tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và sẽ giảm nguồn vốn vay quốc nội để bảo đảm an toàn nợ công.
Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:
“Nếu mà không vay ODA thì vẫn có thể vay thương mại, nhưng vay thương mại thì lãi suất sẽ cao hơn là vay ODA. Tôi chưa rõ các nguồn vay ODA như thế nào, nhưng Việt Nam hiện nay đạt mức thu nhập trung bình, tức thu nhập khoảng 2.400 USD một đầu người. Và như vậy sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi như trước kia.”
Việc Quốc hội quyết định cho vay thêm vốn ODA của nước ngoài và giảm vay trong nước, thì Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cũng sẽ làm giảm chi ngân sách vào lãi suất. Nhưng giải pháp cơ bản hơn là phải tái cơ cấu ngân sách, giảm vay nợ và giảm bội chi ngân sách. Theo ông, biện pháp này không dễ dàng và đòi hỏi một quyết tâm rất cao, cũng có thể phải chịu đau, nhưng ông cho rằng thà chịu đau sớm, còn hơn để tình hình tiếp tục căng thẳng hơn thì lúc bấy giờ sẽ còn bất lợi hơn.
No comments:
Post a Comment